Nhóm cố vấn bí ẩn đứng sau chiến lược Covid-19 của Anh

Chính trường và giới nghiên cứu Anh dậy sóng vì những vấn đề gây tranh cãi xoay quanh cách chính phủ tổ chức và vận dụng các khuyến cáo từ nhóm cố vấn khoa học để ứng phó Covid-19.

Tính đến ngày 27/4, Anh đã có hơn 157.000 ca nhiễm virus corona, trong đó hơn 21.000 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm và ca tử vong thực tế vì Covid-19, căn bệnh do virus corona chủng mới gây nên, có thể còn cao hơn. Trong hơn 543.000 trường hợp được xét nghiệm, phần lớn là ca bệnh được bệnh viện tiếp nhận và nhân viên y tế, theo BBC.

Giữa lúc Anh cùng với Italy và Tây Ban Nha đang là những vùng dịch nghiêm trọng nhất châu Âu, chính phủ nước này cũng đối diện hàng loạt chỉ trích về cách ứng phó Covid-19, đặc biệt là những biện pháp thả lỏng gây tranh cãi trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh.

Phản pháo làn sóng công kích, Thủ tướng Boris Johnson và các quan chức chính phủ khẳng định chính sách của họ “được dẫn dắt bởi khoa học”. Tuy nhiên, đến nay vẫn không ai chắc chắn “khoa học” đứng sau các quyết định của chính phủ Anh cụ thể là gì.

Các quan chức tại Whitehall, khu vực tòa nhà chính phủ Anh, nhiều lần nhắc đến Nhóm Cố vấn Khoa học cho Các vấn đề khẩn cấp (SAGE) làm điểm tựa cho chiến lược của mình, dù không giải thích tường tận nhóm cố vấn dựa vào đâu để đưa ra lời khuyên. Văn phòng thủ tướng ở phố Downing cũng không chủ động công khai tên tuổi những nhà khoa học thành viên.

Sự thiếu minh bạch trở thành mấu chốt của những tranh cãi thời gian qua.

Theo New York Times, quy trình đề xuất biện pháp ứng phó Covid-19 của SAGE cho chính phủ Anh hoạt động gần giống như một “hộp đen”. Danh sách thành viên không công khai. Các cuộc họp được tổ chức kín. Khuyến cáo gửi riêng cho chính phủ. Biên bản thảo luận không được công bố ngay và thậm chí có khả năng không bao giờ được công khai đầy đủ.

Một số nhà khoa học hàng đầu tại Anh đang phải đắn đo có nên tin tưởng vào cách ứng phó của chính phủ.

“Liệu khoa học có là kim chỉ nam cho chính phủ trong vấn đề virus corona hay không? Tôi không biết, vì bản thân cũng không rõ những lời khuyên họ nhận được là gì, trong khi các nhà khoa học không có sự tự do để công bố cho người dân về lời khuyên của mình”, David King, cựu trưởng cố vấn khoa học chính phủ Anh, từng hỗ trợ Thủ tướng Tony Blair ứng phó dịch lở mồm long móng cho gia súc vào năm 2001, chia sẻ.

King cho rằng ông Johnson không có lý do nào để biện bạch cho việc không công khai danh sách thành viên SAGE và biên bản các cuộc họp. Ông cảnh báo cách làm hiện nay làm xói mòn niềm tin của công chúng vào chính phủ.

SAGE được xem là niềm tự hào của nước Anh khi quy tụ những bộ óc ưu tú nhất từ giới nghiên cứu, trong nhiều lĩnh vực từ dịch tễ học đến khoa học hành vi. Nhóm cố vấn tập hợp chuyên gia từ các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới như Cambridge, Oxford, Đại học Hoàng gia, Trường Vệ sinh và Y dược Nhiệt đới London.

Theo tiết lộ trên The Conversation của Ian Boyd, cựu trưởng cố vấn khoa học từ năm 2012-2017 cho Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh (Defra), SAGE là trái tim của hệ thống cố vấn khoa học và y học cho chính phủ với hàng trăm chuyên viên tham gia. Nhóm thực chất là một tiểu ban của Phòng Báo cáo Nội các (COBR), được Ban thư ký Tình huống bất ngờ Dân sự (CCS), trực thuộc Văn phòng Nội các Anh, cho thành lập mỗi khi xuất hiện các vấn đề khẩn cấp có khả năng tác động trên toàn quốc. Thời gian từ lúc đưa ra quyết định ứng phó đến lúc COBR được thành lập thường chỉ mất khoảng 30 phút.

SAGE được thiết lập theo yêu cầu của COBR, được chủ trì bởi trưởng cố vấn khoa học chính phủ mà hiện là ông Patrick Vallance.

Chỉ có người chủ trì SAGE tham dự các cuộc họp của COBR. Ông Vallance sẽ trình bày những đề xuất mà SAGE tổng hợp từ dữ liệu thu thập và tham vấn các nhóm chuyên trách nhỏ hơn.

Theo Ian Boyld, dù SAGE có tiếng nói không nhỏ trong ứng phó khủng hoảng, tổ chức này không mang tính quyết định cuối cùng. Đề xuất của SAGE được COBR cân đo đong đếm cùng với đề xuất trên những phương diện khác, từ kinh tế, an ninh, chính trị đến hành chính và ngoại giao.

“Những tiếng nói bất đồng riêng lẻ cần được lắng nghe, nhưng không nhất thiết phải làm theo. Họ có thể thách thức tư duy chung của nhóm, nhưng không phải là một phần trong quá trình tìm kiếm đồng thuận”, ông cho biết.

Trưởng cố vấn khoa học chính phủ Anh, Patrick Vallance, vẫn thường xuyên xuất hiện trước công chúng tại các buổi họp báo. Vài biên bản họp từ những tiểu ban của SAGE về Covid-19, cũng như dữ liệu được họ sử dụng để xây dựng mô hình dự báo, bắt đầu được công khai trong thời gian qua trước áp lực minh bạch. Tuy nhiên, chính phủ Anh đến nay vẫn không chủ động công khai danh sách những người tư vấn chiến lược ứng phó dịch bệnh.

Trong lá thư phản hồi quốc hội Anh, ông Vallance nói việc giữ bí mật tên tuổi nhằm đảm bảo an toàn cho các nhà khoa học. Biện pháp này đồng thời ngăn chặn “vận động hành lang và những hình thức tác động không mong muốn, có khả năng ảnh hưởng đến việc cố vấn một cách công bình”. Ông nhấn mạnh thành viên SAGE vẫn có quyền tự công khai danh tính nếu muốn.

“Sẽ đến lúc các thành viên được công bố danh tính”, David Lidington, cựu phó thủ tướng Anh trong chính phủ của bà Theresa May, người tiền nhiệm của Thủ tướng Boris Johnson, cho biết.

“Nhưng có rủi ro việc tiết lộ tên tuổi càng để lâu thì phản ứng sốc và hoảng sợ càng lớn”, Lidington cảnh báo việc thiếu minh bạch chỉ tạo thêm nhiều cơn đau đầu cho chính phủ và thông tin được công khai càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, vai trò của SAGE trong thay đổi nhận thức và chiến lược của chính phủ Anh trước Covid-19 cũng bị đặt dấu hỏi.

Trong tài liệu hiếm hoi về các thảo luận của nhóm cố vấn vừa công khai, được ghi ngày 9/3 về tác động của những biện pháp giãn cách xã hội, SAGE đề xuất “kết hợp cách ly riêng biệt tại nhà ca bệnh có triệu chứng, cách ly hộ gia đình và giãn cách tiếp xúc xã hội với nhóm trên 70 tuổi”. Phải đến ngày 23/3, chính phủ Anh mới tiến hành những biện pháp phong tỏa, nhưng với mức khắt khe cao hơn nhiều so với đề xuất nói trên.

Báo cáo ngày 9/3 không đề nghị cấm những sự kiện tụ tập đông người như đại nhạc hội hoặc thi đấu thể thao. Trong một biên bản trước đó, các nhà khoa học hành vi dự báo lệnh cấm có ban hành thì người dân cũng không tuân thủ. Báo cáo của SAGE cũng không đề xuất xét nghiệm trên diện rộng và truy vết lây nhiễm những người dương tính với virus corona.

“Tôi đoán đã có một cuộc tranh luận giữa khống chế và hạn chế dịch, rồi họ quyết định chọn phương án B”, giáo sư Devi Sridhar, Giám đốc Chương trình Quản trị Y tế Toàn cầu của Đại học Edinburgh, nhận định.

Phải đến khi một số nhà khoa học, tự công khai thông tin mình là thành viên của SAGE, lần lượt xuất bản các nghiên cứu mâu thuẫn nhau về lập trường chống dịch, thì những tranh luận nội bộ nhóm cố vấn Covid-19 của Anh mới dần được hé lộ. Điển hình là hai nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London của ông Neil Ferguson và Đại học Oxford. Trong khi Ferguson cùng cộng sự cảnh báo nước Anh sẽ có hơn 500.000 người chết vì Covid-19 nếu không có những biện pháp phong tỏa mạnh tay, nhóm của Đại học Oxford lại cho rằng hơn một nửa dân số Anh có thể đã nhiễm virus corona. Giả thuyết của phía Oxford nếu chính xác sẽ củng cố cơ sở cho nới lỏng kiểm soát xã hội.

Cơ cấu của nhóm cố vấn khoa học đang bị đặt dưới cái nhìn hoài nghi. Theo lời Patrick Vallance, nhóm gồm đại diện từ hơn 20 viện nghiên cứu, với chuyên môn đa dạng từ tiến hóa phân tử đến vi sinh vật học. Có 4 nhóm chuyên gia, gồm từ 5-45 thành viên, đóng góp tư vấn cho SAGE. Một số nhà khoa học có thể tham gia cùng lúc nhiều tiểu ban. Dù vậy, một số chuyên gia ngoài nhóm lo ngại SAGE không có đủ đại diện từ các lĩnh vực như y tế công cộng và hậu cần. Điều này có thể đã dẫn đến tình trạng khẩu trang và thiết bị bảo hộ trở thành một mắt xích yếu trong nỗ lực ứng phó toàn quốc.

Tính độc lập của các nhà khoa học cũng bị đặt dấu hỏi. Ông Vallance thường xuyên xuất hiện trong các buổi họp báo về Covid-19 bên cạnh Thủ tướng Boris Johnson và những thành viên nội các. Điều này khiến hình ảnh của ông gần với một nhân viên chính quyền hơn là một cố vấn độc lập. Hé lộ mới nhất của The Guardian tuần qua càng khiến dư luận Anh lo ngại định kiến chính trị đã bóp méo khoa học.

Giới khoa học và các bác sĩ tại Anh từ đầu tháng 3 đã bắt đầu hoài nghi về tính chính xác của những cố vấn “khuyết danh” trong SAGE. Trong thư kiến nghị đăng trên tạp chí The Lancet ngày 17/3, bác sĩ Nisreen Alwan, giáo sư ngành y tế công cộng tại Đại học Southampton, ký tên cùng 35 đồng nghiệp khác đề nghị chính phủ Anh nhanh chóng công khai các bằng chứng khoa học đang được dùng làm cơ sở cho chiến lược ứng phó Covid-19.

“Các nhà khoa học khác nhau có thể đi đến những kết luận khác nhau dựa trên cùng một chứng cứ khoa học, những khác biệt nhỏ trong suy đoán có thể dẫn đến nhiều khác biệt lớn trong mô hình dự báo”, nhóm 36 chuyên gia nhận định.

Thư kiến nghị được The Lancet công bố gần 1 tuần trước khi chính phủ Anh “xoay 180 độ” và thay đổi lập trường chống dịch. Thủ tướng Johnson đưa ra quyết định lịch sử vào ngày 23/3, lần đầu tiên phong tỏa toàn quốc kể từ sau Thế chiến II. Cũng trong ngày hôm đó, cuộc họp của SAGE bất ngờ có sự xuất hiện của 2 nhận vật đặc biệt: Dominic Cummings, trưởng cố vấn chính trị của Thủ tướng Johnson, và Ben Warner, chuyên gia phân tích dữ liệu từng hỗ trợ chiến dịch Brexit.

Theo tiết lộ ngày 24/4 trên Guardian, hai cố vấn chính trị của ông Johnson không chỉ có tên trong danh sách 23 thành viên tham dự cuộc họp hôm đó, mà còn tham dự nhiều buổi thảo luận khác của SAGE từ tháng 2. Sự xuất hiện của các cố vấn chính trị tiếp tục đào sâu thêm nghi vấn về tính độc lập trong nhóm tư vấn khoa học.

“Nếu bạn đưa ra tư vấn khoa học, những lời khuyên đó phải được giải thoát khỏi mọi định kiến chính trị. Điều này mang ý nghĩa tối quan trọng”, David King cho biết cá nhân ông rất sốc trước thông tin cố vấn chính trị của ông Johnson có chân trong SAGE. “Liệu đây có phải lý do họ không muốn chúng ta biết được ai đã có mặt trong cuộc họp hôm đó”.

Theo David King, trong thời gian ông còn đảm trách vai trò trưởng cố vấn khoa học cho Thủ tướng Tony Blair, không bao giờ cố vấn chính trị của chính phủ được tham dự những ủy ban trực thuộc SAGE. Một trong những mối lo ngại được đặt ra là cố vấn Cummings có thể truyền đạt lại những thảo luận nội bộ SAGE cho Thủ tướng Johnson với định kiến của mình.

Trả lời Guardian trước thông tin này, người phát ngôn của ông Boris Johnson ban đầu tìm cách tránh xác nhận hay phủ nhận liệu hai cố vấn chính trị đã can dự vào hoạt động của SAGE.

Các nguồn tin của Guardian tiết lộ hai nhân vật trên không chỉ dự khán mà còn chủ động tham gia thảo luận trong các cuộc họp xây dựng đề xuất cho chính phủ.

Nghi ngờ nối tiếp nghi ngờ xoay quanh những tư vấn khoa học mà chính phủ Anh dùng làm cơ sở cho chiến lược ứng phó Covid-19.

Một trong những đề xuất gây tranh cãi nhất của SAGE là biên bản ngày 9/3, đặt ra các biện pháp giãn cách giao tiếp xã hội ít nghiêm ngặt hơn nhiều so với phần còn lại của châu Âu. Trong khi vào thời điểm đó, Pháp và Ireland đã cấm những sự kiện quy mô lớn và ban bố các biện pháp phong tỏa. Tình hình dịch bệnh tại Italy cũng đủ để chứng minh về tốc độ lây lan và tỷ lệ tử vong kinh hoàng của Covid-19.

Trước đó, vào cuối tháng 2, một tiểu ban của SAGE cũng đánh giá thấp tỷ lệ người có khả năng nhập viện sau khi nhiễm virus corona. Mô hình dự báo của nhóm, theo công bố trên cổng thông tin chính phủ Anh, cũng không quá lo ngại về tốc độ dịch bệnh lây lan. Vài tuần sau khi xuất hiện bằng chứng virus có thể truyền từ người sang người tại Trung Quốc, các nhà khoa học của SAGE vẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong dân số ở mức “trung bình”.

Trả lời BBC, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Jeremy Farrah, một trong các thành viên của SAGE đã công khai danh tính, xác nhận hệ thống tư vấn cho chính phủ gặp một số hạn chế. Theo ông, Nhóm cố vấn Các mối đe dọa về Virus đường hô hấp mới và mới nổi, một trong các tiểu ban cố vấn cho SAGE, đã đánh giá thấp về mức nguy hiểm của dịch bệnh từ tháng 3.

“Anh có khả năng trở thành một trong những nước chịu ảnh hưởng xấu nhất, thậm chí có thể là nước xảy ra dịch nghiêm trọng nhất, tại châu Âu”, ông nói.

Neil Ferguson, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Hoàng gia London, cùng các cộng sự ngày 16/3 công bố báo cáo khoa học ước tính 500.000 người có nguy cơ tử vong vì Covid-19 tại Anh. Báo cáo khiến Thủ tướng Johnson chuyển hướng ứng phó và áp dụng phong tỏa toàn quốc. Sức ảnh hưởng của nghiên cứu này lớn đến mức chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đổi ý và ủng hộ giãn cách giao tiếp xã hội.

Trả lời phỏng vấn trên New York Times sau khi công bố nghiên cứu, giáo sư Ferguson cho biết nước Anh đang đứng trước hai sự lựa chọn: Kiểm soát đà lây lan của virus vừa giữ số ca tử vong ở mức tối thiểu, vừa cho phép một tỷ lệ lớn dân số nhiễm bệnh và hình thành hiện tượng được gọi là “miễn dịch bầy đàn”; hoặc dập dịch bằng cách áp đặt phong tỏa nghiêm khắc như Trung Quốc đã làm tại Vũ Hán. Ông nhận định chính phủ Anh cuối cùng không có lựa chọn nào khác ngoài phong tỏa.

Cuối tháng 3, trong buổi điều trần trực tuyến với quốc hội Anh, Ferguson tiếp tục ủng hộ thực hành nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách giao tiếp xã hội với hy vọng giữ số ca tử vong toàn quốc dưới 20.000 người. Điều gây khó hiểu là Ferguson cũng là một thành viên của SAGE. Vị cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không bình luận thêm về các nội dung cố vấn của ông cho chính phủ Anh, hay những thảo luận trong nội bộ nhóm cố vấn.

Theo New York Times, từ khi dịch bùng phát đến giữa tháng 3, những nhà khoa học như Neil Ferguson, Patrick Vallance và một số cộng sự có vẻ vẫn hoan nghênh ý tưởng về “miễn dịch bầy đàn”. Đến khi có những dự báo mới, ước tính được số ca nhiễm sẽ khiến hệ thống y tế quá tải và số ca tử vong tăng vọt, họ mới công khai chuyển hướng sau chiến lược áp chế lây nhiễm.

Tuy nhiên, sau khi Đại học Hoàng gia London công bố nghiên cứu độc lập về Covid-19 cùng dự báo chấn động về số ca tử vong, Thủ tướng Boris Johnson phải một tuần sau đó mới ra lệnh đóng cửa tất cả cửa hàng không thiết yếu và yêu cầu người dân ở yên trong nhà.

“Các quyết định chính trị thường được phủ lên lớp vỏ đi theo những tư vấn khoa học tốt nhất. Nhưng khoa học chỉ là tuyên bố mang tính tiêu chuẩn cho cách chúng ta đưa ra quyết định”, Connor Rochford, bác sĩ và cựu chuyên gia tại công ty tư vấn toàn cầu McKinsey&Co, bày tỏ hoài nghi.

Phe đối lập lo ngại việc ông Johnson và trợ lý thường xuyên viện dẫn các nhà khoa học cũng là một dấu hiệu cảnh báo: Nếu chính phủ của ông bị soi xét bởi một cuộc điều tra của quốc hội trong tương lai, họ có thể biện minh rằng mọi hành động đều được đưa ra sau khi lắng nghe ý kiến chuyên gia.

“Khoa học trở thành tấm khiên. Nếu mọi việc xấu đi, họ có thể nói: Chính những nhà khoa học đã bảo chúng tôi như thế”, Devi Sridhar chia sẻ.

Thanh Danh
Đồ họa: Nhân Lê Ảnh: Getty Images, PA

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhom-co-van-bi-an-dung-sau-chien-luoc-covid-19-cua-anh-post1078327.html