Nhớ những Tết trăng rằm

Mỗi năm đến rằm tháng tám, tức Tết Trung thu, trong mỗi chúng ta chắc sẽ không thể nào quên những mùa Trung thu đã qua. Có lẽ ký ức tuổi thơ bao giờ cũng hồn nhiên đẹp đẽ. Riêng với tôi, thuộc thế hệ những đứa trẻ lớn lên trong những năm 80 của thế kỷ trước, lại ở vùng quê bán sơn địa, gia đình từ Bắc chuyển vào Nam sau ngày đất nước thống nhất nên những mùa Trung thu ở quê luôn mãi lắng đọng…

Tết Trung thu trẻ em vùng quê (ảnh minh họa).

Lúc đó, gia đình tôi ở ngôi làng ven núi, đường sá đi lại khó khăn…và có lẽ lại thêm sự cách biệt về giọng nói nên bạn bè cùng lứa chơi với nhau cũng chỉ chừng dăm ba đứa, nhà cách nhà đến vài trăm mét. Thế nhưng, không khí mùa Trung thu bao giờ cũng rộn ràng từ trước đó cả nửa tháng trời, khi ông trăng bắt đầu từ khuyết dần tròn đầy lên… Vì không có điều kiện để mua những chiếc đèn ông sao ngoài tiệm nên trước Trung thu vài hôm, tôi và đám bạn chơi thân rủ nhau tự làm những chiếc đèn Trung thu theo cách riêng của mình. Thạo nhất vẫn là cách nấu hồ dán, vót nan tre, mua giấy kính mang về làm. Vật liệu chung như vậy, nhưng mỗi đứa tự làm cho riêng mình, nên mỗi chiếc một kích cỡ khác nhau. Đứa nào khéo tay thì sẽ có chiếc đèn đẹp mắt và cân đối, còn đứa nào không có hoa tay thì chiếc đèn sẽ hơi méo mó, xộc xệch. Ấy vậy mà khi đêm về, nến được thắp lên cái nào cũng rực rỡ lung linh…

Nhớ có mùa Trung thu trước đó khoảng tuần lễ cô giáo ra đề thủ công làm đèn lồng để chấm điểm. Thế là ba chị em tôi và đám bạn thân lại xúm xít tụ hội cả mấy ngày cho công việc này. Bởi nhà tôi nguyên liệu tre đã sẵn, thêm nữa năm nào ba tôi cũng sẵn lòng dành thời gian hỗ trợ công đoạn vót nan, rồi kể những câu chuyện Trung thu ngoài Bắc khi nước nhà vừa độc lập, chuyện về Bác Hồ vui tết trẻ thơ, chuyện phá cỗ, chuyện chị Hằng, chú Cuội cung trăng nên đứa nào cũng hứng chí mùa Trung thu là rủ rê tụ tập.

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, từ việc làm đèn ông sao, ba kể về tích tuồng hát bài với những câu như nằm lòng mỗi trẻ thơ dịp tết Trung thu về:"Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu. Cán cây rất dài cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan!..."

Theo lời ba, bài hát "Chiếc đèn ông sao" do nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác. Đây là một trong những bài hát viết cho thiếu nhi mà nhạc sỹ tâm đắc nhất bởi nó đã vượt thử thách thời gian, không gian, vượt qua cả biên giới đất nước. "Chiếc đèn ông sao" được nhạc sỹ Phạm Tuyên viết năm 1956 khi đang là giảng viên dạy nhạc tại Khu học xá Trung ương thuộc tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc. Ở đây, nhạc sỹ đã gặp gỡ nhiều em học sinh miền Nam học tập tại đó. Thời ấy, hai miền của đất nước ta vẫn còn bị chia cắt và cứ đến Trung thu, các em học sinh đều hướng về miền Nam nên biểu tượng ông sao trong bài hát mà ông viết cũng là biểu tượng cờ đỏ sao vàng tổ quốc…

Những chiếc đèn ông sao lung linh, rồi tiếng trống múa lân thùng thình thùng thình như còn vang mãi trong ký ức tuổi thơ tôi trong đầy ắp tiếng cười hồn nhiên tuổi nhỏ. Khi ánh trăng đã lên cao, đám trẻ chúng tôi lại í ới gọi nhau ùa ra đường để rước đèn. Đứa cầm đèn ông sao, đứa cầm đèn lồng, đứa đánh trống, đứa múa quạt rộn cả con đường đầy rơm rạ, loang loáng ánh trăng vàng tươi ngon như màu quả cam vừa chín tới.

Quy luật tất yếu, Tết Trung thu ngày nay đã có thật nhiều thay đổi so với trước. Nhưng dù ở thời đại nào, ngày rằm tháng tám vẫn mãi là những hồi ức đẹp đẽ về tuổi thơ của tôi. Vào những ngày rằm tháng tám ấy, đám trẻ chúng tôi vui Trung thu bằng tất cả háo hức, tình yêu khi được đón cái tết mà cả người lớn và đất trời như chỉ để dành cho con trẻ.

Tạp bút: Võ Văn Trường

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nho-nhung-tet-trang-ram-post284071.html