Nhu cầu yếu, chi phí tăng khiến doanh nghiệp hóa chất lao đao

Các doanh nghiệp (DN) hóa chất trong nước đang đối mặt với nhu cầu toàn cầu suy yếu, xuất khẩu chững lại, phải hạ giá bán, vật lộn với chi phí sản xuất tăng mạnh và những dự báo đầy khó khăn phía trước. Điều này khiến cho phía DN khó tránh sụt giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận trong năm nay.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của CTCP tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) đang có xu hướng giảm. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra ở Tp.HCM ngày 29/3, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT của DGC cũng than thở về chuyện sụt giảm này.

Nhìn từ đà giảm của Hóa chất Đức Giang

Dự báo trước nhiều thách thức nên DGC lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.875 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 50% so với thực hiện năm 2022.

Còn theo nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, năm 2023, dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của DGC sẽ giảm lần lượt 24,4% và 35,1% do nhu cầu phân bón và chất bán dẫn yếu trong năm nay.

Các DN hóa chất trong nước đang đối mặt với những khó khăn ở phía trước từ nhu cầu suy yếu, xuất khẩu chững lại cho đến chi phí tăng, giá bán giảm.

Trong khi đó, Bộ phận phân tích của SSI Research dự báo lợi nhuận ròng của DGC trong năm nay sẽ giảm 37% so với cùng kỳ, chỉ đạt 3,8 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, dự phóng mức sụt giảm lợi nhuận sẽ mạnh nhất trong quý 2/2023, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong giai đoạn đó.

Trước đó, trong quý 4/2022, doanh thu của DGC đã giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3.112 tỷ đồng do nhu cầu yếu hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm 4,4 điểm % so với cùng kỳ do giá bán trung bình thấp hơn và chi phí đầu vào cao hơn như lưu huỳnh, than cốc, phốt phát. Do đó, lợi nhuận ròng của DGC trong quý 4/2022 đã giảm 21% so với cùng kỳ, xuống 1.032 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ quý 3/2021.

DGC được cho là nhà xuất khẩu (XK) phốt pho vàng hàng đầu của Việt Nam - nguyên liệu thiết yếu cho ngành sản xuất chất bán dẫn và ngành thực phẩm, đồ uống. Tuy vậy, theo giới phân tích, nhu cầu phốt pho vàng – nguyên liệu đầu vào để sản xuất chất bán dẫn sẽ giảm trong năm 2023 sẽ gây khó cho hoạt động XK của DGC.

Bởi lẽ, suy thoái kinh tế dẫn đến nhu cầu đối với hàng điện tử và chất bán dẫn giảm trong năm nay. World Semiconductor Trade Statistics dự báo thị trường chất bán dẫn toàn cầu sẽ giảm 4% vào năm 2023 xuống còn 557 tỷ USD, đây là lần giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2019, kéo theo việc giảm nhu cầu phốt pho vàng.

Ngoài khó khăn đã được dự báo trước cho DGC, xét về tình hình chung của ngành hóa chất trong nước, theo Bộ phận phân tích của VnDirect, sau năm 2022 đạt kết quả ấn tượng, XK hóa chất có dấu hiệu chững lại trong 2 tháng rưỡi đầu năm nay. Cụ thể, kim ngạch XK hóa chất cơ bản chỉ đạt 930 triệu USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Khó khăn phủ bóng lợi nhuận

Giá trị XK hóa chất hiện đứng thứ 12 trong tổng các mặt hàng XK của Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu của các thị trường hóa chất XK của Việt Nam như Trung Quốc và Mỹ được dự báo sẽ giảm hơn nữa cho tới cuối năm 2023 do kỳ vọng lạm phát cao và rủi ro suy thoái kinh tế.

Xét thêm nhu cầu về phốt pho vàng – nguyên liệu đầu vào để sản xuất chất bán dẫn, TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan (Trung Quốc) dự báo doanh thu quý đầu tiên của năm nay sẽ giảm 5% so với cùng kỳ và tập đoàn này sẽ cắt giảm đầu tư xuống còn 32-36 tỷ USD từ 36,3 tỷ USD vào năm 2022.

Điều này tác động làm giảm nhu cầu về phốt pho vàng. Do đó, ngoài DGC thì các nhà sản xuất phốt pho vàng trong nước của Việt Nam như CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam (CSV), CTCP Hóa chất Việt Trì (HVT)... bị ảnh hưởng do nhu cầu yếu.

Riêng về giá xút (một trong những thành phần quan trọng trong các ngành sản xuất các chất tẩy giặt) sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại cũng được cho là sẽ tác động đến lợi nhuận các DN hóa chất ở Việt Nam.

Giá xút trong nước phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc do Trung Quốc XK khoảng 40% nhu cầu xút của Việt Nam. Giá xút tại Trung Quốc giảm 27% kể từ ngày tháng 12/2022 do nhà máy sản xuất xút tại Trung Quốc quay trở lại hoạt động vào năm 2023 và nhu cầu tiêu thụ nhôm yếu. Hơn nữa, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ cải thiện nguồn cung xút tại Việt Nam.

Do đó, giới phân tích dự báo giá xút sẽ đạt khoảng 700-800 USD/tấn vào năm 2023 (giảm 15% so với cùng kỳ). Do hợp đồng giá thường được ký trước 3 tháng nên có khả năng lợi nhuận ròng của các công ty sản xuất xút như CSV, HVT trong nửa đầu năm nay sẽ sụt giảm so với nửa cuối 2022.

Ngoài vấn đề nhu cầu yếu đi, các DN hóa chất (một trong những ngành sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng nhất) đang đối mặt thách thức về khả năng chi phí điện sẽ cao hơn trong năm 2023. Nhất là khi chi phí điện năng chiếm 20-30% tổng chi phí sản xuất các loại hóa chất cơ bản. Theo kịch bản phụ tải cao trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, nhu cầu điện sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép cao dự báo là 9,2% trong năm 2023-2030.

Do đó, giới phân tích cho rằng biên lợi nhuận gộp của các DN hóa chất sẽ giảm trong năm 2023 do phải vật lộn với chi phí điện tăng và giá bán trung bình thấp hơn. Biên lợi nhuận gộp của các DN hóa chất cơ bản được dự báo sẽ giảm 4-6 điểm % so với cùng kỳ trong năm nay.

Ngoài ra, cần lưu ý thêm, hóa chất được ghi nhận nằm trong nhóm các mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu có mức kim ngạch tăng cao. Việc nhập khẩu nguyên liệu hóa chất với mức giá cao cũng là một khó khăn lớn cho các DN hóa chất.

Tựu trung lại, với những khó khăn như hiện tại từ nhu cầu yếu dẫn đến XK chậm, giá bán giảm, chi phí lại tăng…, nên chuyện sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của các DN hóa chất trong năm nay là khó tránh khỏi. Để gỡ khó không phải một sớm một chiều. Và ngay cả việc giảm chi phí nhằm tăng sức cạnh tranh bằng cách giảm chi phí điện và chủ động nguồn nguyên liệu hóa chất trong nước cũng là cả bài toán nan giải cho các DN trong lĩnh vực này.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nhu-cau-yeu-chi-phi-tang-khien-doanh-nghiep-hoa-chat-lao-dao-1091683.html