Nhổ 14 chiếc răng của kỹ sư công nghệ thông tin để ép viết phần mềm đánh bạc

Chủ tọa hỏi bị cáo: ''Con người với con người mà đối xử với nhau như thế à?''. Trước câu hỏi này, bị cáo Kiệm nói ''bị cáo nghĩ A Tiêu là người chỉ đạo nên không nghĩ bị cáo sẽ bị như thế này''.

Ngày 17-8, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong hành hạ dã man một người nước ngoài để ép phải viết phần mềm đánh bạc trên mạng.

HĐXX tuyên phạt Vương Văn Kiệm 24 năm tù, Phạm Văn Huấn 22 năm tù, Lý Văn Hoàng 12 năm tù về hai tội bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích.

HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo man rợ, tàn bạo mất nhân tính, gây phẫn nộ cho quần chúng nhân dân và cần phải xử phạt nghiêm khắc.

Nạn nhân không yêu cầu bồi thường nhưng xét hành vi của các bị cáo gây hậu quả khôn lường về tinh thần, nên HĐXX dành quyền khởi kiện cho bị hại trong vụ án dân sự khác khi có yêu cầu.

Các bị cáo Vương Văn Kiệm, Phạm Văn Huấn, Lý Văn Hoàng (từ trái qua phải). Ảnh: CTV

Bắt người ép viết phần mềm đánh bạc

Theo nội dung vụ án được HĐXX xác định: Ngày 12-7-2022, Công an huyện Thanh Oai nhận được thông tin về việc có một công dân Trung Quốc đang bị bắt giữ trái pháp luật trên địa bàn.

Sau khi rà soát, xác minh, 21 giờ 30 ngày 14-7-2022, lực lượng công an kiểm tra và phát hiện, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Huấn, Hoàng về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật.

Tại CQĐT, các Huấn, Hoàng đã khai ra hành vi bắt giữ rồi hành hạ, tra tấn người dã man khủng khiếp.

Cụ thể, anh Fang Lijing, quốc tịch Trung Quốc, là người hoạt động trong lĩnh vực viết phần mềm trò chơi trên mạng Internet. Từ cuối năm 2019, do việc kinh doanh tại Trung Quốc gặp khó khăn, anh Fang Lijing nảy sinh ý định nhập cảnh Việt Nam để tìm đối tác phát triển thị trường.

Sau khi sang Việt Nam, anh Fang Lijing quen Hoàng Thanh Sơn. Sơn thỏa thuận thuê anh Fang Lijing lập trình tạo ra các trò chơi trên mạng Internet.

Quá trình hợp tác, anh Fang Lijing chưa lập trình được trò chơi nào đi vào hoạt động. Do đó, Sơn nảy sinh ý định bắt giữ để buộc anh Fang Lijing phải thực hiện việc lập trình trò chơi đánh bạc.

Để thực hiện kế hoạch, Sơn liên lạc và thuê Kiệm trông giữ anh Fang Lijing. Kiệm lại thuê Huấn với tiền công là 7 triệu đồng/tháng.

Đến ngày 13-3-2022, Sơn chỉ đạo và cùng Kiệm, Huấn đến chỗ ở và đưa anh Fang Lijing lên , đưa về giữ tại căn hộ 218, tòa nhà HH03D, khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội). Đây là căn hộ do Kiệm thuê.

Tại đây, để ép buộc nạn nhân lập trình trò chơi đánh bạc, Kiệm, Huấn sử dụng tay, chân đấm, đá anh Fang Lijing.

Mấy ngày sau, Sơn đến lắp để giám sát việc Kiệm, Huấn trông giữ nạn nhân.

Thủ đoạn tra tấn người

Tại phiên tòa, khi tranh luận, VKS đã nói các bị cáo có hành vi, thực hiện thủ đoạn tra tấn tàn bạo vô nhân đạo như thời trung cổ, làm nạn nhân gãy 18 xương, nhổ 14 răng.

Kết quả xác định bị cáo Kiệm mua kìm, búa đinh, con dao, máy khoan, dùi cui điện và 1 chiếc loa. Với những dụng cụ này, trong suốt 3 tháng, các bị cáo liên tiếp đánh đập, hành hạ nạn nhân bằng cách thức man rợ, trong đó có việc dùng kìm nhổ 14 chiếc răng của nạn nhân.

Kiệm chỉ đạo Huấn, Hoàng hàng ngày chỉ cho anh Fang Lijing ăn cơm với đậu phụ, không cho ăn thịt, cá và các chất có nhiều .

Quá trình tra tấn anh Fang Lijing, để tránh việc người xung quanh nghe thấy tiếng nạn nhân la hét, các đối tượng dùng loa mở nhạc công suất lớn.

Mặc dù bị tra tấn tàn bạo nhưng anh Fang Lijing vẫn không đồng ý thực hiện việc viết phần mềm trò chơi đánh bạc trên mạng Internet.

Khi được giải cứu, anh Fang Lijing bị thương tích nhiều vị trí trên cơ thể, sức khỏe yếu, bị tổn hại sức khỏe 88%.

Sơn đang bỏ trốn, CQĐT tách hành vi của bị cáo để xử lý sau.

Được chỉ đạo, không nghĩ sẽ bị ra tòa

Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng khai được Kiệm thuê để nấu ăn và thừa nhận có giữ nạn nhân để các bị cáo khác thực hiện hành vi tra tấn. Bị cáo hiểu là nạn nhân bị bắt giữ để bắt làm game.

''Bị cáo thấy rất dã man'' - bị cáo Hoàng khai. Khi được chủ tọa phiên tòa hỏi về lý do không báo công an, bị cáo Hoàng nói rằng ''nghĩ là làm một tháng rồi nghỉ''.

Tuy nhiên, bị cáo Kiệm khai người thuê bắt giữ nạn nhân là một người Trung Quốc tên là A Tiêu mà không phải là Sơn như lời khai ban đầu tại CQĐT.

Theo lời bị cáo Kiệm, A Tiêu đã 3 lần đưa tiền, tổng cộng 150 triệu đồng.

Chủ tọa hỏi bị cáo: ''Con người với con người mà đối xử với nhau như thế à?''. Trước câu hỏi này, bị cáo Kiệm nói ''bị cáo nghĩ A Tiêu là người chỉ đạo nên không nghĩ bị cáo sẽ bị như thế này''.

Còn khi được hỏi ''bị cáo có thấy hành vi của bản thân dã man không?'', bị cáo Kiệm nói đã ''định không làm rồi nhưng A Tiêu chi tiền bị cáo lại…''.

Nhân thấn xấu của các bị cáo

Bị cáo Kiệm từng 2 lần bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc, cố ý làm hư hỏng tài sản.

Bị cáo Huấn có 3 tiền án đều về tội trộm cắp tài sản; từng bị kết án về tội trộm cắp tài sản, mua bán người, đã được xóa án tích.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nho-14-chiec-rang-cua-ky-su-cong-nghe-thong-tin-de-ep-viet-phan-mem-danh-bac-post747198.html