Nhớ những mùa Tết vô ưu

Mỗi khi cận Tết, tôi chợt rưng rưng thầm hỏi, bao giờ cho đến Tết xưa... Ngày ấy, Tết của tôi thật vô ưu với tình yêu thương ấm áp của cha mẹ và anh trai.

Cứ độ sau rằm tháng Chạp, mẹ tôi đã bắt đầu rậm rịch chuẩn bị dần cho Tết. Tôi lớn lên trong thời bao cấp. Vậy nên, ấn tượng nhất với tôi là ngày mẹ đi xếp hàng từ sáng sớm để mua túi quà Tết. Chiều muộn, khi mẹ trở về, anh em tôi như thấy Tết đang hiện hữu trong nhà. Tôi còn nhớ, túi quà Tết ngày ấy có đầy đủ trà, rượu, mứt, kẹo, thuốc lá, bóng, miến, nấm hương... Anh em tôi cứ ngắm nghía từng món đồ mẹ dỡ ra.

Tết đầu tiên xa nhà, chiều 23 tháng Chạp, tôi nhớ quay quắt góc bếp của mẹ với mâm cúng ông Công ông Táo. Lòng cứ băn khoăn, giờ này, không biết mẹ đã cúng xong chưa? Ai đi thả cá chép giúp cho mẹ? Ngày xưa, mỗi khi hoàn tất thủ tục cúng ông Công ông Táo, bao giờ anh em tôi cũng xin mẹ được đi thả cá. Anh trai thường đèo tôi lên thả cá trên mạn hồ Tây. Chiều giáp Tết mưa lay phay, anh ngoái lại bảo em gái nhỏ: “Nhớ trùm mũ, quàng khăn kín vào đấy, kẻo lát về mà sụt sịt mẹ lại mắng cho”. Ra đến hồ Tây, anh khẽ khàng đổ cá xuống hồ. Hai anh em đứng dõi theo những chú cá chép vàng ẩn hiện nương theo sóng hồ Tây bơi xa mãi.

Những ngày tiếp sau đó, mẹ tôi tất bật đi làm bánh quy gai ở phố Sinh Từ, mua lá dong, gạo nếp, xếp hàng mua thịt gói bánh chưng. Có những năm, cơ quan của bố tôi mổ lợn. Anh em tôi háo hức chờ bố trở về vào buổi chiều với một túi nặng các loại thịt, xương sườn được chia. Đặc biệt, thế nào bố cũng lấy phần cho chúng tôi một ít lòng lợn đã luộc sẵn. Mẹ tôi lại mải miết sơ chế và phân loại thịt nào nấu món gì.

Có lẽ, trong chuỗi ngày chuẩn bị Tết, gói bánh chưng là vui nhất. Các bà các mẹ rủ nhau ra rửa lá dong, đãi đỗ, vo gạo ở máy nước công cộng, chuyện trò rôm rả. Tối về, lũ trẻ chúng tôi lau lá, phụ giúp bố mẹ những việc lặt vặt. Khi đỗ đã được đồ chín và nắm thành từng nắm nhỏ, thế nào tôi cũng “xí phần” vét chõ. Bố tôi ngồi tỉ mẩn tước lá, chẻ lạt trong khi mẹ ướp thịt gói bánh. Mùi hạt tiêu, nước mắm ngon ướp với thịt ba chỉ thơm nức. Bố tôi gói bánh nhanh và chắc tay, chỉ một loáng đã xong. Năm nào bố cũng gói cho anh em tôi mấy cái bánh chưng nhỏ xinh xắn và được xếp phía trên nồi luộc. Bánh gói xong được xếp vào nồi to và bắc lên bếp đun. Nồi bánh chưng sôi lịch xịch... lịch xịch phả hương thơm của gạo nếp, lá dong ra không gian xung quanh. Đêm muộn, anh em tôi chìm trong giấc ngủ gần bếp lửa hồng và bố mẹ vẫn thức trông nồi bánh chưng ngay bên cạnh. Cảm giác đó thật bình yên xiết bao.

Những ngày giáp Tết, chỉ ước sao được một lần trở lại thuở ấu thơ, cả nhà quây quần ấm áp bên mâm cơm tất niên chiều 30 với các món cổ truyền mẹ nấu thật ngon. Đêm giao thừa, nhớ dáng cha vững chãi ôm con gái nhỏ vào lòng khi anh trai đốt pháo nổ ròn rã. Mùi khói pháo thơm thơm quyện lẫn hương trầm ngan ngát trong gió xuân ghi dấu thật đặc biệt trong tâm trí tôi.

Sáng mồng một là ngày trẻ con chúng tôi mong chờ nhất của năm. Anh em chúng tôi xúng xính trong quần áo mới, được bố mẹ mừng tuổi, chúc những điều tốt lành. Những đóa hoa lay-ơn, thược dược, vi-ô-lét trên bàn phòng khách đua nhau khoe sắc rạng rỡ như nụ cười của cha mẹ. Chúng tôi hớn hở, vui sướng chạy đi chơi với các bạn hàng xóm. Đến giờ, tôi vẫn nhớ những tiếng cười trong trẻo như giọt nắng xuân ngày ấy.

Dẫu đi qua bao năm tháng, nhưng trong ngăn ký ức của tôi luôn cất giữ một vài mảnh ký ức ngọt ngào, ấm áp của những mùa Tết xưa... mùa Tết vô ưu.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nho-nhung-mua-tet-vo-uu-227758.html