Nhịp đập năng lượng ngày 25/6/2023

Bộ Công Thương đốc thúc tiến độ 13 dự án nhiệt điện khí LNG; Nhiều dự án năng lượng đầu tư vào Quảng Bình; Giá dầu Trung Đông tăng vọt nhờ sức mua mạnh mẽ từ châu Á… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 25/6/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Bộ Công Thương đốc thúc tiến độ 13 dự án nhiệt điện khí LNG

Nhằm ứng phó với nguy cơ thiếu điện xảy ra, chiều 24/6, Bộ trưởng Công Thương tổ chức họp với 10 tỉnh có điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Bạc Liêu.

Tại thông báo kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương đề nghị tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí LNG đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với các dự án đã có chủ đầu tư, các địa phương tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhà đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

Nhiều dự án năng lượng đầu tư vào Quảng Bình

29 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 112.200 tỷ đồng đã được trao tại “Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023” ngày 25/6.

Đây là những dự án tập trung trong các lĩnh vực Quảng Bình ưu tiên thu hút đầu tư như hạ tầng, thể thao du lịch, công nghiệp - khoáng sản và bất động sản… với kỳ vọng tạo ra “cú huých” để đưa Quảng Bình trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây (hướng ra biển).

Đáng chú ý, trong số 29 MOU được ký kết lần này có nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng với số vốn đầu tư lớn. Điển hình như Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với công suất 1.500 MW sử dụng LNG, hệ thống cảng và kho lưu trữ khí LNG với tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng; Dự án khai thác điện mặt trời trên mặt kênh hồ thủy lợi và khai thác tiềm năng thủy điện từ hồ thủy lợi của Tổng công ty Cơ điện Xây dựng với số vốn dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng; Dự án nhà máy điện mặt trời Doh-wa Lệ Thủy (giai đoạn 2) với vốn dự kiến 650 tỷ đồng.

Cung cấp điện ở miền Bắc được đảm bảo

Theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), từ ngày 23/6, hệ thống điện miền Bắc cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện do lượng nước đổ về các hồ thủy điện những ngày qua tăng đáng kể.

Bên cạnh đó, sự cố các nhà máy nhiệt điện cũng đã được khắc phục, việc đấu nối các dự án năng lượng tái tạo cũng tăng, thời tiết miền Bắc những ngày qua cũng giảm nhiệt, nhu cầu về điện không còn gay gắt.

Báo cáo của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong ngày 24/6 đạt 773,4 triệu kWh, trong đó sản lượng điện miền Bắc là 344 triệu kWh, công suất lớn nhất 79,4 MW.

Giá dầu Trung Đông tăng vọt nhờ sức mua mạnh mẽ từ châu Á

Trong khi giá dầu toàn cầu sụt giảm, giá dầu Trung Đông lại tăng vọt do nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà máy lọc dầu từ Trung Quốc đến Nhật Bản. Theo Bloomberg, chênh lệch giao ngay đối với dầu thô của Oman đã tăng lên hơn 2 đôla/thùng so với tiêu chuẩn dầu thô từ Dubai vào tuần trước, so với mức 60-70 cent vào tuần trước. Bên cạnh đó, phí bảo hiểm cho dầu thô Murban của Abu Dhabi cũng tăng - rất hiếm khi chênh lệch giao ngay tăng hơn 10 đến 20 xu/thùng giữa các ngày và các giao dịch.

Theo các thương nhân, giá dầu thô trong khu vực tăng vọt đều nhờ các nhà máy lọc dầu châu Á tăng nhập khẩu trong vài ngày qua, bao gồm công ty lọc hóa dầu Rongsheng (Trung Quốc), Formosa (Đài Loan, Trung Quốc) và Nhật Bản và Thái Lan.

Theo nhiều chuyên gia, Trung Đông khó có thể nhanh chóng giải “cơn khát” dầu của châu Âu. Các nhà phân tích cảnh báo, bất chấp nguồn cung từ Trung Đông gia tăng, châu Âu sẽ phải tìm đến các nhà cung cấp nhiên liệu khác như Mỹ và Ấn Độ để lấp đầy khoảng trống do Nga để lại. Nhập khẩu dầu diesel từ Trung Đông vào châu Âu đạt đỉnh vào tháng 9 năm ngoái ở mức 500.000 thùng/ngày.

Trung Quốc áp dụng mô hình giá điện “chi phí cộng lợi nhuận hợp lý”

Từ tháng 6/2023, Trung Quốc đã chuyển sang mô hình định giá điện mới mà tất cả doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng như nhau, nhưng người dân và mảng nông nghiệp vẫn được hưởng trợ giá. Những thay đổi này nhằm mang lại mức giá công bằng và minh bạch hơn cũng như phân phối hiệu quả hơn trên toàn mạng lưới điện lớn nhất thế giới.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đã thiết lập nguyên tắc “chi phí cộng lợi nhuận hợp lý” để tính phí truyền tải và phân phối điện, tổng chi phí được phân tách thành từng mục riêng biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành điện được phép chuyển một số chi phí nhất định cho người dùng. Các thay đổi này sẽ giúp nhà khai thác tính toán chi phí chính xác hơn, duy trì biên lợi nhuận một cách hợp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư.

“Trước đây, người dùng chỉ được thông báo tổng hóa đơn tiền điện cần phải thanh toán. Từ bây giờ, các khoản phụ phí được tách bạch từng cái một, bên cạnh phí truyền tải và phân phối điện”, một giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn Power China thuộc sở hữu nhà nước nói. Những người sử dụng điện lớn với hệ số tải cao - những người sử dụng hệ thống điện hiệu quả hơn - cũng sẽ được giảm giá trên hóa đơn tiền điện của họ.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2562023-688010.html