Nhồi máu cơ tim kèm đột quỵ não nguy hiểm như thế nào?

Thầy thuốc BVĐK Trung ương Cần Thơ vừa cấp cứu thành công ca bệnh đột quỵ̣ não cấp kèm nhồi máu cơ tim cấp rất nguy kịch tính mạng.

Ông N. V. B., 72 tuổi ở Kiên Giang được tuyến trước chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ vào lúc 02 giờ 42 phút ngày 14/4/2022 với tình trạng hạ huyết áp, liệt ½ người phải, mệt, vật vã, đổ mồ hôi, tay chân lạnh.

Trước đó khoảng 05 giờ, bệnh nhân đột ngột đau ngực trái, mồ hôi nhiều, liệt ½ người phải nên được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu sau đó chuyển BVĐK Trung ương Cần Thơ điều trị.

Người bệnh được các bác sĩ tiến hành cấp cứu, hồi sức tích cực, thực hiện hội chẩn các chuyên khoa với chẩn đoán: Nhồi máu não cấp, theo dõi tắc mạch máu lớn nội sọ, nhồi máu cơ tim cấp dưới giờ thứ 5 huyết động ổn định.

Sau can thiệp bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Ê kíp quyết định can thiệp mạch não trước do BSCK1 Trần Công Khánh - Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện, kết quả bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong trái, các bác sĩ đã dùng dụng cụ lấy ra nhiều huyết khối, sau 40 phút can thiệp đã tái thông hoàn toàn động mạch cảnh trong trái.

Tiếp theo, ê-kíp chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu, BSCK1. Nguyễn Văn Nhiệm, BS. Dương Hoàng Mẫn thực hiện, kết quả ghi nhận tắc hoàn toàn RCAII (động mạch vành phải đoạn giữa) và huyết khối, các bác sĩ đã can thiệp thành công sang thương bằng stent phủ thuốc, kết quả tái thông hoàn toàn mạch vành sau can thiệp, chụp động mạch vành kiểm tra không bóc tách, không huyết khối, không hẹp tồn lưu.

San can thiệp bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc, vận động phục hồi tốt, đang được theo dõi, điều trị tại khoa Tim mạch can thiệp.

Theo BSCK2 Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết: Nhồi máu cơ tim và nhồi máu não đều là những tình trạng cấp cứu cần được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Người ta đã chứng minh được nhồi máu cơ tim làm tăng nguy cơ nhồi máu não và ngược lại. Tuy nhiên, việc trên một bệnh nhân có đồng thời nhồi máu cơ tim và nhồi máu não là rất hiếm, ước tính chỉ gặp trong 0,009% dân số.

Nhồi máu cơ tim-não đồng thời có thể được chẩn đoán bằng sự hiện diện của khiếm khuyết thần kinh cấp tính (gợi ý nhồi máu não) kèm theo đau thắt ngực kết hợp thay đổi trên điện tâm đồ hoặc tăng men tim (gợi ý nhồi máu cơ tim).

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến nhồi máu tim-não đồng thời. Rung nhĩ được báo cáo là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất.

Do tình trạng nhồi máu tim-não đồng thời rất hiếm gặp nên hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn điều trị cụ thể cho bệnh cảnh đặc biệt này. Việc điều trị tình trạng nào trước cũng sẽ làm trì hoãn việc điều trị tình trạng còn lại, trong khi cả hai đều là cấp cứu. Theo đó, Hội tim mạch Hoa Kỳ và Hội Đột quỵ Mỹ khuyến cáo có thể xem xét truyền thuốc tiêu sợi huyết với liều cho điều trị nhồi máu não và sau đó tiến hành tái thông mạch vành bằng can thiệp qua da.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc lựa chọn can thiệp tình trạng nào trước phụ thuộc rất nhiều vào bệnh cảnh lâm sàng và yêu cầu người bác sĩ điều trị phải có cái nhìn toàn cảnh bệnh nhân và suy xét rất kĩ lợi ích và nguy cơ của từng tình trạng.

Ở những bệnh nhân huyết động không ổn định nên được can thiệp nhồi máu cơ tim trước.

Nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ não đều là những bệnh lý với những biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được can thiệp xử trí kịp thời. Khi nhận thấy người thân có những biểu hiện đau tức ngực, khó thở… (biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp), hoặc méo miệng, đi lại khó khăn, yếu liệt, rối loạn ngôn ngữ, tri giác… (biểu hiện điển hình của đột quỵ não) cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh và tim mạch gần nhất để được can thiệp, cấp cứu kịp thời.

Phạm Phong

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nhoi-mau-co-tim-kem-dot-quy-nao-nguy-hiem-nhu-the-nao-16922041916354687.htm