Nhịp đập năng lượng ngày 19/11/2023

EU cấm bán tàu chở dầu cho Nga; 2 'ông lớn' Nga và Arab Saudi tiếp tục siết cung dầu; Các 'ông lớn' dầu khí quốc tế đàm phán giải quyết án phạt tại Kazakhstan… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 19/11/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

EU cấm bán tàu chở dầu cho Nga

Ủy ban châu Âu đang đề xuất cấm nhập khẩu kim cương từ Nga và ngăn chặn việc bán tàu chở dầu cho nước này trong vòng trừng phạt thứ mười hai kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Sau các cuộc thảo luận được tổ chức vào ngày 17/11 bởi đại diện các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), giám đốc điều hành EU đã đề xuất việc bán tàu chở dầu sẽ gồm các điều khoản hợp đồng ngăn cản các tàu được bán lại cho Nga hoặc được sử dụng để vận chuyển dầu thô hoặc các sản phẩm dầu mỏ vượt mức giá trần được xác định là 60 USD một thùng.

Cơ chế trần giá sẽ được dựa trên quy trình chứng thực cho phép các nhà khai thác trong chuỗi cung ứng dầu của Nga chứng minh rằng nó được mua ở mức giá bằng hoặc thấp hơn mức giá trần. Để hỗ trợ thêm cho việc thực thi và tuân thủ cơ chế này, đồng thời ngăn chặn việc làm giả giấy chứng nhận, đề xuất còn gồm việc đưa vào giấy chứng nhận các chi phí phụ trợ chi tiết, chẳng hạn như bảo hiểm và cước vận chuyển…

2 “ông lớn” Nga và Arab Saudi tiếp tục siết cung dầu

Mới đây, 2 nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Nga và Arab Saudi thông báo vẫn tự nguyện cắt giảm sản lượng. Việc hạn chế sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày sẽ được duy trì cho đến cuối năm 2023.

Bộ năng lượng Arab Saudi cho biết nước này vẫn sẽ giảm sản xuất thêm 1 triệu thùng/ngày, duy trì sản lượng quanh 9 triệu thùng/ngày trong tháng 12 tới. Họ lo ngại nhu cầu và tăng trưởng kinh tế sẽ gây sức ép lên thị trường dầu thô. Bộ năng lượng cũng cho rằng việc giảm sản xuất tự nguyện sẽ củng cố nỗ lực của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), nhằm hỗ trợ sự bình ổn và cân bằng của thị trường dầu.

Sau tuyên bố của Arab Saudi, Nga cũng thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung tự nguyện thêm 300.000 thùng/ngày cho đến cuối năm sau. Cùng ngày, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cũng thông báo tiếp tục giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày với dầu thô và các sản phẩm từ dầu.

Các "ông lớn" dầu khí quốc tế đàm phán giải quyết án phạt tại Kazakhstan

Bloomberg đưa tin hôm 17/11, ENI (ENI.MI, ENI.BR) và các đối tác đã bắt đầu đàm phán với chính phủ Kazakhstan để giải quyết tranh chấp về khoản phạt môi trường 5 tỷ đô la đối với mỏ dầu Kashagan của họ - dẫn nguồn từ những người thạo tin về vấn đề này.

Công ty năng lượng của Ý và các đối tác, các hãng dầu lớn Shell (SHEL.L, SHELL.AS), Exxon Mobil (XONA.F) và TotalEnergies (TTE.PA, TTE.L, TTE.BR), đang đề nghị thanh toán bằng tiền mặt trị giá 200 triệu đô la, các nguồn tin cho biết.

Khoản phạt này có thể được sử dụng cho các dự án xã hội và cam kết giảm lượng tập kết lưu huỳnh xuống mức tối thiểu. Kazakhstan đã áp dụng khoản phạt đối với các công ty này vào đầu năm 2023 vì bị cáo buộc lưu trữ quá nhiều lưu huỳnh tại địa điểm này, nhưng họ đã thành công khi phản đối quyết định này trước tòa. Hiện tại, vụ việc đang được xem xét tại Tòa phúc thẩm của nhà nước.

BP đầu tư điện gió ngoài khơi ở Nhật Bản

Reuters đưa tin hôm 17/11 rằng tập đoàn BP có kế hoạch hợp tác để phát triển các dự án năng lượng gió ngoài khơi ở Nhật Bản và đang xem xét đầu tư vào các công ty công nghệ hydro.

Bà Anja-Isabel Dotzenrath, người lãnh đạo hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo của BP cho biết: Dự án này là một phần trong chiến lược của công ty dầu mỏ nhằm mở rộng sang lĩnh vực năng lượng carbon thấp.

Về các khoản đầu tư tiềm năng, công ty cũng đang xem xét mở rộng sang lĩnh vực hydro. Bà Dotzenrath cho biết: "Điều này mở ra cho công ty khả năng trở thành nhà đầu tư chủ chốt trong một cơ sở có công nghệ tiên tiến sản xuất máy điện phân.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-19112023-699717.html