Nhớ về Đại tướng

Quê hương-hai tiếng yêu thương là nguồn cội thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, địa danh nào trên mảnh đất Quảng Bình cũng đều là quê hương. Riêng đối với xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), nơi có nhiều thành tích trong kháng chiến, Đại tướng đã hai lần về thăm.

Một đêm đầu hè năm 1962, nhận thông tin từ cấp trên, bà con xã Cảnh Dương suốt đêm quên ngủ, mong trời mau sáng để được đón Đại tướng. Đúng 8 giờ sáng, có tiếng động cơ, hàng trăm cặp mắt tỏa lên bầu trời, chiếc trực thăng lượn một vòng rồi đáp xuống sân vận động xã. Từ cửa máy bay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tươi cười vẫy tay chào bà con, theo sau là các đồng chí trong đoàn và hai người con gái: Võ Hồng Anh-Võ Hòa Bình được cha cho về thăm quê.

Lúc này, lãnh đạo huyện Quảng Trạch và xã Cảnh Dương, cùng đông đảo nhân dân cũng có mặt, đón Đại tướng về thăm nhà truyền thống làng chiến đấu Cảnh Dương và các khu vực trong xã. Đại tướng vui mừng biểu dương thành tích trong chiến đấu, sản xuất của xã Cảnh Dương và huyện Quảng Trạch.

Trưa hôm đó, xã bố trí để hai con gái của Đại tướng nghỉ ngơi tại nhà bà Nguyễn Thị Ruộng, một đảng viên là cán bộ Hội “Mẹ chiến sĩ” ở thôn Đông Dương. Lần đầu được về thăm làng biển, với hai cô, đây là một trong những kỷ niệm khó quên của mình. Nhân chuyến thăm này, Đại tướng đã tặng xã Cảnh Dương chiếc đài bán dẫn của Liên Xô (cũ).

Thời kỳ này, nói đến việc nghe đài là vô cùng hiếm hoi. Chiếc đài đã gắn bó cùng cán bộ, nhân dân xã Cảnh Dương trong những năm chống Mỹ cứu nước, mang đến sự động viên tinh thần khi quân dân xã nhà bám công sự đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ; bám biển đánh bắt cá, đáp ứng nhu cầu chi viện của tiền tuyến. Sau ngày đất nước thống nhất, cùng hàng nghìn tư liệu, hiện vật khác, chiếc đài của Đại tướng hiện diện như một "báu vật" tại nhà truyền thống xã.

Ngày 8/3/1967, dân quân gái xã Cảnh Dương bắn rơi một máy bay F4.H của Mỹ. Nữ dân quân Trương Thị Gấm đại diện cho khẩu đội 12 ly 7, mang theo một mảnh xác máy bay Mỹ, ra Thủ đô báo công với Đại tướng. Chuyến đi còn có các chiến sĩ xuất sắc lập công ở các tỉnh khu Bốn. Đại tướng khen ngợi tinh thần chiến đấu quả cảm của dân quân gái Cảnh Dương, thân mật hỏi thăm từng người và chụp ảnh với đoàn.

Đối với cô dân quân làng biển, đây là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời và tấm ảnh được chụp cùng Đại tướng là kỷ vật vô giá của chị. Đến nay, dù đã 72 tuổi, chị Gấm vẫn sống vui vẻ, lạc quan. Những lúc rỗi rãi, các chị lại bên nhau ngắm nghía những tấm ảnh, cùng nhau hát say sưa những bài ca đi cùng năm tháng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm xã Cảnh Dương năm 1962.

Ngày 23/4/1986, Đại tướng về thăm, làm việc với huyện Quảng Trạch. Đại tướng đi thăm chiến khu Trung Thuần, thăm xã Cảnh Dương và một số địa phương. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương nhớ lại: “Chỉ chưa đầy chục phút, Đại tướng đã ân cần hỏi thăm mọi mặt, từ tình hình chính trị, kinh tế đến đời sống xã hội. Đặc biệt, hai vấn đề được Đại tướng quan tâm nhất: Xã có giữ được những bức tường san hô rào làng chiến đấu không? Và, rừng phi lao chắn cát có phát triển được không? Đại tướng căn dặn, lãnh đạo xã phải tập trung chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân”. Ghi sâu lời của Đại tướng, xã Cảnh Dương đã động viên toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, phát huy tiềm năng và nội lực, thực hiện sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương phát triển về mọi mặt.

Năm 1994, Đại tướng rất vui khi biết Cảnh Dương là xã đầu tiên ở miền Trung vừa ra mắt Câu lạc bộ UNESCO. Ngày 21/11/1994 tại Thủ đô Hà Nội, Đại tướng ghi vào sổ vàng, chúc mừng xã Cảnh Dương và mong muốn câu lạc bộ sẽ góp phần: “...Nâng cao văn hóa, phổ biến khoa học, mở rộng giáo dục... làm cho xã nhà ngày càng xứng đáng với danh hiệu là xã anh hùng”.

Dịp này, Đại tướng cho mời hai cán bộ xã Cảnh Dương đến tiếp chuyện tại nhà riêng, đây là niềm vinh hạnh hiếm có. Sau khi giới thiệu với mọi người: “Đây không phải là khách, đây là người trong nhà ra thăm”, Đại tướng thân mật ngồi cạnh ông Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã. Đại tướng sốt sắng hỏi tình hình ăn ở, sản xuất, bệnh tật, học hành... Lần này, Đại tướng lưu ý: “Nguồn lợi gần bờ ngày càng khan hiếm, phải chú trọng phát triển đánh bắt xa bờ, tích cực động viên bà con đầu tư, vươn ra khơi mới có ăn”.

Đại tướng còn hỏi Chủ tịch UBND xã, tình trạng đau mắt đỏ khiến nhiều người trở thành mãn tính, nay có còn không? Nhân đó, Đại tướng trao cho ông Nguyễn Văn Tuyên gói hạt giống phi lao, kèm theo lời dặn: “Đau mắt đỏ, một phần do cát bay, cần đẩy mạnh trồng rừng phi lao ven biển, tạo lá phổi xanh cho cả làng hưởng không khí trong lành”.

Nghe lời Đại tướng, xã Cảnh Dương vừa trồng lại vườn phi lao, vừa trồng mới hàng trăm cây dừa ven biển, môi trường sinh thái nhờ đó được bảo đảm, các bệnh hen, đỏ mắt như xưa không còn. Gần 30 năm qua, ông Ngô Xuân Dục, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội xã nhớ mãi từng lời căn dặn của Đại tướng: “Cảnh Dương có truyền thống hiếu học và học giỏi, xã phải hết sức chăm lo sự nghiệp trồng người, không được để con em bỏ học...”. Ôi, cái tâm, cái tình của Đại tướng sao mà bao la, sâu nặng đến thế!

Từng nghe, mỗi lần về thăm quê, khi lãnh đạo tỉnh và huyện Quảng Trạch tiễn Đại tướng một chặng đường để ra Thủ đô Hà Nội. Xe đi chậm qua cầu Roòn, Đại tướng đưa ánh mắt về phía Đông, như muốn biết mức độ thay đổi của Cảnh Dương ra sao. Và hình như, còn một lý do sâu xa nữa, tâm nguyện của Đại tướng với biển, đảo. Đại tướng mong muốn bà con ngư dân phải cùng chung tay, vừa khai thác vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trước khi tạm biệt, Đại tướng đứng khá lâu trên đỉnh đèo Ngang, mắt hướng ra biển, như nguyện ước điều gì.

Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng xã Cảnh Dương.

Ngày 4/10/2013, cả nước bàng hoàng nghe tin Đại tướng về cõi vĩnh hằng. Ngày tổ chức lễ an táng Đại tướng, bà con Cảnh Dương không đợi ai thông báo, người người cứ thế hướng về Vũng Chùa-Đảo Yến để được tiễn biệt Đại tướng lần cuối. Ông Đỗ Như Quán ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương, là chiến sĩ Điện Biên, người đảng viên được kết nạp tại mặt trận Điện Biên Phủ, thương binh khiếm thị 1/4. Biết rằng, nếu để ông đi sẽ làm cho ông thêm xúc động, con cháu phải động viên ông nghỉ ngơi ở nhà. Đêm 13/10/2013 ấy là một đêm không ngủ ở Quảng Bình.

Sau lễ an táng Đại tướng, Quốc lộ 1 đoạn qua xã Quảng Đông tắc nghẽn. Gần 1 giờ ngày 14/10, các con cháu ông mới về đến nhà, thấy cha mình vẫn ngồi trên ghế, tay ôm chiếc đài nghe tường thuật buổi lễ, sự kiện đã kết thúc nhưng chiếc máy vẫn được ông giữ chặt trên tay. Thấy mọi người về, ông òa khóc nức nở, ông khóc vì tiếc thương Đại tướng, người chỉ huy trực tiếp của ông...

Từ ngày đó, ở xã Cảnh Dương, nhà nhà mua ảnh chân dung Đại tướng về thờ; đoàn thể nào trước khi tổ chức tham quan các địa danh, đều ghé dâng hương hoa ở phần mộ Đại tướng. Nhiều gia đình xã Cảnh Dương đã tổ chức cho con cháu về Vũng Chùa-Đảo Yến dâng hương tưởng nhớ Đại tướng…

Đêm 24/10/2016, trận lũ kép khiến ngôi làng có hàng chục tàu bị cuốn trôi, nhấn chìm, trong đó, nhiều gia đình có tới hai con tàu bị nạn. Hay tin, con gái Đại tướng, bà Võ Hạnh Phúc đã về trao quà cứu trợ cho người dân. Bà còn kết hợp Viện Dinh dưỡng quốc gia, tặng trạm y tế xã và các trường học trong xã một số máy tính, máy phát điện, máy lọc nước, máy điều hòa, phục vụ giảng dạy, khám, chữa bệnh và bếp ăn bán trú cho các cháu mẫu giáo… Cùng lãnh đạo địa phương thăm nhà truyền thống xã, bà Võ Hạnh Phúc xúc động trước kỷ vật của cha mình, hứa sẽ quan tâm, giúp đỡ xã nhiều hơn, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho bà con.

Kỷ niệm 112 năm ngày sinh của Đại tướng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cảnh Dương luôn ra sức thực hiện các lĩnh vực được Đại tướng quan tâm, chỉ bảo lúc sinh thời, như: Đánh bắt xa bờ; khuyến học, khuyến tài; chăm sóc sức khỏe nhân dân… Cùng với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc học tập tấm gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp được triển khai thường xuyên trong cán bộ, đảng viên, lan tỏa trong nhân dân bằng những việc làm thiết thực, những tấm lòng thiện nguyện, những điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, khôi phục, bảo tồn di sản văn hóa, làm cho xã ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202308/ky-niem-112-nam-ngay-sinh-dai-tuong-vo-nguyen-giap-2581911-2582023-nho-ve-dai-tuong-2211754/