Nhớ hoài cảnh tát mương ăn Tết

Tôi được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Quê hương tôi có dòng sông Cái Lớn hiền hòa chảy qua và những nhánh sông quê mang nước ngọt đến ruộng đồng.

Gia đình tôi ngày tết

Gia đình tôi bao năm vẫn gắn bó với cây lúa. Thế nhưng, khi lớn lên, anh em chúng tôi rời xa quê tìm đến chốn thị thành để bắt đầu cuộc hành trình mưu sinh. Giữa những vòng xoáy của bộn bề lo toan, chỉ có những dịp lễ, tết, anh em chúng tôi mới có nhiều thời gian trở về mái nhà xưa. Đặc biệt, trong ngày tết cổ truyền, gia đình mới tụ họp đông đủ. Với chúng tôi - những người xa quê, Tết không chỉ để sum họp, đoàn viên mà còn để hoài niệm về những ký ức xa xưa. Ký ức ngày tết ở quê vẫn hằn sâu trong tâm trí của tôi. Tôi nhớ nhất không khí tát mương bắt cá để ăn tết. Hồi còn nhỏ sống ở quê, cứ vào độ gần tết là xóm tôi lại rộn ràng lắm.

Khoảng sân trước nhà ngày tết

Nhà tôi cũng như nhiều nhà khác ở quê. Phía sau nhà là những cái mương đào ngang, dọc rồi đến ruộng lúa. Thời đó, sau nhà tôi có đến ba cái mương nằm ngang và một mương được xẻ dọc và thông ra con sông trước nhà để lấy nước cho đồng ruộng. Dưới những con mương, má tôi hay vớt lục bình dưới sông thả vào và bỏ nhánh cây xuống để làm nơi trú ngụ cho cá.

Thông thường, vừa qua lối mùng của tháng giêng là quê tôi lại bắt đầu thu hoạch vụ Đông Xuân. Vì vậy, trước tết, nước trên ruộng được rút ra. Khi đó, cá lại bắt đầu dồn xuống các mương.

Những ngày giáp Tết, bọn trẻ như chúng tôi ngày ấy lại đi hết nhà này đến nhà khác để coi cảnh tát mương, bắt cá. Còn người lớn thì cũng đi tát mương dần công cho nhau. Tình làng nghĩa xóm là vậy.

Đến lượt nhà mình tát mương thì lòng tôi lại càng nôn nao. Vào khoảng 26, 27 Tết, ba và anh tôi lại bắt đầu be bờ cho chắc chắn để chuẩn bị tát. Hồi xưa, chủ yếu tát mương bằng những chiếc gàu giai hay dùng xô thùng nên vất vả lắm. Nhà nào có điều kiện thì dùng máy để bơm nước ra.

Ngồi trên bờ nhưng mong tát nhanh cạn để xem cá nhiều hay ít. Đôi khi chờ lâu quá chỉ mong ước nhà có máy để tát cho nhanh như nhà của bác ở cạnh bên. Rồi những khi thấy cá nổi đầu là tôi lại la lên trong niềm phấn khích.

Khi cá được bắt xong thì ba sẽ đem lên bờ và rửa sạch. Lúc đó, má tôi cũng bắt đầu phân loại và đem đi gọng cá để ăn dần trong ngày tết. Ngoài ra, má còn lựa ít cá để cho những người tát mương tiếp và người quen.

Cá lóc nướng

Ba tôi cùng với những người tát mương tiếp sau khi tắm rửa xong thì cũng là lúc má đã nhuốm lửa nướng vài con cá để cho mọi người nhâm nhi bên ly rượu. Và câu chuyện của họ cũng chỉ xoay quanh về chuyện năm nay cá nhiều hay ít, có nhiều con cá to hay không, rồi đến chuyện sắm tết. Chỉ có thế nhưng cũng đủ làm nên một mùa xuân đầm ấm mà yên vui nơi xóm làng.

Hồi trước, cá đồng còn nhiều lắm, chỉ cần tát một hai cái mương là cá đủ ăn cho một cái tết. Vì thế, trong mâm cơm ngày tết, ngoài những món ăn như thịt kho tàu, dưa cải, dưa hành thì không thể thiếu các món cá, đặc biệt là món cá nướng trui.

Bây giờ, những cái mương sau nhà đã được ba tôi san bằng để làm ruộng. Và cũng từ khi anh em chúng tôi đi làm ăn xa thì cũng không còn tát mương bắt cá để dành ăn tết. Dù vậy, trong ngày tết mâm cơm của gia đình vẫn không thể thiếu các món ăn từ cá. Nhìn dĩa cá lóc nướng trui trên mâm cơm, tôi nói trong niềm nuối tiếc: phải được cá lóc đồng nướng mới ngon ha má. Nhớ hồi đó, tết năm nào nhà mình tát mương thiếu gì cá đồng để ăn.

Khi ấy, má tôi lại bảo: Bây giờ cá đồng hiếm lắm, với lại gần tết rất khó mua. Xóm mình giờ có nhà nào còn tát mương dịp Tết đâu con.

Má vừa dứt lời thì chị tôi lên tiếng: Tết năm sau, má kêu con Thủy về nhà sớm sớm đi để tát mương bắt cá he má. Vừa có cá ăn tết, vừa cho nó có cơ hội ôn lại kỷ niệm xưa.

Giờ mỗi dịp tết đến xuân về, anh em chúng tôi lại có thời gian để trở về dưới mái nhà xưa, về với ba má. Khi những thứ qua đi và trở thành quá khứ thì ta mới có cơ hội để hoài niệm về nó. Trong câu chuyện của ngày tết, gia đình tôi luôn nhắc về kỷ niệm của một thời tát mương, bắt cá. Và biết tìm đâu ký ức đẹp này, bởi vậy lòng bồi hồi hoài niệm về cảnh xưa với hình ảnh của chiếc gàu giai in dấu của thời gian.

Và với những ai từng sinh ra, lớn lên ở miền Tây này thì không xa lạ gì với cảnh tát mương ăn tết. Dẫu giản đơn nhưng lại là nét đẹp văn hóa và góp phần hun đúc thêm tình làng nghĩa xóm. Ngày nay, dẫu tết có đầy đủ nhưng trong lòng của nhiều người vẫn còn hoài niệm về ký ức đẹp của những ngày tát mương ăn tết.

THU THỦY

Huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nho-hoai-canh-tat-muong-an-tet-post723762.html