Nhớ về nguồn cội…

Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng trở thành nét hồn quê. Sau cánh cổng là cả một xã hội thu nhỏ, ở đó có họ hàng, làng xóm, có đình đám hội hè, phong tục và những hương ước riêng.

Dẫu mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng cổng làng từ ngàn xưa đã là một phần của văn hóa Việt Nam. Với Thăng Long - Hà Nội, những cổng làng cổ kính nằm trong phố phường sôi động lại như nhắc ta về lịch sử, truyền thống và văn hóa rất đặc trưng của đất kinh kỳ. Rồi làng hóa phố, nhiều vòm cổng làng cổ kính rêu phong chỉ còn trong hoài niệm. Và giữa ồn ào cuộc sống thời hiện đại, vẫn còn đây đó những chiếc cổng làng nằm xem kẽ giữa những xô bồ của cuộc sống. Cổng làng là chứng tích, nói lên nhiều điều về lịch sử, làng nghề, phố nghề, về một cõi riêng tư nho nhỏ trong tâm hồn người Hà Nội mà có lẽ mỗi chúng ta cần nâng niu, gìn giữ. Mỗi làng của Hà Nội xưa thường gắn với một nghề. Khi xây dựng cổng làng, ông cha ta thường gửi gắm với thế hệ sau bao điều qua từng nét đại tự, ý tứ sâu xa của đôi câu đối bên cổng. Có thể là câu đối Vua ban, nhưng phần nhiều là những câu đối ca ngợi giá trị truyền thống, nét đẹp làng nghề, hay niềm mơ ước về một điều tốt đẹp. Hẳn không phải người làng Ước Lễ nào cũng biết được rằng, cái cổng làng mình được xây dựng từ đời Vua Gia Long bằng tiền quyên góp của nhiều hộ gia đình lên Hà Thành làm nghề giò chả truyền thống gửi về. Hay như làng Đông Ngạc - vốn là một làng có truyền thống thi cử, nhiều người làng đỗ đạt làm quan trong thời kỳ phong kiến đã góp công của xây dựng cổng làng. Cùng với thời gian, những vùng quê ấy, nay đã thành phường, thành phố. Nhưng những cổng làng thì vẫn còn đó, ẩn hiện dưới những tán cây, đan xen giữa những ngôi nhà cao tầng hiện đại, và bị (Cổng làng Thành Công) lấn át bởi những xô bồ của cuộc sống. Những chiếc cổng làng trở nên nhỏ bé vướng víu không phù hợp với không gian xung quanh, cổng làng bị phá đi như một điều tất yếu. Và đó cũng đồng nghĩa với việc mất đi một nét văn hóa làng quê chốn Hà Thành. Trước đây, người dân làng Cự Đà vốn là những người kinh doanh có tiếng ở trên 36 phố phường Hà Nội, đến nay, cổng làng chính là dấu tích còn lại của họ cho con cháu. Trong nhiều năm gần đây, người dân Cự Đà chuyển sang nghề làm miến vì ruộng ít, người đông. Bước qua cổng làng là lạc vào một thế giới màu vàng của bánh miến, mùi hăng hắc của rong. Những câu chuyện về Cổng làng của ông bà tổ tiên xa xưa dần lùi sâu vào quá khứ. Những người còn nhớ về chuyện cổng làng như già làng Dương Xá thật hiếm hoi. Cụ Phạm Danh Đồng, thôn Dương Đình, Dương Xá, Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: “Cổng làng được xây dựng lại từ năm 1909. Thời kỳ kháng chiến, cứ đóng cổng làng là người lạ không dám vào, vì vào mà người làng bắt và gọi là Việt gian thì sợ lắm...” Nhịp sống đô thị khiến các làng quê cũng đổi thay và những chiếc cổng làng cũng đang dần mất cùng sự phát triển này. Giống như những trò chơi dân gian của con trẻ cũng ngày càng hiếm gặp. Trong số hơn 700 bức ảnh về cổng làng mà họa sĩ Quách Đông Phương đã chụp, đến nay số cổng làng chốn Hà Thành cũng chỉ còn non nửa, nhiều cổng làng cổ kính rêu phong giờ chỉ còn trong hoài niệm. Chính điều này luôn làm anh day dứt, tiếc nuối cho những nét kiến trúc vốn từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa làng Việt rất đặc trưng của chốn kinh kỳ nói riêng và của làng quê đồng bằng Bắc bộ nói chung. Ngày càng có nhiều cổng làng được phục dựng, nhưng có lẽ cái hồn cốt của văn hóa làng, mà đi đâu về đâu, người Việt Nam cũng phải nhớ đến giờ đã bị mai một. Không phải sau mỗi cánh cổng làng chỉ là sự thanh bình yên ả của cuộc sống, mà đằng sau những chiếc cổng làng là cuộc mưu sinh vất vả của những người dân. Đất làng thấm mồ hôi và cả nước mắt nhọc nhằn của bao thế hệ người dân trong làng. Cổng làng đôi khi là điểm mốc đo sự chờ đợi, trông ngóng, hay sự trưởng thành của mỗi người. Có bao nhiêu em bé ngày ngày ngóng chờ mẹ đi chợ về, có bao nhiêu người già nuốt nước mắt chờ tin con. Tiếc nuối, muốn níu kéo và lưu giữ những hình ảnh cổng làng - những giá trị kiến trúc đã tồn tại và gắn bó với ông bà tổ tiên, với họa sĩ Quách Đông Phương âu cũng là một cách gợi nhớ về nguồn cội. Tác giả : Bùi Linh Ý kiến bạn đọc (0)

Nguồn VTV: http://vtv.vn/article/get/nho-ve-nguon-coi-e72f3aec16.html