Nhớ một 'công việc quan trọng' thời kháng chiến

Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.

Tôi lại nhớ về những ngày cùng anh em làm ra những tờ truyền đơn, áp phích.

Để kịp thời tuyên truyền, vận động người dân trong vùng địch tạm chiếm trước ngày 30-4-1975, An Khê là một trong những địa phương được tỉnh Gia Lai “đặc cách” cho phép tự “sản xuất” truyền đơn, áp phích, biểu ngữ... chuyển cho cơ sở cách mạng trong vùng địch và các đội công tác ở phía trước thực hiện. Nội dung truyền đơn, áp phích chủ yếu là ghi lại từ các buổi phát thanh đọc tin chậm trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Giải phóng hoặc trích nhân bản từ các tài liệu của cấp trên khi được cho phép, như tin chiến thắng trên các mặt trận, các khẩu hiệu chống chiến tranh, nhất là những sự kiện, việc làm của đối phương như bầu cử, chiến dịch đôn quân, bắt lính, càn quét, ném bom, cướp phá tài sản của Nhân dân; khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền về các ngày lễ của cách mạng như thành lập Đảng, thành lập nước, ngày sinh của các nhà lãnh tụ của Đảng, của Mặt trận; kêu gọi binh lính, tề ngụy rời bỏ hàng ngũ địch trở về với gia đình; đôi khi có những truyền đơn chỉ đích danh những tên ác ôn, thám báo hung hăng chống phá cách mạng, làm cho chúng lo sợ đến tính mạng bị cách mạng xử lý mà bớt đi sự tàn ác với Nhân dân... Nói chung là nội dung rất đa dạng, phong phú. Các nội dung ghi tin chậm hoặc trích dẫn tài liệu, trước khi đưa in, chúng tôi trình các đồng chí lãnh đạo duyệt, đảm bảo chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ của đa số người dân.

Đó là về nội dung. Còn kỹ thuật ấn loát mới là điều gian khó trong điều kiện thiếu thốn vô cùng, từ giấy, mực in, mực viết mẫu, dụng cụ in, người viết chữ ngược trên bản đá... Trước tiên nói về người chuyên viết chữ ngược trên bản đá. Anh Lê Thanh Hiển (Thánh) khi đó là Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng K8. Chữ anh rất đẹp, viết ngược càng đẹp hơn. Khi viết ngược để in là phải nắn nót cẩn thận, chữ phải rõ nét để khi in không bị mờ, nhòe và in được nhiều bản. Anh dạy cho tôi, những tưởng khó mà thành công, điều anh không ngờ là chuyện viết chữ ngược lại là... năng khiếu của tôi. Học anh vài tuần, tôi đã tự mình làm được việc khó khăn nhất trong khâu in ấn bằng công nghệ li tô, một công nghệ của thời tiền phát triển của ngành in hàng trăm năm trước.

Mực để viết lên bản đá là loại mực đặc biệt, không đâu bán loại mực này, chúng tôi phải tự pha chế bằng công thức riêng của mình. Chúng tôi phải làm thí nghiệm qua hàng chục lần mới có được công thức pha chế ổn định. Bút để viết là loại ngòi bút lá tre của học trò lớp 1, lớp 2 dùng tập viết. Mực in cũng vậy. Chúng tôi tìm những “nguyên, vật liệu” sẵn có từ rừng và phế thải quanh ta như dầu rái, tranh và lốp xe đạp, xe ô tô đốt lấy tro, những nguyên liệu rừng không thể có, chúng tôi phải gửi mua từ trong vùng địch tạm chiếm như xà phòng loại tốt, mực tạo màu (vàng, đỏ) là loại bột màu dùng để quét màu ve cho tường nhà. Mỗi lần làm “bản kẽm” như vậy, chỉ in được 500-600 tờ sản phẩm 2 mặt thì phải làm lại từ đầu, nếu người có tính nóng vội, không chịu khó, tỉ mẩn và kiên trì khó có thể hoàn thành công việc được giao.

Công việc viết băng rôn trên vải cũng không hề dễ, vải phải là loại tốt, không loang ra khi viết, sơn cũng là loại tốt, đảm bảo không nhòe, không nhạt màu khi treo/giăng ngoài trời. Nhiều lúc hết cọ lông, chúng tôi lại sáng kiến... bằng cách chặt những đoạn mây, song, tre, nứa đập dập làm cọ để viết. Nội dung của những băng rôn cũng tương tự như nội dung của các tờ áp phích, ngắn gọn, dễ hiểu; chữ viết nét phải to, đậm, phông chữ cũng rất... bình dân. Có khi “đứt hàng” sơn, chúng tôi phải làm bằng cách cắt chữ giấy, dán lên vải. Cách này tuy dễ làm, nhưng độ bền không lâu, khi treo ra ngoài trời, gặp gió, mưa sẽ bị trôi chữ, mất nét, người đọc khó nhận ra nội dung... Chỉ có dùng sơn viết lên vải là tốt nhất.

Người “sản xuất” ra các tài liệu tuyên truyền như nói trên đã khổ cực, nhưng đến khi để sản phẩm ấy đến được với công chúng trong vùng địch hậu lại là một công việc gian nan gấp bội, có thể bị đối phương bắt bớ, tù đày, thậm chí là hy sinh tính mạng, nếu sơ suất để địch phát hiện khi cơ sở của ta hoặc cán bộ các đội công tác thực hiện nhiệm vụ. Chị Văn Thị Ngọc đã có lần tâm sự với chúng tôi: Khi truyền đơn, áp phích, khẩu hiệu, băng rôn được tung ra trong vùng địch kiểm soát, bà con ta vui mừng phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Ngược lại, kẻ địch hoang mang lo sợ, chúng ra sức thu gom, phá, gỡ bỏ áp phích, băng rôn, có lúc chúng dùng cả trung liên, M79, lựu đạn để bắn phá những băng rôn, khẩu hiệu, không dám đến gần, sợ ta gài mìn, lựu đạn trên đó.

Công việc có tính chất quan trọng và khó khăn như vậy, song những người như chúng tôi, khi được giao nhiệm vụ thì cảm thấy vui mừng và tự hào lắm. Đầu năm 1974, tôi bàn giao công việc lại cho anh Huỳnh Văn Vang. Sau ngày giải phóng, tôi trở lại An Khê, hỏi thì được anh Vang cho biết một kho vải, sơn dự trữ để viết băng rôn, khẩu hiệu ở trong rừng đã bị mối xông sạch, dụng cụ làm nghề như bảng đá, ru lô các loại, các vật tư in ấn đã bị hư hỏng và thất lạc hết. Thật đáng tiếc. Cũng là do vui mừng ngày chiến thắng mà quên đi việc trở lại căn cứ để đem về những vật dụng đã một thời giúp mình “hành nghề” góp phần cho công tác cách mạng mau đến ngày thắng lợi.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nho-mot-cong-viec-quan-trong-thoi-khang-chien-post273024.html