Nhịp đập năng lượng ngày 4/7/2023

Phụ tải toàn hệ thống điện tiếp tục tăng; Các thành viên OPEC+ nỗ lực thúc đẩy giá dầu; IEA cảnh báo giá năng lượng tăng đột biến trong mùa đông này… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 4/7/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Phụ tải toàn hệ thống điện tiếp tục tăng

Số liệu thống kê từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho thấy, phụ tải toàn hệ thống điện ngày 3/7 đạt 831,8 triệu kWh tăng 75,6 triệu kWh so với ngày 2/7. Trong đó miền Bắc nhu cầu điện ước khoảng 428,4 triệu kWh, tăng khoảng 6 triệu kWh so với ngày 2/7, miền Trung khoảng 79,1 triệu kWh tăng 5,1 triệu kWh, miền Nam khoảng 323,9 triệu kWh tăng 67,3 triệu kWh so với ngày 2/7.

Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) vào lúc 14h00 đạt 41.721,4 MW tăng 33.899,4 MW tăng 7.822 MW so với ngày 2/7. Công suất đỉnh ở miền Nam đạt 17.241,9 MW vào lúc 14h30. Trong khi đó công suất đỉnh ở miền Bắc đạt 20.727,2 MW vào lúc 13h30, ở miền Trung đạt 3.973,2 MW vào lúc 14h00.

Tổng sản lượng huy động từ thủy điện đạt khoảng 225,8 triệu kWh tăng 32 triệu kWh so với ngày 1/7 (miền Bắc là 118,8 triệu kWh tăng 22,1 triệu kWh so với ngày 2/7); Nhiệt điện than huy động 421,4 triệu kWh tăng 20,6 triệu kWh so với ngày 2/7 (miền Bắc đạt 272,1 triệu kWh tăng 9,5 triệu kWh so với ngày 2/7); Turbine khí huy động 76,6 triệu MW; điện năng lượng tái tạo đạt 67,4 triệu kWh. Nguồn điện dầu không phải huy động.

Các thành viên OPEC+ nỗ lực thúc đẩy giá dầu

Saudi Arabia, Nga và Algeria - các thành viên của nhóm Tổ chức Các nước sản xuất dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vừa tuyên bố sẽ cắt giảm thêm sản lượng khai thác hoặc kéo dài biện pháp giảm sản lượng khai thác dầu thô như hiện nay nhằm thúc đẩy giá dầu trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu toàn cầu suy yếu.

Saudi Arabia cho biết sẽ kéo dài việc giảm sản lượng khai thác 1 triệu thùng/ngày sang tháng 8/2023, thay vì kết thúc trong tháng 7/2023 như kế hoạch ban đầu. Đồng thời, nước này để ngỏ khả năng kéo dài việc giảm sản lượng khai thác. Như vậy, sản lượng khai thác của nước này sẽ chỉ còn khoảng 9 triệu thùng/ngày - mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố Nga sẽ giảm xuất khẩu dầu khoảng 500.000 thùng/ngày trong tháng 8/2023. Trước đó, Nga đã cam kết giảm sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày, xuống còn 9,5 triệu thùng/ngày từ tháng 3/2023 cho đến cuối năm 2023. Với tuyên bố mới đưa ra, sản lượng xuất khẩu của nước này có thể chỉ còn khoảng 9 triệu thùng/ngày.

Bộ Năng lượng Algeria cũng cho biết nước này sẽ giảm sản lượng khai thác thêm 20.000 thùng/ngày trong tháng 8/2023 để ủng hộ nỗ lực cân bằng thị trường dầu mỏ của Saudi Arabia và Nga.

IEA cảnh báo giá năng lượng tăng đột biến trong mùa đông này

Ông Fatih Birol - người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo giá năng lượng có thể tăng trở lại vào mùa đông này. Theo ông Birol, nếu sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch tăng tốc vào cuối năm nay và mùa đông ở Bắc bán cầu khắc nghiệt hơn năm ngoái, thì giá cả sẽ tăng. Nếu điều đó xảy ra, các chính phủ sẽ cần phải vào cuộc một lần nữa, đồng thời với việc cung cấp các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp và hộ gia đình.

"Trong một kịch bản mà nền kinh tế Trung Quốc rất mạnh, mua nhiều năng lượng từ thị trường và mùa đông khắc nghiệt, chúng ta có thể thấy áp lực tăng giá mạnh đối với giá khí đốt tự nhiên, do đó sẽ tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng, ông Fatih Birol nói với BBC. Hơn nữa, ông Birol cho biết không thể loại trừ khả năng mất điện vào mùa đông, đó có thể là “một phần của trò chơi”.

Tháng trước, ông Klaus Mueller - người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng của Đức đã đưa ra cảnh báo tương tự cho mùa đông 2023/24. Phát biểu trước truyền thông địa phương, ông Mueller cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn chưa kết thúc và nếu mùa đông lạnh giá, nguồn cung có thể thiếu cầu.

Chủ tịch COP28 cam kết tăng sản lượng nhiên liệu tái tạo

Ngày 3/7, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - nước chủ nhà Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, cho biết sẽ tăng gấp 3 sản lượng sản xuất năng lượng tái tạo. UAE coi đây là một phần của hàng loạt sáng kiến nhằm bảo vệ môi trường của nước này.

Phát biểu sau một cuộc họp nội các, Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum cho biết các bộ trưởng đã thông qua bản cập nhật của "chiến lược quốc gia về năng lượng" nhằm tăng gấp 3 nguồn cung năng lượng tái tạo trong vòng 7 năm tới. Chiến lược sẽ giúp UAE đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng gia tăng. Để triển khai chiến lược, ước tính cần đến 200 tỷ dirham (tương đương khoảng 54 tỷ USD).

UAE cũng đã công bố các chiến lược quốc gia về sản xuất xe chạy bằng hydro và bằng điện. Chiến lược này nhằm củng cố vị thế của UAE là một nước sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen phát thải thấp trong vòng 8 năm tới thông qua việc phát triển các chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và thiết lập trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Ấn Độ nhập kỷ lục dầu Nga

Lượng dầu Nga chảy vào Ấn Độ liên tục lập kỷ lục trong những tháng gần đây. Ngoài tiêu thụ trong nước, lượng lớn dầu thô giá rẻ của Nga sẽ được tinh chế thành dầu diesel và bán sang châu Âu với giá cao, theo Bloomberg.

Theo ông Viktor Katona, Trưởng bộ phận Phân tích dầu thô tại hãng dữ liệu Kpler, nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ đã tiếp tục lập đỉnh trong tháng 6 lên mức 2,2 triệu thùng/ngày, ghi nhận tăng tháng thứ 10 liên tiếp. Lượng dầu Nga chảy vào Ấn Độ thậm chí còn lớn hơn tổng lượng dầu nước này mua từ Iraq và Arab Saudi.

Theo dữ liệu từ Kpler, Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (Indian Oil), thuộc sở hữu nhà nước, là khách mua dầu thô lớn nhất của Nga trong hai tháng qua. Đứng ở vị trí thứ 2 là đế chế Reliance Industries của tỷ phú Mukesh Ambani. Không chỉ dầu thô, trong tháng 6, Ấn Độ cũng nhập khẩu kỷ lục 1,5 triệu thùng dầu Urals từ Nga mỗi ngày.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-472023-688712.html