Như Lai Tạng trong Kinh Lăng Già đối với sự sinh diệt của các thức

Như Lai Tạng chính là tâm chân như, chân như là cái thể của Như Lai Tạng. Thể này thì bất sinh bất diệt không có tướng sai biệt nhưng sở dĩ có tướng này tướng kia… chỉ do vọng niệm sinh khởi.

Như Lai Tạng chính là tâm chân như, chân như là cái thể của Như Lai Tạng. Thể này thì bất sinh bất diệt không có tướng sai biệt nhưng sở dĩ có tướng này tướng kia… chỉ do vọng niệm sinh khởi.

Tác giả: Thích Đồng Niệm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024

Trong Kinh Pháp Hoa có nói: “Đức Phật xuất hiện ở đời chỉ vì mục đích duy nhất là khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Vì thế, giáo lý của Ngài không phải là một lý luận viễn vong mơ hồ, mà đó là giáo nghĩa minh triết của cuộc đời, để cho mọi người nhìn nhận đúng sự thật của các pháp, từ đó xa rời chấp kiến, chấp thường và chấp đoạn.

Chính sự chấp đó mà chúng ta cứ mãi trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi trong nhiều kiếp, chẳng phải cũng do cứ mãi sống trong vọng tưởng đó sao? Sự hiện diện của chúng ta ngày hôm nay, có thể nói: đó là một minh chứng cụ thể nhất.

Trong Kinh Lăng Già chép: “Lúc bấy giờ ngài Đại Huệ Bồ tát Ma ha tát bạch Phật: bạch Thế Tôn, các thức có mấy thứ sinh, trụ, diệt? Phật bảo Đại Huệ: các thức có hai món sinh, trụ, diệt, chẳng phải suy nghĩ biết được. Hai thứ sinh gọi là lưu chú sinh và tướng sinh, hai thứ trụ gọi là lưu chú trụ và tướng trụ, hai thứ diệt gọi là lưu chú diệt và tướng diệt”.(1)

Như vậy, chúng ta nhận thấy tính thứcvốn luôn hằng lưu trú như những cơn sóng nhấp nhô trên biển cả. Còn Như Lai Tạng vốn không sinh diệt, khi bị thức chấp giữ nên có ra sinh diệt, ấy là vi tế lưu trú sinh. Có một điều chúng ta phải nhận định rõ câu hỏi của Đại Huệ “các thức có mấy thứ sinh, trụ, diệt”.

Đức Phật đã giải đáp rất rõ ràng. Bởi vì các thức đó là tám thức. Thức thứ tám là Tạng thức, cũng gọi là Như Lai Tạng. Bởi vì thức này chứa tất cả các chủng tử mê và ngộ của tất cả chúng sinh. Cũng như trong các bộ luận Phật giáo, như Luận Khởi Tín thường đề cập đến bản tính chân như của thức này.

Nhưng có nhiều quan điểm gọi phần chân tướng đó là thức thứ 9 hay gọi khác là Bạch tịnh thức. Nhưng thật ra không có thức thứ 9, đó chỉ là bản tính chân như của thức thứ tám mà thôi. Trong Đại Thừa Khởi Tín nói rất rõ về tâm chân như:

心 真 如 者. 即 是 一 法 界 大 總 相 法 門 體. 所 謂 心 性 不 生 不 滅 .一 切 諸 法 唯 依 妄 念 而 有 差 別. 若 離 妄 念 則 無 一 切 境 界 之 相. 是 故 一 切 法 從 本 已 來. 離 言 說 相 離 名 字 相. 離 心 緣 相 畢 竟 平 等. 無 有 變 異 不 可 破 壞. 唯 是 一 心 故 心 真 如.

(Tâm chân như giả, tức thị nhất thiết pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể. Sở vị tâm tính bất sinh bất diệt. Nhất thiết chư pháp, duy y vọng niệm nhi hữu sai biệt.

Nhược ly vọng niệm tắc vô nhất thiết cảnh giới chi tướng. Thị cố nhất thiết pháp, tùng bổn dĩ lai. Ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng. Ly tâm duyên tướng, tất cánh bình dẵng. Vô hữu biến dị, bất khả phá hoại. Duy thị nhất tâm, cố tâm chân như.)

Như vậy, chúng ta thấy rằng dù cho Đại Thừa Khởi Tín Luận hay Lăng Già quan niệm về Như Lai Tạng không khác. Bởi vì tâm chân như là thể của pháp môn “nhất pháp giới đại tổng tướng”. Pháp môn ấy là gì? Đó là Như Lai Tạng. Nếu như có người hỏi tại sao Như Lai Tạng gọi là nhất pháp giới đại tổng tướng? Bởi vì nhất pháp giới là cõi pháp chân thật toàn vẹn. Chữ “nhất” không phải là “một” mà là toàn thể.

Vì tất cả pháp thế gian và xuất thế gian đều trọn vẹn nhiếp thâu trong đó. Nên gọi là nhất pháp giới, đây chính là nhất tâm. Bời vì trong tam tự nhất tâm, tự tướng chính là đại tổng tướng tức là Như Lai Tạng.

Chân như là thể của pháp giới, đại tổng tướng chính là thể của Như Lai Tạng, thể này bất sinh bất diệt, không có tướng sai biệt, nhưng sở dĩ có tướng này chỉ do vọng niệm sinh khởi. Nếu như chúng ta lìa vọng niệm thì bặt nhiên không còn một tướng nào cả. Cho nên mới nói:

“Hòa trong biển tính tuyệt vơì77
Mới hay muôn sự trên đời khác đâu
Song trăng phẳng lặng bên cầu
Một cơn gió thoảng nước chao trăng mờ”

Như vậy, Như Lai Tạng chính là tâm chân như, chân như là cái thể của Như Lai Tạng. Thể này thì bất sinh bất diệt không có tướng sai biệt nhưng sở dĩ có tướng này tướng kia.v.v… chỉ do vọng niệm sinh khởi. Nếu như mọi hành giả lìa được vọng niệm thì bặt nhiên không còn một tướng nào cả. Cũng như nói tâm động là nói cái tướng nó động. Tức là nói Như Lai Tạng động tự thể của tâm không bao giờ động.

Vì, thể tức tính. Cũng như tướng của nước động, thể tính của nước thì làm sao động được. Vì tướng của nước động, cho nên tướng đó mới khởi sóng nhỏ, sóng lớn.v.v… cũng như tướng của Như Lai Tạng động thì các sóng thức khởi lên triền miên không bao giờ ngừng nghỉ sinh diệt liên tục và chứa tất cả các chủng tử của các pháp đó là thức A Lại Da.

“Lúc bấy giờ Đại Huệ nói Thế Tôn bảo có Như Lai Tạng giống như ngoại đạo nói có ngã ? Thưa Thế Tôn, ngoại đạo cũng nói có một tác giả thường còn, lìa mọi duyên trần, châu biến bất diệt. Ấy họ nói có ngã vậy”.(2)

Từ đây, chúng ta thấy Ngài Đại Huệ muốn đức Phật nói Như Lai Tạng không giống thần ngã của ngoại đạo là còn chấp năm uẩn, phân biệt Như Lai Tạng là thể thường trú bất biến, tuy không có nhân vọng mà có giác và mê khác nhau. Khi vô minh che lấp tâm tính làm cho chúng ta không phân biệt rõ ràng bản chất của mỗi sự kiện, sự vật, thì lúc bấy giờ tâm phân biệt sinh, đây không phải là chân trí.

Nếu như trong lúc phân biệt mà chúng ta thấy tướng tâm diệt, cũng không phải chân diệt, vì mê lầm nên cho nó là sinh, mê tịch tịnh nên cho nó là diệt, đều do tâm phân biệt cũng là vô thường. Nếu chúng ta hiểu được chỗ này thì mới thấu triệt được nguồn gốc của vô sinh vô diệt. Còn ngoại đạo thì cứ y theo chấp vào ngũ ấm nên chỉ có tâm phân biệt. Nếu nói không, vô ngã là thần ngã, cũng không phải Như Lai Tạng thường trú bất biến, cũng rơi vào chấp thật ngã. Đức Phật muốn phá trừ đi bệnh chấp thần ngã nên mới thuyết chân ngã.

Cũng như đức Phật bảo Ngài Đại Huệ: “…Có khi ta nói Như Lai Tạng là không, là vô tướng, là vô nguyện, là Như Lai thực tế, là pháp tính, là pháp thân là Niết bàn là lý tự tính là bất sinh bất diệt, xưa nay vốn tịch tịnh là tự tính Niết bàn. Các câu ấy chỉ cho Như Lai Tạng tâm. Ta vì muốn trừ bệnh sợ thuyết vô ngã cho kẻ ngu phu nên ta nói Như Lai Tạng môn, cảnh giới vô sở hữu, xa lìa vọng tưởng. Đại Huệ, Bồ tát hiện tại, vị lai, không nên chấp trước đó là ngã tướng”.(3)

Chúng ta thấy trong Kinh Lăng Già ngay lúc đầu Đức Phật vì sợ chúng sinh chấp thân có ngũ ấm là thật ngã thường tồn bất biến, nên bày phương tiện nói ra pháp vô ngã. Nhưng thời gian sau hàng Thanh văn lại bị vướng mắc vào tư tưởng trên lộ trình tu tập chấp vô ngã, nhầm lẫn ở tự tính nên mới nói chân ngã.

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: Hành giả phải biết chỗ tu tập trước, ở nơi các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, không phải chân thật pháp. Cũng ví như người đi dạo thuyền trên hồ nước, làm rơi ngọc bảo châu, mọi người đua nhau lặn xuống nước mà tìm, mò toàn là những gạch đá mà tưởng cho đó là bảo châu, khi đem lên bờ mới biết. Công năng của bảo châu làm cho nước trong, có người trí cao dùng các phương tiện từ từ mà lặn xuống thì lấy được bảo châu.

Ở đây đức Phật muốn nói với các hàng tỳ kheo không nên tu tập vô thường, khổ, không, vô ngã cho đây là thật, luôn bám chặt vào đó, giống như người sang sông, chiếc bè chỉ là phương tiện. Còn không thì cũng không khác gì những người lặn xuống hồ lấy toàn là sạn đá, mà cho là bảo châu. Một vị tỳ kheo phải luôn biết rằng tâm phải giữ được trạng thái thường, lạc, ngã, tịnh. Có như vậy dù sống bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng vui vẻ với đạo.

Như vậy, thì chúng ta mới thấy Như Lai nói vô ngã là ý muốn chỉ cái chân ngã đó là Như Lai Tạng. Khác với hàng ngoại đạo nhận tâm phân biệt là thức mà cho là ngã.

Tác giả: Thích Đồng Niệm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024

***

CHÚ THÍCH:
(1) Thích Duy Lực(1994), Kinh Lăng Già, Nxb. Thành Hội Phật Giáo TP.HCM, tr. 23-24.
(2) Thích Nữ Diệu Không, Kinh Lăng Già Tâm Ấn (quyển 2), lưu hành nội bộ, PL 2531, tr.10.
(3) Thích Nữ Diệu Không, Kinh Lăng Già Tâm Ấn (quyển 2), lưu hành nội bộ, PL 2531, tr.10.

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nhu-lai-tang-trong-kinh-lang-gia.html