Nhớ ơn các Vua Hùng

Hằng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh tề tựu về đình làng, di tích lịch sử, nhà thờ họ tộc... để thắp hương bày tỏ lòng thành kính tri ân các Vua Hùng, anh hùng liệt sĩ đã có công dựng nước và giữ nước, các bậc tiền hiền, tổ tiên...

Tưởng nhớ các Vua Hùng

Cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân ở thôn Phú Châu, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) lại tề tựu về đình làng Phú Châu để chuẩn bị mâm lễ dâng cúng. Trưởng thôn Phú Châu Hồ Quang Út cho biết, trước ngày lễ, mỗi người mỗi việc, phụ nữ thì đi chợ, đàn ông dọn dẹp trong và ngoài đình làng. Dù bận rộn đến mấy, người dân cũng gác lại việc riêng để cùng lo tổ chức lễ giỗ tri ân các Vua Hùng và bậc tiền hiền lập nên thôn, xóm.

Vào ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm, người dân thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương tại Di tích lịch sử cách mạng cấm Cây Cầy. Ảnh: Đăng Sương

Ông Trần Văn Đình, ở thôn Phú Châu ngâm nga câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Ông Đình cho biết, từ nhỏ, vào dịp Giỗ Tổ, tôi thường theo cha mẹ đến đình làng dự lễ. Lễ giỗ được tổ chức trang nghiêm, mang ý nghĩa thiêng liêng. Tuy lễ được tổ chức quy mô nhỏ nhưng người dân trong thôn rất phấn khởi. Đây không chỉ là dịp để nhớ về nguồn cội, mà còn là dịp để người dân gặp gỡ, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Qua đó, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết, con cháu khắc ghi đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".

Đình làng Phú Châu thờ Thần Hoàng và hiện có 4 sắc phong vua ban từ năm Tự Đức thứ 5 năm 1851 đến vua Duy Tân thứ 3 năm 1909. Các bản sắc phong được người dân gìn giữ, trân quý như báu vật. Ông Nguyễn Văn Châu hiện đang thay mặt người dân trong làng giữ 4 bản sắc phong cho hay, đây là tư liệu lịch sử quý giá. Nhờ có sự chở che, bảo vệ của bậc tiền hiền đã giúp dân làng xây dựng cuộc sống ấm no, phồn thịnh.

“Tuy không có điều kiện về dự Giỗ Tổ Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ, nhưng vào ngày này, trong tâm tưởng của người dân chúng tôi luôn nhớ về các Vua Hùng với niềm tự hào và tôn kính. Người dân thể hiện niềm tôn kính đó tại đình làng và dâng lễ cúng các Vua Hùng”, ông Châu bộc bạch.

Giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Tại di tích lịch sử cấm Cây Cầy, ở thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ), người dân cũng tranh thủ sắp xếp công việc thường nhật để chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Trưởng thôn Vĩnh Xuân Nguyễn Văn Nhân cho hay, đã trở thành thông lệ, hằng năm, cứ vào ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch, người dân lại sửa soạn lễ vật để Giỗ Tổ Hùng Vương tại cấm Cây Cầy.

Người dân thôn Phú Châu, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) chuẩn bị Giỗ Tổ Hùng Vương tại đình làng Phú Châu. Ảnh: Đăng Sương

Ông Nhân cho biết, sở dĩ chọn địa điểm cấm Cây Cầy để tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vì đây là nơi có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân, phong kiến. “Cấm Cây Cầy là nhân chứng lịch sử chứng kiến sự đổi thay của thôn Vĩnh Xuân. Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương tại đây là dịp để con cháu tri ân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Với tinh thần đoàn kết, hướng về nguồn cội, những năm qua, các thế hệ con cháu ở thôn Vĩnh Xuân luôn nỗ lực lao động, học tập, đóng góp xây dựng quê hương. Nhờ đó, thôn Vĩnh Xuân vinh dự là thôn văn hóa 5 năm liền. Theo Chủ tịch UBND xã Phổ Phong Phan Tiến Định, người dân ở địa phương luôn gìn giữ và phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương gắn với địa điểm lịch sử cấm Cây Cầy góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Văn Tiến cho biết, người dân ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung đều hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Nhiều đình làng trong tỉnh tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Đây là dịp để người dân hướng về nguồn cội, giáo dục thế hệ trẻ phát huy các giá trị truyền thống, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

ĐĂNG SƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202204/nho-on-cac-vua-hung-3110975/