Nhớ thương hương đồng mái rạ!

Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở quê, hẳn sẽ luyến lưu những điều tưởng như dung dị, chân chất nhưng lại khiến ta luôn khắc khoải, nhớ thương đến nao lòng. Làng quê yêu dấu với dòng sông, cánh đồng, con đường làng, ngôi nhà nhỏ... đều trở thành máu thịt trong tim, nhất là đối với những người con xa xứ. Với tôi, đơn giản chỉ là những sợi rơm vàng cũng khiến lòng tôi nao nao thương nhớ quê hương đến da diết.

Ảnh minh họa.

Quê tôi là một vùng quê Bắc bộ thuần nông, người dân chân chất, thật thà quanh năm chỉ biết làm bạn với ruộng đồng. Thời ấy, rơm rạ nhiều, nhưng chẳng ai lãng phí bỏ nó đi. Bởi nhà nào cũng nuôi trâu bò làm sức kéo, rất cần rơm cho chúng ăn. Rơm còn để nấu nướng và dùng cho bao nhiêu việc khác nữa. Thế nên, nhà nào cũng có vài ba đống rơm to ụ như những chiếc nấm lớn “mọc” nơi góc vườn nhà.

Hồi bé, tôi rất thích những ngày mùa. Vào mùa gặt, cả làng quê lại thơm nồng mùi rơm mới. Sau khi gặt hái tươm tất, trẻ con chúng tôi sẽ có nhiều trò chơi xung quanh rơm rạ. Ấu thơ ấy tràn đầy kỷ niệm, tràn đầy những trò vui, tinh nghịch gắn liền với mùi thơm của rơm mới.

Gặt xong, khi hạt lúa đã theo chân người về nhà, người lớn sẽ phơi rơm dọc con đường làng để dành cho việc đun nấu, ủ ấm cho trâu bò. Rơm ủ nắng khô giòn, quyện lẫn mùi thơm tinh khôi của vụ mùa, của đồng ruộng. Con đường làng mỗi ngày quen thuộc, nay như khác hẳn. Đường được rải một lớp rơm vàng óng ả, tươi mới, sắc màu của mùa màng, của trù phú, ấm no và hạnh phúc.

Mùi rơm mới quen thuộc với mỗi đứa trẻ chúng tôi như bạn bè, như tình thân gắn bó. Chúng tôi tha hồ chạy nhảy, trêu đùa, chơi những trò chơi ú tim trong những đống rơm thân thương ấy, lăn lộn thoải mái để được hít hà vào lòng mùi vị của quê hương, mùi thơm của đồng ruộng. Rơm trên đường làng quanh co. Rơm nằm phơi mình giữa đồng quê bát ngát. Tất cả quyện lẫn, lan đều khe khẽ trong cơn gió mát mỗi chiều, hay dưới ánh trăng dịu hiền buổi tối. Rơm vương trên tóc. Rơm cười dịu dàng với chúng tôi. Rơm dang rộng vòng tay ủ ấp chở che những đứa con thơ của làng mạc, của ruộng vườn. Rơm hát bài ca đồng nội chan chứa tình quê. Những cọng rơm dù có tươi ướt nhưng chỉ cần một ngày được nắng đã khô ráo và nhẹ tênh. Rơm cứ giăng mắc, vấn vít chân người đi khắp nẻo quê như điểm tô, níu kéo, gợi nhắc người ta phải để ý, nhớ thương.

Những cây rơm nơi góc vườn nhà là hình ảnh của thân thương, thanh bình của bao miền quê khác. Rơm dung dị mà gợi nhớ bao chuyện gia đình, xóm làng. Nhớ sao những ngày nấu cơm bằng rơm. Ngồi trong bếp, tay cứ đều đều luồn từng nắm rơm khô vào dưới chiếc kiềng sắt ba chân để giữ lửa không bị tắt. Lửa rơm tỏa lan hơi ấm râm ran, thoảng thơm mùi đồng quê dịu nhẹ. Gặp những hôm rơm bị ướt hoặc rơm cuối mùa đã mùn mục, khói rơm cứ nghi ngút trong bếp, làm mắt đỏ hoe, cay xè, rơm rớm nước như mới khóc. Nấu xong được một bữa cơm, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn cả người.

Tuổi thơ nơi quê nghèo là những tháng ngày lũ trẻ chúng tôi có biết bao niềm vui bên những sợi rơm vàng. Rơm tết thành những chiếc nùn đốt cháy âm ỉ sưởi ấm cả ngày. Rơm hun khói bắt chuột ngoài đồng. Rơm nướng ngô khoai nơi bờ ruộng. Lại có cả những đêm trăng thanh chơi trốn tìm trong những đống rơm. Khi vui, đứa nào cũng hả hê nói cười. Chỉ khi tan cuộc chơi về nhà, đứa nào đứa nấy lại ngứa ngáy gãi đỏ cả người chẳng thể ngủ. Vậy mà, những thú vui bên rơm rạ ấy cứ mãi dọc dài theo năm tháng tuổi thơ chẳng thể nào vơi được. Và rồi, những ký ức tuổi thơ năm nào lại vẫn vẹn nguyên trong tôi, ngỡ như chuyện của ngày hôm qua.

Rơm cũng gợi nhớ những nỗi nhọc nhằn, vất vả nơi quê nhà. Tôi thương mẹ một thời oằn mình nặng những gánh rơm trên vai. Đó là vào cuối mùa gặt, mẹ thường xuống đồng mót rơm mang về.

Dẫu chỉ là những sợi rơm rạ vô tri thôi, đôi khi chúng vẫn nằm lăn lóc bên đường, chẳng một ai đoái hoài đến. Thế mà, đó lại là những gì thân thương quá đỗi, vấn vít lấy tâm hồn của những ai đã bao năm lớn lên, vất vả, mưa nắng với ruộng đồng. Và với tôi, những sợi rơm vàng là những sợi nhớ, sợi thương, là hiện thân của quê hương yêu dấu!

Nguyễn Minh Khanh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nho-thuong-huong-dong-mai-ra-post462467.html