Nhịp đập năng lượng ngày 27/11/2023

Chính sách và pháp lý là rào cản chính cản trở sự phát triển của năng lượng tái tạo ở châu Á; UAE sẽ tăng cường xuất khẩu dầu Murban; Libya cáo buộc các 'ông lớn' dầu mỏ quốc tế trục lợi… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 27/11/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Chính sách và pháp lý là rào cản chính cản trở sự phát triển của năng lượng tái tạo ở châu Á

Theo nghiên cứu mới nhất của công ty kiểm toán EY Singapore, nguồn tài chính sẵn có cho năng lượng tái tạo không được coi là rào cản chính ở hầu hết các nước châu Á. Dữ liệu của báo cáo lấy từ hơn 170 cuộc tham vấn với các nhà phát triển, người cho vay, nhà đầu tư, hiệp hội ngành và tổ chức tài chính phát triển để hiểu rõ hơn về các dự án năng lượng ở 9 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bangladesh và Pakistan.

Báo cáo cũng cho thấy, các nhà đầu tư đang phải đối mặt với việc thiếu các dự án khả thi do những trở ngại về chính sách và quy trình. Các rào cản phi tài chính liên quan đến cấp phép, quy trình phát triển, thu hồi đất, thiếu chuỗi cung ứng địa phương và các yêu cầu về dự án địa phương có tác động dây chuyền đến rủi ro, tiến độ, chi phí và khả năng huy động vốn tổng thể của dự án. Điều này tác động đến chi phí và điều kiện tài trợ, và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của rủi ro, thậm chí có thể hạn chế khả năng tiếp cận nguồn tài chính sẵn có.

Trong tháng 12, Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ thảo luận về mục tiêu tiềm năng nhằm tăng gấp 3 lần công suất lắp đặt năng lượng tái tạo vào năm 2030. Bởi vậy, EY Singapore khuyến nghị các nền kinh tế châu Á nên xem xét các giải pháp tạo ra môi trường chính sách và pháp lý thuận lợi để giải phóng hàng tỷ USD đầu tư nhằm thúc đẩy tiến trình hướng tới các mục tiêu năng lượng tái tạo.

UAE sẽ tăng cường xuất khẩu dầu Murban từ đầu năm sau

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ tăng cường xuất khẩu dầu Murban, loại dầu thô hàng đầu của mình, vào đầu năm 2024 khi hạn ngạch mới của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (gọi chung là OPEC+) có hiệu lực và nhà máy lọc dầu bắt đầu mùa bảo trì, Reuters đưa tin.

Hạn ngạch của UAE theo thỏa thuận OPEC+ dự kiến sẽ tăng 200.000 thùng/ngày (bpd) lên 3,219 triệu thùng/ngày trong tháng 1. Đồng thời, công việc bảo trì tại nhà máy lọc dầu Ruwais công suất 837.000 thùng/ngày của Abu Dhabi có nghĩa là nhu cầu dầu thô trong nước sẽ giảm đi.

Ngoài UAE, các thành viên OPEC là Nigeria và Angola và các nước ngoài OPEC như Mỹ và Brazil cũng dự tính tăng cường nguồn cung các loại dầu ngọt nhẹ. Các yếu tố này đang đè nặng lên giá dầu Brent và West Texas Intermediate (WTI), đồng thời gây áp lực lên giá giao ngay của dầu Murban.

Libya cáo buộc các "ông lớn" dầu mỏ quốc tế trục lợi

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 24/11, Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Mohammed Aoun chỉ ra rằng các công ty dầu mỏ hoạt động trong nước đang tìm cách lợi dụng tình hình chính trị bất ổn của quốc gia này để đàm phán các điều khoản hợp đồng có lợi hơn cho chính họ, làm tổn hại đến lợi ích đất nước ông.

Tình hình này đang làm trì hoãn các kế hoạch phát triển hoạt động dầu mỏ. Ông Mohamed Aoun cho biết: “Hầu hết các công ty dầu mỏ quốc tế đã cam kết thực hiện các dự án cụ thể và đáng tiếc là cho đến nay, họ đã không hành động như đã hứa”.

Trong những tháng gần đây, Chính quyền Libya đã nhiều lần kêu gọi các công ty dầu mỏ đang hoạt động ở Libya tiếp tục hoạt động. Sự phục hồi mà Tripoli (thủ đô Libya) kỳ vọng sẽ đạt sản lượng khoảng 3 triệu thùng/ngày trong vòng 2-3 năm.

Trung Quốc tăng hạn ngạch nhập khẩu dầu nhiên liệu thêm 3 triệu tấn

Trung Quốc đã nâng hạn ngạch nhập khẩu dầu nhiên liệu năm 2023 cho các công ty ngoài quốc doanh thêm 3 triệu tấn, Reuters trích dẫn thông báo do Bộ Thương mại nước này đưa ra hôm 26/11. Hạn ngạch bổ sung nâng tổng lượng nhiên liệu nhập khẩu cho năm 2023 lên 19,2 triệu tấn, tăng từ mức 16,2 triệu tấn được ban hành vào đầu năm.

Theo S&P Global, hạn ngạch nhập khẩu nhiên liệu của Trung Quốc luôn ổn định qua các năm do mức hạn ngạch là quá đủ khi nhu cầu lọc dầu thấp hoặc nhập khẩu dầu thô dồi dào. Nhưng năm nay, do sự kết hợp của giá dầu nhiên liệu thấp từ Nga, lợi nhuận lọc dầu tăng mạnh trong nửa đầu năm và hạn ngạch nhập khẩu dầu thô bị thắt chặt, các nhà máy lọc dầu nhỏ độc lập gần như đã sử dụng hết hạn ngạch nhập khẩu dầu nhiên liệu 16,2 triệu tấn tính đến cuối tháng 10.

Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu 17,38 triệu tấn dầu nhiên liệu trong 9 tháng đầu năm 2023, cao hơn gấp đôi so với 7,65 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Việc nhập khẩu bao gồm các thùng được lưu trong kho ngoại quan, vốn không ảnh hưởng đến hạn ngạch nhập khẩu dầu nhiên liệu.

Petrobras thúc đẩy hoạt động thăm dò trong 5 năm tới

Tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras của Brazil đã lên kế hoạch ngân sách 102 tỷ USD cho 5 năm tới, trong đó phần lớn sẽ được chi cho việc thúc đẩy hoạt động thăm dò dầu khí. Hãng Reuters dẫn một báo cáo về kế hoạch chiến lược mới của Petrobras cho thấy, kế hoạch đầu tư 5 năm tới sẽ tăng 31% so với ngân sách của Petrobras trong 5 năm trước đó.

Chiến lược mới của Petrobras cho thấy công ty nhận thấy triển vọng lạc quan về nhu cầu dầu và khí đốt trong 5 năm tới. Ngoài ra, Giám đốc tài chính Sergio Caetano Leite cũng tiết lộ rằng, một phần đáng kể trong ngân sách sẽ được chi cho các dự án carbon thấp.

Petrobras đặt mục tiêu tăng sản lượng trung bình hàng ngày từ 2,8 triệu thùng dầu tương đương lên 3,2 triệu thùng dầu tương đương vào năm 2028. Các khoản đầu tư vào carbon thấp cũng dự kiến sẽ tăng lên 11,5 tỷ USD, gấp đôi số tiền dự kiến trong kế hoạch trước đây. Số tiền này sẽ được chi cho các dự án khử cacbon trong công ty cũng như các dự án sản xuất năng lượng carbon thấp.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-27112023-700431.html