Nhộn nhịp ngã sáu đường vui

Phố Đường Thành ở phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từng là một hào nước rộng bao quanh phía Đông thành Thăng Long xưa. Dọc con hào này dân kẻ chợ thường đi qua gánh hàng lên chợ Đông Kinh. Đây là con đường thủy có hai bờ đi lại, được gọi tên là đường Cửa thành. Bến đỗ thuyền đò chính là Cửa Đông thành (nay là phố Cửa Đông).

Sau khi Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai (1882) đã phá hai lớp tường thành và lấp đường hào để xây nhà lập phố, dài tới 468 mét. Từ đó cái tên Đường Thành được định danh.

Đường quen phố chợ

Tốc độ đô thị hóa ngày đó thật chóng mặt. Những ngôi làng quanh đường hào đã bị xâm lấn và xẻ đường làm nhà phố. Nhưng thôn cũ thời nhà Nguyễn như Đông Môn, Kim Bài và Cổ Vũ đã bị xóa tên. Di sản ngàn năm còn lại ngôi chùa Kim Cổ ở số nhà 73 Đường Thành. Đây là ngôi chùa thờ Vương phi Ỷ Lan, mẹ của vua Lý Nhân Tông. Con đường xưa vẫn lưu truyền trong câu xẩm rằng: “Cửa thành hào nước quanh co/ Nối Hàng Bông với đôi bờ cửa Đông/ Cành hồng, gió đập cành hồng/ Theo em quang gánh qua sông cùng đò”.

Nhưng rồi những nhà giầu có theo chân “me tây” Tư Hồng (người đứng ra thầu dự án phá thành Hà Nội) mua đất xây nhà tới tấp. Đặc biệt hai công trình lớn được mọc lên trước quảng trường phố Đường Thành là chợ Hàng Da và rạp chiếu bóng Olympia (Hồng Hà). Từ đó những con phố Hàng Da, Ngõ Trạm, Hà Trung, Hàng Điếu, Nguyễn Văn Tố đều kết nối ở đây. Đường Thành cắt ngang tạo nên một ngã sáu rộng thênh thang. Rạp Hồng Hà ở số nhà 51 Đường Thành như một điểm nhấn hoa mỹ. Quảng trường nằm giữa rạp hát với chợ Hàng Da hiện vẫn giữ được không gian rộng lớn như xưa. Người mua bán tiện đường vào trung tâm 36 phố Hàng đều rẽ tắt qua ngã sáu cho nhanh.

Một góc phố Đường Thành năm 1995.

Từ đó phố Đường Thành được coi là đầu mối khu kẻ chợ. Ngay từ khi mới hình thành những đường phố mới trong dân gian đã truyền tai: “Hàng Bông, Hàng Nón, Hàng Da/ Qua Nguyễn Văn Tố thì ra Bát Đàn”. Rồi những phiên chợ cũng được quảng bá định hình theo thời gian: “Chợ Đuổi họp lúc chiều tà/ Chợ Hôm họp sáng, Hàng Da họp ngày”. Vậy là chợ Hàng Da tấp nập ngày đêm cùng tiếng còi tàu inh ỏi. Xưa nam thanh nữ tú đi ăn quà vặt quanh chợ Hàng Da suốt ngày vì thế. Họ trêu đùa các học sinh Trường Thăng Long (Phố Ngõ Trạm) ở gần chợ, hoặc ghẹo các cô gái gánh hàng hoa rằng: “Ai làm chiếc nón quai thao/ Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”. Quảng trường Đường Thành và chợ Hàng Da được coi là nơi hội tụ dân kẻ chợ nội thành đông chẳng khác chợ Đồng Xuân sau này. Ấy thế mới có câu: “Quanh đi đến phố Hàng Da/ Trải xem phường phố, thật là cũng xinh/ Phồn hoa thứ nhất Long Thành/ Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ”.

Hơn nữa lớp tường chính thành phía trong dành một phần làm con đường sắt cho tàu hỏa đi lên ga cầu Long Biên. Hai trụ cầu đường cho tàu hỏa trên cao băng qua phố Cửa Đông chính là cổng thành cũ. Ngã tư này trở thành nút giao thông đầu phố Đường Thành với đường Phùng Hưng và phố Cửa Đông. Khu đất tam giác đầu phố ngã ba này được dành xây một công viên cây xanh. Hiện công viên vẫn còn bảo tồn cây đa cổ hơn trăm tuổi từ thuở ban đầu lập phố. Đặc biệt, dọc bên vườn hoa là dẫy nhà số chẵn có một số biệt thự được giữ nguyên hiện trạng tạo nên dáng vóc của một phố Tây hiện đại.

Độc đáo nhất có lẽ là biệt thự của ông Tuần phủ Hoàng Thụy Chi (1882-1936) ở số nhà 14A. Diện tích đất tới ngàn mét vuông kéo dài sang cả phố Nguyễn Quang Bích phía sau. Nên biệt thự có hai cổng ra vào rất khang trang với khu vườn cây luôn nở hoa quanh năm. Cho dù cảnh quan đã bị phá vỡ vì thời cuộc tao loạn hơn 100 năm qua nhưng riêng ngôi biệt thự này vẫn được gìn giữ. Cổng vào biệt thự từ số nhà 14A cũng là một dấu tích kỳ thú hiển hiện đây là một di tích nghệ thuật kiến trúc kết hợp Đông Tây lạ mắt.

Nhưng dấu ấn văn hóa sâu sắc gắn với ngôi biệt thự của Tuần phủ Hoàng Thụy Chi lại nằm ở sự nghiệp của ông. Cùng với đó là nền giáo dục của bốn đời dòng tộc sống và lớn lên ở ngôi nhà này. Cụ phủ Tuần Chi còn là một học giả uyên bác, đã để lại một khó tàng sách nghiên cứu Hán - Nôm (49 cuốn). Đồng thời cụ còn sáng tác và sưu tầm hàng chục công trình về ca dao tục ngữ, phú, ký. Đáng chú ý con cháu cụ đều là những tài năng thành đạt. Thế hệ nào cũng có những tiến sĩ, giáo sư nổi tiếng trong giới khoa học ở nước ta. Đến nay các con, cháu, chắt của cụ Tuần Chi vẫn còn sống ở ngôi nhà này.

Những nghệ sĩ, chiến sĩ Đường Thành

Dân phố Đường Thành ai cũng biết tới nghệ sĩ nhiếp ảnh quân đội, Đại tá Trần Hồng (sinh năm 1947, nguyên cán bộ phóng viên Báo Quân đội nhân dân Việt Nam). Ông ở một căn hộ gác hai số nhà 3 Đường Thành đã hơn 40 năm cho tới nay. Nghệ sĩ Trần Hồng có sự nghiệp nhiếp ảnh rất đồ sộ về người chiến sĩ và tư liệu về sự nghiệp chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt ông đã mở 8 cuộc triển lãm riêng về chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đề tài về người mẹ anh hùng cũng là một trong những giá trị nghệ thuật cách mạng sâu sắc mà ông theo đuổi cả cuộc đời. Trong hàng chục triển lãm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng luôn có sự hiện diện của những chân dung người mẹ anh hùng Việt Nam. Mỗi chân dung bà mẹ là sự chia sẻ lắng đọng của trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ. Là người chiến sĩ ông càng có những trải nghiệm thực tế khi bày tỏ lòng ngưỡng mộ sự hy sinh cao cả của những người mẹ.

Riêng chân dung mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam được nghệ sĩ Trần Hồng thể hiện sâu sắc qua nhiều góc độ nghệ thuật. Ông đã nhiều lần về gặp mẹ Thứ để nuôi dưỡng cảm xúc và khám phá được nhiều ý tưởng khác nhau. Bởi mẹ Thứ là người có chồng, 9 người con trai cùng một con rể và hai cháu ngoại đều là liệt sĩ. Đó chính là người mẹ vĩ đại tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đặc biệt có bức ảnh “Mẹ Thứ” của Trần Hồng đã được nhà thơ chia sẻ: “Con chín đứa ngày nào trông đợi/ Chín bát cơm mẹ xới mẹ mong/ Hôm nay rợp bóng cờ hồng/ Sao con đi mãi mà không thấy về”.

Phố Đường Thành.

Và còn đó một “Người chiến sĩ ấy” chính là cố NSND Trần Khánh (1931-1981) ở số nhà 26 Đường Thành. Ông tham gia kháng chiến từ khi mới 13 tuổi ở Hải Phòng, sau đó ở chiến trường miền Nam. Ca sĩ Trần Khánh có một giọng hát thiên phú và gây ấn tượng ngạc nhiên cho khán giả. Ông sớm nổi tiếng qua những bản hành khúc và hùng ca với giọng hát đầy sức chiến đấu.

Trần Khánh được coi là cây đơn ca số một của Đài Tiếng nói Việt Nam vào hai thập niên 60 và 70 thế kỷ XX. Đầu tiên phải kể tới bài “Tôi là người thợ lò” của Hoàng Vân như được viết riêng cho Trần Khánh. Sau đó là một loạt ca khúc được ông trình diễn thường xuyên trên làn sóng và các sân khấu ca nhạc hết sức đặc sắc. Khán giả yêu âm nhạc luôn yêu thích và luôn đề nghị ông hát theo yêu cầu các bài như: “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi); “Thành phố Hoa phượng đỏ” (Lương Vĩnh phổ thơ Hải Như); “Người chiến sĩ ấy” (Hoàng Vân); “Ta tự hào đi lên. Ôi! Việt Nam” (Chu Minh); “Tình ca” (Hoàng Việt); “Ca ngợi Tổ quốc” (Hợp xướng của Hồ Bắc)…

Hà Nội niềm tin và hy vọng

NSND Trần Khánh là một tượng đài âm nhạc với giọng hát giầu biểu cảm và nội lực cuộn trào. Sinh thời ông luôn hát như đang đứng trên tuyến đầu bom đạn thật mãnh liệt và bi tráng. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã từng sáng tác riêng cho ông những tổ khúc mang tính giao hưởng như “Tôi là người thợ lò”, “Người chiến sĩ ấy” và Hợp xướng “Hồi tưởng”. Dường như không ít bài đã được Trần Khánh biểu diễn thì khó ai có thể thay thế.

Một ấn tượng thật khó quên với khán giả khi Trần Khánh hát bài “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân). Ông hát bài này đúng vào thời điểm ca go nhất khi quân và dân Hà Nội chiến đấu chống B52 Mỹ tháng 12/1972. Cột hơi bay bổng trong khí thế hùng tráng qua giọng hát của Trần Khánh khi đó tựa một vũ khí tinh thần quật khởi của đồng bào và chiến sĩ Thủ đô. Giọng hát của “Người chiến sĩ ấy” luôn vang lên từ góc phố và quảng trường ngã sáu Đường Thành nơi ông ở năm xưa. Và không ai không nhớ tới lời ca: “Ơi Đông Đô hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây/ Ơi! Thăng Long ngày nay chiến công rạng danh non sông…”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nhon-nhip-nga-sau-duong-vui-i711949/