Như chưa hề có… dịch

Trong khi các lực lượng tuyến đầu đang nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào địa bàn tỉnh thì người dân vẫn mang tâm lý chủ quan, lơ là và bỏ quên các quy tắc 5K trong phòng, chống dịch. Dưới bãi biển, trên đường phố hay trong các hàng, quán, mọi hoạt động vẫn nhộn nhịp như… chưa hề có dịch.

Tắm biển… mùa dịch

17h 30 phút, bãi biển Nhật Lệ đã bắt đầu đông nghịt người. Tuyến đường Trương Pháp nhộn nhịp hàng quán. Các phương tiện đổ về bãi tắm trung tâm mỗi lúc một đông, bất chấp những khuyến cáo về phòng, chống dịch Covid-19. Trên bãi cát, nhiều gia đình tụ tập ăn uống, không khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn. Dưới biển, người lớn, trẻ nhỏ vẫn vô tư tắm biển, dù nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn luôn rình rập.

Những ngày vừa qua, thời tiết ở Quảng Bình nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nhiều ngày nhiệt độ lên đến 39-40 độ C. Nhiệt độ tăng cao khiến cho nhiều gia đình có nhu cầu tắm biển nhằm giải tỏa cơn nóng. Không chỉ riêng bãi tắm Nhật Lệ, các bãi tắm biển trên địa bàn TP. Đồng Hới như Bảo Ninh, Quang Phú cũng đông nghịt người. Bãi giữ xe chen chúc không khác gì mùa du lịch. Vào các ngày cuối tuần, lượng khách đổ về các bãi tắm biển càng đông đúc hơn. Mỗi buổi sáng, các bãi tắm biển cũng không hề “hạ nhiệt” khi có hàng trăm người đổ về, rải dọc bờ biển.

Bãi biển Bảo Ninh vẫn đông đúc dù đang mùa dịch.

Thường xuyên chở con tắm biển vào mỗi buổi chiều, anh T.N.C (Nam Lý, Đồng Hới) thẳng thắn thừa nhận: “Vẫn biết đi tắm biển mùa dịch như thế này thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao nhưng trời quá nóng, các cháu lại thích thú nên chiều nào gia đình cũng tranh thủ xuống tắm biển một chút. Chúng tôi cũng bớt lo phần nào khi Quảng Bình đã và đang làm tốt công tác phòng, chống dịch. Có những hôm cũng cố tình chọn tắm ở các bãi biển xa trung tâm một chút để tránh tập trung đông người nhưng những nơi này lại không có các dịch vụ, không có đội cứu hộ nên cũng lắm nỗi lo mất an toàn. Vậy là cuối cùng cũng phải quay về bãi tắm trung tâm”.

“Quay lưng là đâu lại vào đó”

Mỗi buổi chiều tối, các quán nhậu dọc tuyến đường Trương Pháp, Phạm Văn Đồng… vẫn đông nghịt người. Không khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn, mọi sinh hoạt, ăn uống vẫn diễn ra như ngày thường và đông đúc hơn vào mỗi dịp cuối tuần. Các quán nhậu vỉa hè, bia hơi cũng đua nhau mọc lên. Bàn ghế san sát. Khách ngồi tụm 5, tụm 7 chuyện trò, ăn uống. Để phục vụ thực khách, các hàng quán “ngó lơ” các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Tuyến phố Phạm Văn Đồng được ví là “phố ăn nhậu” của TP. Đồng Hới khi tập trung chục nhà hàng, quán nhậu. Vào mỗi buổi chiều, các phương tiện xếp san sát dọc hai bên đường. Bà N.T.M (Nam Lý, Đồng Hới) bức xúc: “Nhà ngay cạnh tuyến phố này nên chiều nào chúng tôi cũng chứng kiến các quán nhậu luôn đông đúc người. Khách thì cười nói, ngồi san sát nhau trong khi dịch bệnh thì đang phức tạp. Cảm giác như “quả bom” dịch bệnh đang rình rập ngay cạnh mình”.

Thời gian qua, UBND phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) đã thành lập các tổ liên ngành để tuần tra, kiểm tra xử lý và tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các đoàn kiểm tra đã trực tiếp đến từng cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống nhắc nhở người dân thực hiện đúng thông điệp 5K.

Tuy nhiên, theo thượng úy Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Công an phường Đồng Phú, do chủ quan là trên địa bàn chưa có ca mắc Covid-19 nên người dân vẫn tụ tập ăn uống mà bỏ qua các quy tắc phòng dịch. “Đoàn kiểm tra vừa quay lưng đi là y như rằng đâu lại vào đó, đặc biệt là tại các quán nhậu.”, thượng úy Bình cho biết thêm.

Tổ kiểm tra liên ngành của phường Đồng Phú kiểm tra công tác phòng dịch tại các quán ăn vỉa hè.

Dạo một vòng quanh các địa điểm công cộng, tình trạng người dân tụ tập, không đeo khẩu trang vẫn diễn ra tràn lan. Tại các công viên vào mỗi buổi chiều tối vẫn còn tình trạng các gia đình, bạn trẻ tụ tập ăn uống, hóng mát mà “bỏ quên” các quy tắc 5K phòng dịch. Các con phố những ngày này vẫn rộn ràng như… chưa hề có dịch.

Tạm gác những nhu cầu không cần thiết

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh, thành lân cận như Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng… vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại các vùng dịch này, các địa điểm công cộng tập trung đông người như chợ, bãi tắm... trở thành các ổ dịch nguy hiểm. Điểm tắm nước ngọt công cộng ở bãi biển Xuân Hải, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng được coi là nơi phát tán vi rút mạnh nhất của địa phương này.

Để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, chính quyền, các ngành chức năng, nhất là các lực lượng tuyến đầu của Quảng Bình đang nỗ lực ngày đêm, chặn dịch từ “cửa ngõ”. UBND Quảng Bình cũng đã có các văn bản chỉ đạo thực hiện, áp dụng một số các quy định, như: không tập trung đông người nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.

Tỉnh cũng cho tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết… Đến nay, Quảng Bình vẫn là một trong số ít địa phương chưa có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Nhưng để những thành trì chống dịch ấy vững vàng trước “làn sóng” dịch bệnh, điều cần nhất lúc này là ý thức phòng dịch của mỗi người dân, mỗi gia đình và mỗi đơn vị. Tạm gác lại những nhu cầu không thực sự cần thiết, hạn chế tụ tập đông người để cùng cả nước chung sức chống dịch là trách nhiệm của mỗi người.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, biến thể Delta của vi rút SARS-CoV-2 hiện là biến chủng đặc biệt nguy hiểm. Với tốc độ lây lan cực nhanh, biến chủng này có thể “đảo ngược” thành quả chống dịch của thế giới nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Đại diện WHO cũng khuyến cáo, cùng với tiêm vắc-xin, mỗi người “cần đeo khẩu trang, ở trong không gian thông thoáng, vệ sinh tay... giữ khoảng cách hợp lý, tránh đông đúc”.

Diệu Hương

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202107/nhu-chua-he-co-dich-2190819/