Nhớ tết quê nghèo

Mùa gió bấc đã len về khắp thôn xóm nơi miệt đồng. Cái se se lạnh của gió mùa tràn về báo hiệu những ngày cuối năm sắp cạn dần. Một năm mới sắp cựa mình bung tỏa, vạn vật chờ ngày khai hoa nở nhụy, đâm chồi nảy lộc…

Lòng tôi chộn rộn nhớ về những cái tết bình yên tuổi thơ một thời còn nghèo khó.

Nhớ cái thuở xa lắc xa lơ, cầu khỉ miền quê là cây tràm gió cỡ dành để đóng nọc neo ghe, xuồng còn hiện hữu đâu đó, bắc qua mấy con mương, con kênh nho nhỏ. Tiếng mái dầm khua đều tay rặc dân xứ bưng biền, mấy đứa con nít ngồi trên xuồng ba lá con con lâu lâu chòm xuống vẹt đám rễ lục bình đang hiên ngang bám đặc dòng sông quê hương. Làm sao quên con đường mòn dẫn vào xóm nhỏ, hai luống cỏ dại bên đường còn ướt đẫm sương mai… Miền quê yên bình chào mùa Xuân mới trong niềm vui rộn rã.

Hồi đó, không khí tết đã tràn về khắp thôn xóm quê tôi vào những ngày đầu tháng Chạp.

Dỡ chà là một hình thức bắt cá truyền thống của người dân quê. Vừa bắt cá để dành ăn ba ngày tết vừa là những kỷ niệm khó quên của tôi và bà con xứ đồng bưng. Cánh đàn ông trong xóm làm dần công nay dỡ chà của nhà này, mai tập trung dỡ chà nhà người kia, cứ thế xoay quanh đến trước rằm tháng Chạp là kết thúc mùa bắt cá ăn tết miền quê. Có hôm nhà nào trúng lớn “chiến lợi phẩm” mang về là hàng trăm ký cá đồng, tôm, cua, tép đồng… "Phe" đàn bà người ngồi lựa cá phân ra số đem bán, số để rộng ăn ngày tết, số còn lại đem làm khô, làm mắm... Những cặp cá lóc đồng ngon cỡ 1 ký đổ lại thì để biếu sui gia, thăm tặng khách quý. Mùa tết quê giản đơn nhưng ấm áp tình người dân đồng bưng.

Qua mùa bắt cá ăn tết là đến mùa làm bánh, làm mứt. Mỗi năm, vẫn nhận ra có nhiều loại bánh, mứt ra đời với mẫu mã kiểu dáng bắt mắt nhưng trong tôi mãi không bao giờ quên hình ảnh của ngoại, của má ngồi tỉ mẩn ngào từng mẻ mứt, gói cả ân tình vào cái bánh ít, đòn bánh tét thơm ngon. Công đoạn làm mứt, làm bánh bắt đầu từ rằm tháng Chạp. Ngoại tôi tay cầm mác vót đi vòng vòng trong vườn nhà, “tuyển chọn” thật kỹ những tàu lá chuối đẹp để dành gói bánh ít và bánh tét. Ngoại coi buồng chuối nào chín bói thì dành gói bánh tét, còn lại để má tôi ngào kẹo chuối… Cây đu đủ có trái hườm hườm ngoại dặn má và tôi để làm mứt đu đủ, và những buồng dừa còn lủng lẳng trên cây ngoại phân ra thật kỹ quày này để làm nhân gói bánh ít, quày kia làm bánh, quày nọ để thắng dầu dừa ngoại dành thoa tóc… Đó là những hình ảnh tạo nên một cái tết rộn rã nhưng thân quen và gần gũi nơi ruộng đồng.

Ba ngày tết đầu năm, người dân nơi đồng ruộng đã chuẩn bị sẵn xuồng máy dầu đầy đủ, mỗi người đều đến nhà người thân, bà con họ hàng để chúc Xuân. Chúc nhau những điều đời người luôn mong cầu mà người đời ít khi được trọn vẹn: Chúc mạnh khỏe, chúc trúng mùa được giá, chúc hạnh phúc, chúc thành công...

Lúc này, khắp cánh đồng đã lên một màu xanh lá mạ non tơ, nhiều nhà đã tranh thủ xạ phân để an tâm "ăn" cái tết bình an bên gia đình và người thân. Theo thông lệ, đến chúc tết ai cũng thắp ba nén nhang trước bàn thờ tổ tiên, ông bà - đó là cách mình nhớ đến nguồn cội và sau đó, cánh đàn ông ngồi nhâm nhi vài tách trà xanh ướp sen, ăn bánh mứt nhà làm, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui vẻ, may mắn đầu năm. Những chuyện xưa lắc xưa lơ, và cả chuyện dự tính trong tương lai mà phần lớn, chủ đề vẫn xoay quanh ruộng đồng, vườn tược…

Cánh đàn bà ngồi bên chái bếp cho thoải mái và tiện đem lên nhà ô mứt, dĩa bánh nhà làm. Sau đó, quay sang phụ gia chủ bữa cơm ngày tết. Độ khéo léo sẽ được thể hiện trong cách chế biến món ăn và trưng bày món ăn. Cả nhà gia chủ sẽ ăn cùng anh em, khách khứa đến nhà; bữa cơm càng thân mật và ấm cúng chẳng phải bởi các món ăn bày đủ đầy trên bàn mà là mối quan hệ thắm chặt tình nghĩa anh em họ hàng trong dòng họ, trong tình làng nghĩa xóm…

Trong không khí se lạnh của những ngày tháng Chạp năm nay, khi tôi đang hiện diện trong ngôi nhà cũ ngoại để lại cho tía má dưỡng già sống những ngày cuối đời, cảm giác không còn là nỗi nhớ quê da diết mà thay vào đó là những cảnh ăn tết quê nghèo ngày xưa hiện lên và rõ mồn một. Làm sao tôi quên được tết quê nghèo nơi bưng biền một nắng hai sương của tía má.

DIỆP LINH

Huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nho-tet-que-ngheo-post723773.html