Nhớ quá, Thiệu ơi!

Chiều nay, 01 tháng 12 năm 2023, Hà Nội mưa! Không sập sùi nhưng cũng đủ ngập tràn trong lòng người nỗi buồn chia phôi. Vậy là người thân, bạn bè, đồng nghiệp phải tiễn Thiệu đi mãi mãi…

Có thể thế chăng, mới mấy tháng trước, Thiệu vẫn khỏe mạnh, cười nói sôi nổi. Có thể thế chăng, căn bệnh ung thư đã ủ trong cơ thể Thiệu để rồi bùng lên, cướp Thiệu khỏi cuộc sống này. Mọi điều đều có thể… Chỉ có điều không thể, là giữ lại Thiệu trên cõi đời này!

Nhớ quá, Thiệu ơi! Anh em mình có biết bao kỷ niệm. Vui có. Buồn có. Nhưng nổi lên là gian truân. Phải vượt qua bao thác ghềnh trong thời buổi kinh tế thị trường, lòng người đảo điên. Những khi ấy, Thiệu một lòng một dạ vì sự nghiệp của ngành, mất ăn mất ngủ, chạy đôn chạy đáo làm cho được những việc vì lợi ích của ngành. Thành công nhất, là thực hiện cổ phần hóa được cho tất cả các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty, theo đúng chủ trương của Chính phủ. Cổ phần hóa thành công, là cứu được ngành Phát hành sách khỏi những mưu ma chước quỷ của những kẻ vụ lợi, cá nhân, muốn nuốt chửng các công ty làm nghề chuyển tải tri thức tới cộng đồng, để mở ra nhà hàng này, khách sạn nọ! Thành công nữa, là chúng ta đã chọn được những người xứng đáng, với tấm lòng yêu ngành tha thiết, quyết giữ vững cái nghề vinh quang nhưng quá ít lợi lộc! Khi ấy, những cán bộ mà chúng ta chọn để giao giữ vốn nhà nước đã giữ được ngành, xây dựng nền móng, bồi dưỡng cán bộ, để đến tận bây giờ, sau mấy chục năm, lớp người đi sau đã giữ vững hệ thống phát hành sách, góp phần tôn vinh văn hóa đọc.

Nhớ làm sao, vào những ngày hè nắng lửa, nghe Quảng Ngãi sắp xóa sổ công ty Phát hành sách, hai anh em vội vã lao vào. Tới nơi, không nghỉ ngơi, Thiệu cùng kế toán công ty săm soi từng cuốn sổ, từng con số. Với kinh nghiệm nghề nghiệp, Thiệu tìm ra những con số, những cách diễn giải để anh trình bày với lãnh đạo tỉnh, kéo công ty đó về Tổng Công ty, và đã đạt kết quả mong muốn. Riêng công ty thành viên chuyên về ngành văn hóa phẩm, có khu đất vàng giữa trung tâm Hà Nội, có mấy “đại gia” nhảy vào mưu mô thôn tính. Vậy mà chúng ta đã trở tay kịp thời, loại được họ ra, để bây giờ nơi ấy vẫn thuộc ngành nghề văn hóa.

Sau này, khi cả hai đã nghỉ hưu, một hôm Thiệu bảo rằng có mấy người nói với Thiệu rằng, bây giờ cổ phiếu của công ty văn hóa phẩm ấy tăng giá lên gấp nhiều lần, chị và bác Long có bao nhiêu thì để lại cho bọn em! Lúc ấy, Thiệu trợn tròn mắt ngạc nhiên: “Cổ phiếu nào, sao mà tôi và bác Long có được?” Họ bảo: “Thấy chị và bác trực tiếp chỉ đạo cổ phần hóa, lại rất hăng hái tiến hành, bọn em tưởng là hai người phải được nhiều cổ phiếu lắm!”. Hóa ra, họ nghĩ rằng anh em mình hăng hái làm việc, vì mục đích kiếm lợi cá nhân! Mình vô tư quá, không bao giờ nghĩ như vậy. Cũng vì vô tư, không nghĩ xấu về những người xung quanh, thiếu cảnh giác, mà Thiệu đã gặp tai ách. Nhưng, với tinh thần kiên cường, Thiệu đã vượt qua. Rồi mọi thứ được minh bạch, những gì người ta từng tạm thời chiếm đoạt của Thiệu, lại trở về với Thiệu! Điều đáng cảm phục ở Thiệu, là chưa bao giờ Thiệu tỏ ra thù hận những người đã hãm hại mình!

Những sóng gió của công cuộc đổi mới tại Tổng công ty mình, anh đã viết thành cuốn tiểu thuyết “Giã từ”, mà Thiệu là nguyên mẫu của nhân vật Minh Thu trong đó.

Cuối cùng, đọng lại nhất, là tình người! Anh em mình, dù nghỉ công tác đã lâu, nhưng các mối quan hệ với anh chị em trong hệ thống sách vẫn bền chặt. Khi nghe tin Thiệu ngã bệnh nặng, anh chị em phát hành sách từ các tỉnh đổ về cùng gia đình chăm sóc Thiệu! Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương… đều có những đứa em đem hơi ấm tình người về xua bớt đi cái giá lạnh của thần chết, làm cho phòng bệnh như có ngọn lửa âm thầm tỏa lan…

Nhưng, chuông đã điểm rồi! Làm sao tránh khỏi mệnh trời. Thì đành chấp nhận thôi!

Ở nơi xa ấy, Thiệu hãy yên nghỉ.

Hơi ấm của tình yêu thương giữa con người với con người luôn luôn tỏa lan…

Phạm Việt Long

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-qua-thieu-oi-a22024.html