Nhộn nhịp chợ phiên Nguyên Bình ngày cuối năm

Từ các bản làng trên núi cao, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông… trên những chiếc xe máy thồ hàng xuống phiên chợ cuối năm. Tiếng chào hỏi huyên náo khắp các nẻo đường càng làm cho phiên chợ vùng cao thêm phần rộn rã.

Chợ phiên Nguyên Bình (Cao Bằng) được tổ chức vào các ngày mùng 3, 8, 13, 18, 23 và 28 âm lịch hàng tháng. Ngày 7/2 (tức 28 tháng Chạp), phiên chợ 5 ngày mới có một lần càng nhộn nhịp hơn khi là phiên chợ cuối cùng của năm cũ.

Nguyên Bình là huyện vùng cao của tỉnh Cao Bằng có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số như: Mông, Tày, Nùng, Dao, Ngái, Mường, Cao Lan chiếm tới 96,9% dân số toàn huyện với những phong tục, tập quán độc đáo. Cũng chính vì vậy, phiên chợ vùng cao nơi đây bày bán các sản phẩm hội tụ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Một khu vực bán gà ngay tại cổng chợ. Những ngày cận Tết, gà là mặt hàng rất nhiều người tìm mua.

Những đứa trẻ tranh thủ được nghỉ học cũng theo mẹ xuống chợ để phụ giúp.

Một khu vực bán những tờ giấy màu khổ lớn. Những tờ giấy có thể dùng để gói bánh khảo, bọc bánh chưng, cắt thành cây hoa giấy… theo phong tục của từng dân tộc.

Giấy bản - sản phẩm nức tiếng từ 1 trong 7 làng nghề truyền thống của Cao Bằng được bày bán tại chợ. Trong dịp Tết, giấy bản không chỉ được dùng để viết câu đối, người ta còn cắt giấy thành những dây đồng tiền để treo hay phục vụ các nghi thức tín ngường dân gian.

Sạp hàng bán dao Phúc Sen và hương Phia Thắp của đôi vợ chồng người Nùng An. Đây đều là những sản phẩm thủ công rất nổi tiếng của Cao Bằng.

Những mặt hàng phục vụ Tết không thể thiếu trong phiên chợ cuối năm.

Nhắc đến huyện Nguyên Bình không thể không nhắc đến đặc sản là cây mía - loại cây trồng từ lâu đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Vì là phiên chợ cuối cùng trước khi đón Tết Nguyên đán nên những sạp hàng bán bánh kẹo có rất đông “thượng đế” ghé qua.

Khu vực cắt tóc tại chợ cũng đắt hàng không kém.

Dù vậy, một số hàng nông sản lại bán khá chậm.

Tuy nhiên, người ta vẫn xuống chợ. Đối với người vùng cao, xuống chợ không chỉ để giao thương buôn bán mà còn để gặp gỡ, giao lưu với bạn bè.

Trước đây khi điều kiện đi lại còn khó khăn, bà con chủ yếu dùng ngựa thồ để mang hàng xuống chợ. Những người ở xa sẽ đi chợ từ hôm trước (áp phiên) và ngủ một đêm tại chợ.

CTV Tuấn Anh/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nhon-nhip-cho-phien-nguyen-binh-ngay-cuoi-nam-post1076329.vov