Nhu cầu sử dụng thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer giảm trên toàn cầu

Nhu cầu đối với thuốc uống điều trị COVID-19 Paxlovid của Pfizer đã bất ngờ giảm.

Một viên Paxlovid-thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer. Ảnh: AP

Hãng thông tấn Reuters (Anh) nghiên cứu các dữ liệu, kết hợp với phỏng vấn chuyên gia, đưa ra nhận định rằng nhu cầu với Paxlovid giảm bắt nguồn từ yêu cầu đủ điều kiện, giảm xét nghiệm và khả năng tương tác thuốc. Ngoài ra, suy nghĩ rằng việc mắc Omicron không gây ra tình trạng bệnh nặng cũng dẫn đến nhu cầu giảm với Paxlovid.

Paxlovid từng được kỳ vọng là công cụ chính trong cuộc chiến chống COVID-19 sau khi thử nghiệm lâm sàng cho thấy loại thuốc này giảm 90% tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong ở các bệnh nhân có nguy cơ cao.

Mỗi tuần vẫn có hàng nghìn trường hợp tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới. Mới chỉ có một số loại thuốc kháng virus đã được kiểm nghiệm, trong đó Paxlovid là hấp dẫn nhất. Những loại khác là thuốc Molnupiravir của Merck & Co và thuốc Remdesivir của Gilead Sciences.

Tuy nhiên, Reuters cho biết ngay cả khi số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh ở nhiều nơi, nguồn cung Paxlovid vẫn vượt cầu tại Mỹ, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bác sĩ Timothy Hendrix tại phòng cấp cứu AdventHealth Centra Care ở Florida (Mỹ) cho biết ông chưa từng kê bất kỳ đơn thuốc nào có Paxlovid trong một vài tuần gần đây. Nhiều bệnh nhân còn từ chối kê đơn thuốc Paxlovid vì tin rằng biến thể Omicron chỉ gây tình trạng bệnh nhẹ.

Bên cạnh đó, giáo sư Paul Little tại Đại học Southampton (Anh) đánh giá Paxlovid có thể tương tác với nhiều loại thuốc phổ biến do vậy gây phức tạp cho việc sử dụng.

Một số bác sĩ Mỹ còn quan ngại rằng việc sử dụng bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà thay vì xét nghiệm tại cơ sở y tế có thể khiến nhiều bệnh nhân rủi ro không nhận ra họ có thể sử dụng Paxlovid.

Pfizer có kế hoạch sản xuất tới 120 triệu liệu trình thuốc Paxlovid trong năm nay và dự kiến doanh thu ít nhất 22 tỷ USD từ các hợp đồng đã ký đến đầu tháng 2. Mỹ đồng ý mua 20 triệu viên Paxlovid trong năm nay và trả khoảng 530 USD một liệu trình. Tuy nhiên, giá cả của Paxlovid lại khác biệt ở mỗi quốc gia.

Pfizer đang sản xuất 3,5 triệu liều trình dành cho thị trường Mỹ sử dụng đến cuối tháng 4. Dữ liệu cho thấy trong nửa đầu tháng 4, Mỹ mới phân phối khoảng 1,5 triệu liệu trình Paxlovid và các hiệu thuốc vẫn giữ khoảng 500.000 liệu trình.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho biết trên toàn quốc, số ca mắc COVID-19 đã giảm và điều tương tự diễn ra với việc sử dụng phương pháp điều trị COVID-19.

Anh thỏa thuận mua 2,75 triệu liều trình Paxlovid nhưng tính đến 9/4, loại thuốc này mới chỉ phân phối cho khoảng 6.000 bệnh nhân. Kể từ tháng 2, Italy nhận khoảng 50.000 liệu trình Paxlovid mỗi tháng nhưng mới chỉ có 8.300 người được kê đơn loại thuốc này.

Việc triển khai Paxlovid cũng diễn ra chậm ở châu Á, mặc dù một số quốc gia đã đạt kỷ lục về số ca mắc COVID-19. Nhật Bản đã ký hợp đồng cho 2 triệu liệu trình Paxlovid. Đến cuối tháng 3, chỉ có dưới 10.000 liệu trình được gửi đi, và 2.900 liệu trình được kê đơn. Tính đến 17/4, Hàn Quốc nhận đủ số thuốc Paxlovid để điều trị cho 624.000 người nhưng mới chỉ sử dụng khoảng 1/3 lượng tồn kho.

Pfizer cho biết đã thảo luận với 100 chính phủ liên quan đến thuốc Paxlovid và thiết lập thỏa thuận với 26 quốc gia. Pfizer nêu rõ: “Các chính phủ đang cố gắng xác định nhu cầu của họ dựa trên bối cảnh xoay quanh Omicron, các biến thể trong tương lai và các lựa chọn kháng virus khác. Đây là tình huống phát triển nhanh chóng và thay đổi từng giờ”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhu-cau-su-dung-thuoc-dieu-tri-covid19-cua-pfizer-giam-tren-toan-cau-20220419212754573.htm