Nhóm sao bảo thủ đã ủng hộ Donald Trump như thế nào?

Có không ít ngôi sao lặng lẽ ủng hộ cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, trái với những lời kêu gọi rầm rộ dành cho bà Hillary Clinton.

Trước hôm 8/11, nam ca sĩ Pat Boone thu âm một đoạn thông điệp rồi gửi nó qua điện thoại cho 3 triệu cử tri tại các bang chiến trường, nơi mà cuộc chạy đua giữa Donald Trump và Hillary Clinton khi ấy đang diễn ra hết sức khốc liệt.

“Tôi mong muốn và cầu nguyện rằng các bạn bầu cho ứng viên Đảng Cộng hòa và Donald Trump sẽ trở thành tổng thống”, ông nói. Lời thỉnh cầu ấy rốt cuộc đã trở thành sự thật trước sự ngỡ ngàng của giới truyền thông trên toàn thế giới.

Pat Boone là một trong những ngôi sao hiếm hoi ủng hộ ra mặt Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Ảnh: NME.

Tuy nhiên, không phải ngôi sao nào ủng hộ Donald Trump cũng ra mặt như Pat Boone. Theo tạp chí The Hollywood Reporter, có rất nhiều gương mặt trong làng giải trí Hollywood mang tư tưởng bảo thủ và tìm nhiều cách khác nhau để gây ảnh hưởng tới công chúng.

Nếu như bà Hillary Clinton nhận được 22 triệu USD từ các ông trùm truyền thông như Jeffrey Katzenberg, Steven Spielberg, cũng như sự ủng hộ từ Miley Cyrus, Bruce Springsteen, Cher, Robert De Niro hay George Clooney, thì Donald Trump chỉ nhận vỏn vẹn 300.000 USD từ làng giải trí.

Một số gương mặt nổi bật ủng hộ Trump chỉ là Jon Voight - cha đẻ của Angelina Jolie, hai ngôi sao phim truyền hình Scott Baio và Antonio Sabato Jr. Nhưng cùng chung chiến tuyến với họ còn hàng loạt người “giấu mặt” nữa.

Cây bút chính trị mang tư tưởng bảo thủ Ann Coulter từng tập hợp hàng loạt nhà làm phim điện ảnh và truyền hình tại một quán ăn sang trọng ở Hollywood khi Đảng Cộng hòa còn chưa quyết định chọn ai ra tranh cử. Trong số đó có đạo diễn nổi tiếng Clint Eastwood, và Coulter muốn họ ủng hộ Donald Trump.

Friends of Abe là tên gọi một nhóm những người mang tư tưởng bảo thủ trong làng giải trí, và cá nhân Trump từng đến gặp gỡ họ trực tiếp. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Hollywood Reporter hồi giữa năm, ông từng tự tin cho rằng sự ủng hộ của giới sao dành cho mình lớn hơn người ta nghĩ rất nhiều.

Clip các sao siêu anh hùng ủng hộ bà Hillary Clinton từng khiến người hâm mộ nhiều nơi trên thế giới cảm thấy thích thú. Nhưng người dân Mỹ lại có suy nghĩ khác về nó. Ảnh: Outnow.

Khi cuộc đua song mã đã định hình, hàng loạt ngôi sao mang tư tưởng tự do lớn tiếng ủng hộ Hillary Clinton và đả kích Donald Trump. Nhưng dường như nó mang đến hiệu ứng ngược. Stephen Winzenberg, giáo sư ngành truyền thông tại trường Đại học Grand View ở bang Iowa, nhận xét: “Lá phiếu dành cho Trump giống như tiếng nói phản truyền thông và phản Hollywood”.

“Điều tồi tệ dành cho Clinton là những lời kêu gọi của hàng loạt gương mặt ngôi sao hàng đầu không được lòng người dân vùng Trung Mỹ. Một Katy Perry hở hang trên sân khấu với lá quốc kỳ có lẽ đã khiến cư dân ở Iowa làm ngược lại điều cô ấy muốn”, ông nói thêm.

Joss Whedon, đạo diễn của The Avengers, cùng các ngôi sao của dòng phim siêu anh hùng như Robert Downey Jr. hay Scarlett Johansson, từng thực hiện clip kêu gọi ủng hộ Hillary Clinton và gây thích thú cho công chúng trên toàn thế giới.

Song, đơn vị quảng cáo BrabenderCox của Đảng Cộng hòa cũng bỏ ra 10.000 USD để thực hiện clip giễu nhại đoạn phim của Whedon. Kết quả, nó đạt tới 14 triệu lượt xem trên mạng xã hội YouTube trước ngày 8/11, điều mà họ có lẽ không thể nào làm được trên sóng truyền hình.

CEO John Bradenber cho rằng: “Chúng tôi giành chiến thắng cuộc bầu cử không phải bởi một đoạn quảng cáo truyền hình dài 30 giây, mà chính là nhờ một đoạn phim dài 3 phút trên mạng Internet”.

Những lời nhận xét rằng Donald Trump là người phân biệt chủng tộc, hèn nhát, và có thể gây hại cho xã hội trong đoạn phim của Joss Whedon đều bị đem ra chế giễu.

“Các ngôi sao mang tư tưởng tự do rất ồn ào, và oái oăm thay, nó đã làm hại Clinton. Người lao động bị rơi vào cảm giác rằng người nổi tiếng không hiểu những khó khăn của dân thường, và Clinton chỉ là tổng thống của giới sao”, Bradenber giải thích thêm.

Có không ít tiểu phẩm, phim ngắn hay phim tài liệu đả kích Hillary Clinton ra đời trong thời gian qua, và chúng được phân phối theo nhiều cách khác nhau. Ảnh: D'Souza Media.

Có nhiều diễn viên từng từ chối trả lời phỏng vấn chuyện tại sao lại ủng hộ Donald Trump. Mark Vafiades là một trong số ít lên tiếng và anh chia sẻ quan điểm với John Bradenber khi cho rằng quyền lực ngôi sao đã làm hại bà Clinton, khi “người dân đã chán ngấy việc phải nghe các diễn viên rao giảng”.

Biên kịch - nhà sản xuất Lionel Chetwynd thì bày tỏ sự ngạc nhiên xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Ông là người thân Đảng Cộng hòa, và ban đầu vốn đi theo Ted Cruz chứ không phải Donald Trump.

Nhưng khi bày tỏ ý kiến ủng hộ Trump với đồng nghiệp khi cuộc đua dần đi đến hồi kết, Chetwynd tiết lộ: “Tôi không ngờ chuyện căng thẳng đến vậy. Có người lập tức bảo, ‘Tôi không bao giờ muốn làm việc với anh nữa’. Thậm chí, có người tôi từng cộng tác suốt 40 năm bèn ném cho tôi cái nhìn đầy khinh bỉ”.

Trên mạng xã hội, rất nhiều phim ngắn, phim quảng cáo có nội dung ủng hộ Donald Trump hoặc đả kích Hillary Clinton đạt số lượt xem cao chót vót. Như Pay My Foundation giễu nhại chuyện bà Clinton vung tiền mua sức ảnh hưởng từng đạt tới 32 triệu lượt xem trên các trang MTV, Vice, AOL và Yahoo! Sports.

Nếu như đạo diễn nổi tiếng Michael Moore thực hiện bộ phim tài liệu TrumpLand nhằm lôi kéo những người ủng hộ Trump đổi ý, thì ở bên kia chiến tuyến, Dinesh D’Souza trình làng Hillary’s America, Peter Schweizer có Clinton Clash, đều với nội dung đả kích ứng cử viên Đảng Dân chủ.

Phe Donald Trump thực sự sáng tạo trong việc “bôi xấu” đối phương. Như bộ phim The Wolf in Sheep’s Clothing chỉ ra rằng một trong những người thầy của bà Clinton trong thập niên 1960 là nhân vật gây tranh cãi Saul Alinsky.

Tác phẩm rốt cuộc được phát sóng hơn 20 lần trên kênh truyền hình tôn giáo EWTN, có nhiều buổi chiếu miễn phí tại các bang chiến trường và DVD của nó thì được phát miễn phí sau mỗi sự kiện để người tham gia có thể tặng cho bạn bè.

Rõ ràng, trên mặt trận truyền thông, bà Hillary Clinton đã gặp phải “cáo già” thực sự, và chiến thắng không phải bao giờ cũng thuộc về phe ồn ào hơn.

Việt Phương (tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhom-sao-bao-thu-da-ung-ho-donald-trump-nhu-the-nao-post697990.html