Nhọc nhằn chuyển đổi xanh

Các doanh nghiệp FDI đưa ra cam kết mạnh mẽ chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh nhưng từ mục tiêu đến hành động là một chặng đường dài, khó khăn.

Nỗi lòng của các ông lớn

Với quy mô hoạt động toàn cầu, đồng thời tuân thủ pháp luật, định hướng phát triển của Việt Nam, các doanh nghiệp FDI lớn đang tích cực, thậm chí đi đầu trong hành trình chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp FDI đã đặt ra những lộ trình, thậm chí cam kết trong giảm phát thải khí nhà kính, đạt net rezo. Heineken Việt Nam là một ví dụ, ông Nguyễn Thanh Phúc- Giám đốc Đối ngoại Cấp cao Heineken nói, doanh nghiệp phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành net zero.

Hay Ngân hàng UOB Việt Nam, kinh doanh tại Việt Nam, ông lớn này cũng đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng hành cùng mục tiêu của Việt Nam. “So với các nước khác trong khu vực ASEAN, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam táo bạo hơn (lấy ví dụ, Indonesia đặt mục tiêu vào năm 2065). Trong vòng 20 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế ASEAN lớn thứ hai trên thế giới. Đó là nhiệm vụ lớn lao mà chính phủ Việt Nam đã cam kết”, ông LIM Dyi Chang - Giám đốc Cấp cao Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định.

Doanh nghiệp FDI cũng đang gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh. Ảnh: Thanh Hải

Các doanh nghiệp FDI dù có tiềm lực về kinh tế nhưng để hiện thực hóa cam kết về net rezo, giảm phát thải khí nhà kính cũng vẫn rất khó khăn. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam - Hong Sun, bày tỏ, Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam khoảng 10.000 doanh nghiệp trong đó đa số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.

Trong phát triển xanh, vấn đề chuyển đổi từ năng lượng phổ thông sang năng lượng xanh rất quan trọng. “Chúng tôi đang làm việc thường xuyên với cơ quan chức năng nhằm ký hợp đồng độc lập về năng lượng xanh nhưng khó khăn pháp lý và điều kiện khách quan vẫn chưa làm được ngay”, ông Hong Sun cho hay.

Thêm vào đó là vấn đề bảo lãnh của Chính phủ, với dự án quy mô lớn hàng tỷ USD, vốn tự có của doanh nghiệp là hạn chế phải huy động từ các tổ chức tài chính. Nếu không có sự đảm bảo từ Chính phủ từ các hợp đồng dài hạn nhà đầu tư khó huy động vốn. Đây cũng là nút thắt tương đối lớn của nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng, nhà đầu tư nước ngoài nói chung tại Việt Nam và rất cần tháo gỡ.

Đại diện Coca-Cola Việt Nam- ông Bùi Khánh Nguyên - Phó Tổng giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững, cũng nhìn nhận, trở ngại với Coca-Cola Việt Nam trong chuyển đổi xanh là không hề nhỏ khi phải thực hiện rất nhiều trách nhiệm trong cùng một thời điểm như thu gom và tái chế bao bì; nhiều loại thuế sẽ tạo gánh nặng và làm sụt giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Cùng đó là nhận thức và sự sẵn sàng của người tiêu dùng trong việc chi trả cao hơn cho những sản phẩm được sản xuất theo quy trình xanh cũng là vấn đề cần tính đến.

Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ đưa ra cam kết đầy tham vọng biến Việt Nam thành quốc gia xanh hơn, đẹp hơn. Những cơ chế, chính sách của Chính phủ hiện nay có rất nhiều yếu tố khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực vào. Nhưng mong rằng Chính phủ Việt Nam hãy giới thiệu hệ thống tín chỉ carbon sớm hơn, nhanh hơn để doanh nghiệp có thể để trao đổi, mua bán, ký kết hợp đồng trong phạm vi trong nước và toàn cầu”, ông Bùi Khánh Nguyên đề xuất.

Định hình cơ chế thay đổi

So với các nền kinh tế phát triển, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển dịch sang nền kinh tế xanh. Ở các nước phát triển, quá trình chuyển đổi diễn ra tương đối khó khăn hơn khi họ đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ổn định qua nhiều năm. Với Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sự chuyển dịch sang nền kinh tế xanh sẽ diễn ra dễ dàng hơn.

Số vốn cần thiết cho quá trình này dự kiến sẽ rất lớn, lên đến 140 tỉ USD, chủ yếu dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Lợi thế của Việt Nam nằm ở chỗ đang trực tiếp đầu tư vào hạ tầng mới mà không phải chịu nhiều gánh nặng tạm ngừng sản xuất để tháo dỡ hạ tầng cũ. Đó là lợi thế độc đáo của Việt Nam so với các quốc gia khác.

Chính phủ cũng đang xây dựng kế hoạch để Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và người dân có thể cùng nhau thực hiện được kinh tế tuần hoàn. Nhiều cơ chế liên quan đến việc làm thế nào để thực hiện được mục tiêu net zero cũng đang được thảo luận.

Trong công cuộc đó, theo các chuyên gia, chuyển đổi quan trọng nhất là liên quan đến năng lượng, trong đó tài chính và công nghệ là bài toán đau đầu. Do vậy, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để quyết định trong việc thu hút FDI, đặc biệt trong lựa chọn các dự án đầu tư. Và xu hướng thu hút đầu tư sắp tới sẽ là năng lượng xanh, tín chỉ xanh và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mặt khác, cần định hình cơ chế thay đổi, không đi theo con đường cũ, nghĩa là dự án vào chỉ cần có đầu tư, mà nên chọn dự án giúp cho mô hình phát triển của đất nước, tạo ra nhu cầu đào tạo và phát triển con người, phục vụ cho mô hình xanh. Từ đó, tạo ra sự tiên phong cho những sự thay đổi tiếp theo.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhoc-nhan-chuyen-doi-xanh-314833.html