Nhớ về thời hoa lửa: Họ đã có mối tình đẹp như thế!

Những dòng chữ trong trang thư nhuốm màu thời gian tái hiện câu chuyện cảm động về nghĩa tình vợ chồng, sự mong ngóng, nhớ nhung và niềm tin về tương lai trong thời chinh chiến.

Lá thư cuối gửi ra tiền tuyến...

Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống thăm Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị những ngày tháng 7, nơi đây đang lưu giữ, trưng bày nhiều kỷ vật của các liệt sĩ. Chúng tôi may mắn được nghe kể câu chuyện xúc động về lá thư của bà Phan Thị Biển Khơi - vợ liệt sĩ Lê Binh Chủng - nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, thuộc Tỉnh đội Quảng Trị viết vào ngày 15/5/1972 gửi chồng nơi chiến trường.

Nhiều di vật của liệt sĩ Lê Binh Chủng được bảo quản, trưng bày ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Nhiều di vật của liệt sĩ Lê Binh Chủng được bảo quản, trưng bày ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Phải gần 30 năm sau ngày chồng hy sinh, bức thư cuối của bà Biển Khơi gửi ra tiền tuyến cùng hài cốt liệt sĩ Lê Binh Chủng mới được phát hiện. Đó là năm 1999, trong lúc thi công đào cống thoát nước công trình trùng tu Di tích Thành cổ Quảng Trị, công nhân phát hiện căn hầm ngầm kiên cố có nắp bê tông cốt thép dày hơn 30cm.

Khi khai quật căn hầm, lực lượng chức năng phát hiện 7 bộ hài cốt còn nguyên vẹn, nằm rải rác bên dưới. Người ta phát hiện bên cạnh bộ hài cốt có tư thế tựa vào thành hầm là chiếc sắc cốt quân đội chứa sổ công tác, một số bức ảnh và lá thư ký tên người viết là Biển Khơi. Nhờ lá thư này, cơ quan chức năng xác định được 1 trong 7 hài cốt là liệt sĩ Lê Binh Chủng.

Trong những trang thư nhuốm màu thời gian là câu chuyện cảm động của người lính và vợ hiền nơi hậu phương. Những câu chữ giản dị nhưng gửi gắm bao nhiêu tâm tư, tình cảm và mong ước một ngày đất nước thống nhất, gia đình đoàn viên.

Du khách chăm chú nghe hướng dẫn viên kể về những bức thư thời chiến được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Du khách chăm chú nghe hướng dẫn viên kể về những bức thư thời chiến được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Mở đầu lá thư, bà Khơi viết: "Cầm bút biên thư cho anh trong lúc chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng đầy sung sướng. Tự hào thay trong hàng ngũ những người chiến thắng đó có anh - người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ… Ba bốn chục năm nay, lòng người bao mong muốn hướng về miền Nam thân yêu, về Trị Thiên ruột thịt. Hôm nay trên chiến trường Trị Thiên đã vang lên tiếng cười của những người dân mất nước. Được trở lại, chắc là anh vui lắm...".

Tiếp thư, bà Biển Khơi kể cho chồng về cậu con trai và cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ của quân dân huyện nhà Bố Trạch.

"Con nó bỏ bú, ăn cơm sẵn cá nên dạo này khỏe hơn trước nhiều anh ạ. Mùa màng năm nay lúa tốt lắm, có thể nói từ trước tới nay chưa từng có, đã bước vào thu hoạch mùa rồi, bận lắm. Vừa thu hoạch vừa huấn luyện quân sự để sẵn sàng đối phó với kẻ thù... Máy bay chúng cứ oanh tạc luôn, thường xuyên phải ngủ hầm. Gần đây chúng còn bắn vào làng và giữa đồng, một chị bị chết, còn an toàn cả. Cầu Lý Hòa bị cắt xe đến nay vẫn chưa qua được. Tình hình hầm hào ở nhà vẫn tương đối và chắc lắm. Ngoài đồng đi gặt vẫn có hầm trú ẩn. Báo tin thế để anh biết".

Chúng tôi đã có mối tình đẹp thế đấy!

Phóng viên tìm về làng biển xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình để gặp bà Phan Thị Biển Khơi – người biên những lá thư gửi tâm tình ra tiền tuyến cho người chồng Lê Binh Chủng.

Bà Phan Thị Biển Khơi bùi ngùi khi nhớ về người chồng liệt sĩ Lê Binh Chủng.

Bà Phan Thị Biển Khơi bùi ngùi khi nhớ về người chồng liệt sĩ Lê Binh Chủng.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về người chồng Lê Binh Chủng vẫn luôn hiển hiện. Lật lại ký ức, bà Khơi kể, khi vừa tròn 18 bà đăng ký tham gia bộ đội. Sau huấn luyện, bà được điều động về Tiểu đoàn 3, thuộc Tỉnh đội Quảng Trị (chiến trường B5).

Gặp nhau trong khói lửa chiến tranh, cô bộ đội Biển Khơi và Trung úy Lê Binh Chủng cảm mến nhau lúc nào chẳng hay. Ở nơi bom đạn cày xới từng ngày vẫn nẩy mầm những tình yêu đẹp. Họ cùng đồng chí, đồng đội vượt qua bao ngày tháng gian khổ, ác liệt.

Yêu nhau được hơn một năm thì cô gái trẻ Biển Khơi bị sốt rét nặng phải ra Bắc điều trị, Trung úy Lê Binh Chủng tiếp tục cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Thành cổ.

Lần về phép năm 1970, Trung úy Lê Binh Chủng và cô gái Biển Khơi đã có một đám cưới bình dị, ấm áp ở quê của vợ. Không lâu sau đó, người lính Lê Binh Chủng phải quay lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu.

"Chuyện tình yêu thời chiến mà, sau khi cưới chúng tôi được ở cạnh nhau ít ngày rồi anh vào mặt trận. Kể ra thì chúng tôi đã may mắn hơn rất nhiều những cặp vợ chồng khác rồi", bà Khơi cho biết.

Chuyện tình đẹp của bà Biển Khơi và liệt sĩ Lê Binh Chủng nẩy mầm nơi chiến trường khốc liệt.

Chuyện tình đẹp của bà Biển Khơi và liệt sĩ Lê Binh Chủng nẩy mầm nơi chiến trường khốc liệt.

Để động viên chồng nơi tiền tuyến, bà Khơi thường xuyên gửi thư ra chiến trường. Những cánh thư là nỗi niềm thương nhớ, những chuyện vui buồn nơi hậu phương. Bà Khơi luôn mong chờ thư hồi âm để biết rằng chồng vẫn bình an.

"Tôi cũng không thể nhớ đã nhận và gửi đi bao nhiêu lá thư. Cứ mỗi lần gửi đi là mỗi lần mong ngóng hồi âm. Ngày ấy anh Chủng cũng gửi thư về rất nhiều. Anh kể chuyện chiến trường rồi nhắn nhủ tôi yên tâm, anh mạnh khỏe. Lần tôi báo tin có con, anh mừng lắm, bảo sẽ xin cắt phép để về thăm. Ngày ấy không có điện đài gì nên những lá thư là cách liên lạc duy nhất. Mỗi lá thư về tôi biết anh vẫn còn sống, lại thêm hy vọng vào ngày chiến thắng, anh sẽ về với mẹ con tôi...", bà Khơi chia sẻ.

Cuối năm 1970, cậu bé Lê Quảng An là sự "đơm hoa, kết trái" của tình yêu thời chiến chinh ra đời. Cái tên của người con được ghép lại từ hai quê Quảng Bình - Nghệ An.

Anh Lê Quảng An là "quả ngọt" của tình yêu thời chiến.

Anh Lê Quảng An là "quả ngọt" của tình yêu thời chiến.

Vào tháng 4/1972, chiến sĩ Lê Binh Chủng có dịp nghỉ phép về thăm vợ con. Ghì chặt con trong lòng, nước mắt của người đàn ông không sợ đạn bom cứ rưng rưng. Đó cũng là lần duy nhất và cuối cùng, liệt sĩ Lê Binh Chủng và con trai được gặp nhau.

"Hồi đó tôi còn quá nhỏ nên không thể nhớ được, chỉ có thể cảm nhận và mường tưởng ra hình ảnh bố qua di ảnh mà thôi. Nghe mẹ kể rất nhiều về bố, tôi tự hào vì bố tôi đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc...", anh Lê Quảng An tâm sự.

"Sét đánh ngang tai" khi bà Khơi hay tin, sáng 3/8/1972, người chồng Lê Binh Chủng cùng đồng đội đã hy sinh trong một trận bom, khi cuộc chiến đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.

Giờ đây khi nhớ về người chồng, dù vết thương lòng đã nguôi ngoai, nhưng ký ức về mối tình đẹp đẽ vẫn luôn nồng ấm trong bà.

Giờ đây khi nhớ về người chồng, dù vết thương lòng đã nguôi ngoai, nhưng ký ức về mối tình đẹp đẽ vẫn luôn nồng ấm trong bà.

Cũng từ đó, những cánh thư không còn được gửi ra nơi tiền tuyến, bà Khơi chỉ có thể lật dở những trang thư cũ để tìm những lời yêu thương, động viên từ người chồng. Ôm chặt những trang giấy mỏng khóc rồi lau dòng lệ, người thiếu phụ phải mạnh mẽ thay chồng làm cha để chăm sóc con trai.

Rồi thời gian, nỗi lo cơm áo bủa vây, những lá thư của liệt sĩ Lê Binh Chủng gửi về dần bị thất lạc, hư hỏng. Niềm an ủi lớn nhất của bà Khơi và con trai là sau gần 30 năm kể từ ngày hy sinh, hài cốt liệt sĩ Lê Binh Chủng cũng được tìm thấy và đưa về an táng tại quê nhà Nghệ An.

Giờ đây khi nhớ về người chồng, dù vết thương lòng đã nguôi ngoai, nhưng ký ức về mối tình đẹp đẽ vẫn luôn nồng ấm trong bà.

Video: Quang cảnh Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nho-ve-thoi-hoa-lua-ho-da-co-moi-tinh-dep-nhu-the-169230726144928976.htm