Nhớ mãi bài học của thầy!

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Tôi may mắn được dự một lớp học ngắn ngày tạo nguồn cán bộ do các thầy người Nga giảng dạy năm 1980. Tôi đặc biệt thích thú với 'cua giảng' của GS. A.I. Panốp gồm 10 bài, trong đó có: Người lãnh đạo trong hệ thống quản lý; Tổ chức lao động của người quản lý; Người lãnh đạo và chính sách cán bộ... Xin lược lại nội dung một tiết giảng mà tôi tâm đắc, ấn tượng mãi cho tới bây giờ, đó là Tâm lý nhân cách.

GS. A.I. Panốp cho biết, nhà sinh lý học Xôviết Pavlov căn cứ vào 2 quá trình hoạt động thần kinh hưng phấnức chế của con người có mức độ khác nhau (mạnh - yếu; cân bằng - không cân bằng; trội hơn - yếu hơn; linh hoạt - kém linh hoạt…) mà phân chia thành 4 loại khí chất (4 loại người).

Khí chất Khôleric (mạnh mẽ)

Đây là loại người có hoạt động thần kinh mạnh và rất linh hoạt, nhưng quá trình hưng phấn lại mạnh hơn quá trình ức chế nên tính cách có những nét riêng. Người có quá trình hưng phấn mạnh hơn quá trình ức chế thường không nén được mình. Pie đệ nhất của nước Nga thế kỷ XVII có người bạn rất thân tên là Mensickop. Một lần Mensickop lấy trộm vàng trong kho báu của nhà vua, Pie đệ nhất nổi nóng đánh bạn dã man. Hay để bảo vệ môi trường, Pie ra lệnh, ai vứt phân, rác xuống sông, dù có tước hiệu gì đi nữa, đều bị đánh bằng gậy và đày đi làm khổ sai... Sau này, C. Mác đánh giá: “Ông (Pie đệ nhất) đấu tranh chống lại sự dã man tàn bạo bằng chính sự dã man tàn bạo”.

Người lãnh đạo có khí chất mạnh mẽ chỉ thích hợp trong những công việc mới bắt đầu, đòi hỏi phải xông xáo như xây dựng một khu kinh tế mới ở vùng đất mới khai hoang hay xây dựng một khu công nghiệp mới. Nghĩa là họ chỉ thích hợp với những công việc vừa khai trương, bởi vì trong những trường hợp đó, người ta dễ bỏ qua tính nỏng nảy, không tự kiềm chế được mình của người lãnh đạo. Còn khi công việc đã đi vào ổn định thì khí chất đó sẽ cản trở người lãnh đạo hoàn thành công việc.

Khí chất Xangvenhic (vui vẻ, hoạt bát)

Là người có hệ thần kinh mạnh, quá trình hưng phấn và ức chế linh hoạt, khá cân bằng. Thông thường họ lanh lợi, nhanh chóng tìm ra phương án giải quyết công việc khi gặp khó khăn. Họ yêu đời, lạc quan, luôn sống với những sự kiện xảy ra xung quanh.

Lênin là người có nhiều nét của khí chất này, luôn tỏ ra nhanh nhẹn và hoạt bát. Khi chọn thời điểm bắt đầu khởi nghĩa vũ trang, Người nói với cộng sự: “Hôm nay thì còn sớm, mai thì đã muộn. Vậy là phải hành động ngay đêm nay”. Hoặc khi đưa ra chính sách kinh tế mới, Lênin quyết định lùi một bước để tiến hai bước... Đó là ví dụ cho trí tuệ, mức độ nhạy cảm, linh hoạt của một vị lãnh tụ.

Gagarin - nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Trái Đất cũng có khí chất Xangvenhic, có khả năng thực hiện những công việc lớn lao, nhưng anh chỉ thích những công việc thú vị. Sau khi bay vào vũ trụ, Gagarin học ở Học viện Không quân. Khi đó anh như chiếc máy báo hiệu mức độ hay - dở của bài giảng. Bài nào hay thì anh nghe chăm chú, bài nào kém thú vị thì anh như ngủ gật. Lớp học chỉ 20 người nên giáo sư phát hiện ra ngay và hỏi, đồng chí Gagarin ngủ đấy à? Gagarin tỉnh ngay lập tức, mỉm cười và trả lời: “Tôi đang nghe đồng chí rất chăm chú đấy chứ”. Ví dụ này nói lên sự linh hoạt, nhanh nhẹn của người có tính khí vui vẻ, hoạt bát.

Khí chất Phờlegmatius (đĩnh đạc)

Đó là những người cũng có hệ thần kinh mạnh, quá trình hưng phấn và ức chế cũng cân bằng, nhưng quá trình thần kinh không linh hoạt như người vui vẻ, hoạt bát. Đó thường là những người đĩnh đạc, đường bệ, không dễ bắt chuyện. Họ chắc chắn, bền bỉ trong công việc, ngay cả những việc đơn điệu cũng vậy. Pavlov gọi họ là những người lao động của cuộc sống.

Chẳng hạn, năm 1812 quân Pháp do Napoleon chỉ huy tiến vào đất Nga. Trong trận Borodino cách Moscow khoảng 150km, quân Pháp không thể đánh bại được quân Nga, nhưng sau ngày giao chiến đầu tiên quân Nga đã bị kiệt sức. Hội đồng quân sự họp bàn, nên để ngỏ Moscow cho quân Pháp và rút lui hay tiếp tục đánh ngày hôm sau. Tướng lĩnh tranh cãi dữ dội, đa số đòi tiếp tục chiến đấu. Bản thân Kutuzov - viên tướng Nga nổi tiếng - thì như ngủ gật suốt buổi họp, nhưng sau đó ông điểm lại hết ý kiến các tướng lĩnh và tuyên bố: “Bỏ ngỏ”!

Kutuzov quyết định bỏ ngỏ Moscow với tính toán rằng, nếu tiếp tục chiến đấu thì quân Nga sẽ bị tiêu diệt, nghĩa là bại trận. Vì vậy, cần rút lui để củng cố lực lượng, còn quân Pháp đông như thế chắc chắn sẽ không trụ nổi dài ngày với cái giá lạnh mùa đông Nga. Thực tế đúng như vậy, quân Pháp dấn sâu vào đất Nga, không sao tiếp tế kịp lương thảo, đạn dược, thuốc men... 3 tháng sau Borodino, quân Pháp bị quân Nga đánh tan tác.

Ví dụ này cho thấy, người đĩnh đạc rất ít chịu ảnh hưởng của trạng thái tình cảm, tinh thần, hay xu thế “đám đông”. Họ luôn cân nhắc mọi vấn đề rất kỹ lưỡng. Nếu người quá mạnh mẽ, quá trình hưng phấn mạnh hơn quá trình ức chế, khó tự chủ được bản thân, thì người đĩnh đạc không bao giờ lâm vào tình trạng mất tự chủ như vậy.

Khí chất Melakhôric (trầm tính)

Đó là những người có hệ thần kinh yếu, khó thích nghi với môi trường xã hội mới, nhưng họ lại thường là những người nhạy cảm. Họ được ví như loài hoa xấu hổ. Ở Nga, người ta thường lấy ví dụ nhạc sĩ Tchaikovsky, nhà văn Gogol... là Melakhôric.

Chúng ta không thể đánh giá giá trị xã hội của một con người qua khí chất của họ. Xét về mặt xã hội, với bất cứ khí chất nào con người đều có thể trở thành tốt hoặc xấu. Quan trọng là sử dụng họ vào việc gì, hoàn cảnh nào.

Họa sĩ Dixtrup từng vẽ về cách xử sự của 3 loại người có tính cách khác nhau trong cùng một tình huống: chiếc mũ để trên ghế bị người nào đó vô tình ngồi lên bẹp dúm.

Bức thứ nhất vẽ người có khí chất mạnh mẽ, cục cằn, người này túm lấy ngực áo người ngồi lên mũ thoi cho một cú trời giáng.

Bức thứ hai vẽ người đĩnh đạc, người này bình thản nắn lại chiếc mũ rồi đội lên đầu và nghĩ rằng, mũ mình đội đã lâu, họ sơ ý tý thôi, việc gì phải làm ầm lên.

Bức thứ ba vẽ người vui vẻ, hoạt bát, anh ta có vẻ vui vui và nghĩ rằng, mọi người sẽ buồn cười khi thấy mình đội chiếc mũ bẹp dúm, hệt như thằng hề...

Chúng ta ít khi thấy khí chất được biểu hiện một cách rõ ràng, “nguyên chất”, mà thường gặp hơn cả là các khí chất pha trộn với nhau. Mặt khác, tính cách con người biến đổi trong quá trình tiếp nhận giáo dục và giao tiếp xã hội. “Nếu con người với tư cách là một cá nhân chỉ một lần được sinh ra thì nhân cách lại được sinh ra hai lần”. Nhưng cần lưu ý, khí chất bẩm sinh thường thể hiện trong những tình huống bất ngờ, đặc biệt.

Có thể người ta không muốn nhận người trầm tính làm các nghề phi công, du hành vũ trụ, những công việc căng thẳng; thế nhưng những người này lại rất thích hợp với các ngành nghệ thuật, rất nhiều nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ... có khí chất này. Do có tính nhạy cảm vượt trội nên họ có khả năng phản ánh một cách tinh tế cảm xúc của người khác, vẻ đẹp thiên nhiên, vẽ nên những bức tranh, viết ra những nhạc phẩm rung động lòng người...

Trong quản lý, lãnh đạo, hiểu được tâm lý, tính cách con người sẽ góp phần sử dụng hiệu quả khả năng, năng lực tiềm tàng của cán bộ, nhân viên.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/nho-mai-bai-hoc-cua-thay--i350680/