Nhịp đập năng lượng ngày 1/8/2023

Đề xuất mua bán điện trực tiếp, không cần qua EVN; Sản lượng dầu OPEC thấp hơn mức mục tiêu gần 1 triệu thùng/ngày; Áo tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 1/8/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Đề xuất mua bán điện trực tiếp, không cần qua EVN

Bộ Công Thương mới cho biết, đã hoàn tất xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất hai trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất.

Phương án 1, doanh nghiệp có thể mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng do tư nhân đầu tư. Trong trường hợp này, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng... Tuy nhiên, đơn vị phát điện có trách nhiệm thực hiện việc đầu tư xây dựng dự án điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực; phải thực hiện quy định về cấp phép hoạt động điện lực. Đơn vị phát điện và khách hàng có trách nhiệm thực hiện các quy định về mua bán điện, giá bán điện theo quy định.

Phương án 2, doanh nghiệp và bên phát điện có thể mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia. Trong trường hợp này, theo quy định, để được mua bán điện, đơn vị phát điện phải sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10MW trở lên. Khách hàng sử dụng điện lớn phải là các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22kV trở lên.

Sản lượng dầu OPEC thấp hơn mức mục tiêu gần 1 triệu thùng/ngày

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters được công bố ngày 31/7, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm xuống trong tháng 7 sau khi Saudi Arabia cắt giảm thêm sản lượng theo thỏa thuận mới nhất của OPEC và các nước đồng minh (OPEC+), và nguồn cung từ Nigeria bị hạn chế.

OPEC đã sản xuất 27,34 triệu thùng/ngày trong tháng này, giảm 840.000 thùng/ngày so với tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Như vậy, sản lượng của OPEC vẫn thấp hơn mức mục tiêu gần 1 triệu thùng/ngày, một phần do Nigeria và Angola không thể sản xuất như mức đã thống nhất.

Theo khảo sát, sản lượng của Saudi Arabia đã giảm 860.000 thùng/ngày trong tháng 7 so với tháng trước đó. Mức giảm lớn thứ hai là ở Nigeria, nơi tập đoàn năng lượng Shell đã tạm dừng vận chuyển dầu thô Forcados do khả năng rò rỉ ở cảng xuất khẩu này. Sản lượng tại Libya cũng giảm xuống khi hoạt động ở nhiều mỏ bị đình trệ do biểu tình. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy sự gia tăng sản lượng dầu tại Angola và Iraq đã hạn chế mức giảm của OPEC trong tháng 7.

Anh tiến tới tự chủ về nguồn cung khí đốt và năng lượng

Chính phủ Anh ngày 31/7 thông báo nước này sẽ cấp phép hàng trăm dự án khai thác dầu và khí đốt ở Biển Bắc, một phần trong nỗ lực trở thành quốc gia tự chủ hơn về nguồn cung năng lượng, song vẫn hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng, đồng thời khẳng định nước Anh cần tự chủ để có thể cung cấp năng lượng sạch, giá cả phải chăng hơn cho các gia đình và doanh nghiệp nước này.

Chính phủ Anh dự kiến các dự án đầu tiên sẽ được cấp phép vào mùa thu năm nay. Để đảm bảo an toàn môi trường cũng như đảm bảo nước Anh hoàn thành mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, Anh sẽ thiết lập 2 trung tâm lưu trữ carbon mới tại vùng Scotland và Humber, miền Đông Bắc đất nước.

Áo tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặt biệt tại Ukraine, nhiều quốc gia phương Tây đã chung tay trừng phạt Moscow bằng cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga. Tuy nhiên, Áo đã một mình đi ngược dòng khi vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trước khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, 80% lượng dầu khí của Áo có nguồn gốc từ Nga. Tính đến tháng 5/2023, 50% lượng khí đốt ở Áo vẫn được nhập khẩu từ Nga. Trước đó, vào tháng 3, Áo thậm chí còn nhập khẩu đến 74% khí đốt từ Moscow.

Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Áo OMV Group tuyên bố miễn là Nga vẫn còn bán khí đốt, Áo vẫn sẽ tiếp tục mua nó. Kể từ khi Nga - Ukraine căng thẳng, OMV đã chi khoảng 7,7 tỷ USD để mua khí đốt của Nga. Động thái này khiến Áo bị nhiều quốc gia châu Âu lên tiếng chỉ trích.

EC phê duyệt kế hoạch của Đức xây dựng trạm khí hóa lỏng ở phía Bắc

Ủy ban châu Âu (EC) đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 40 triệu euro (khoảng 44 triệu USD) của Đức cho việc xây dựng và vận hành một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên đất liền ở thành phố Brunsbüttel, bang Schleswig-Holstein, miền Bắc nước Đức. Trạm khí đốt hóa lỏng này sẽ góp phần đảm bảo an ninh và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng ở Đức.

Thông báo của Bộ Kinh tế liên bang Đức ngày 31/7 cho biết, với số tiền có được, dự án xây dựng trạm LNG trên bờ biển Bắc sẽ được hiện thực hóa, theo đó muộn nhất tới đầu năm 2027, khoảng 10 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hàng năm sẽ được đưa vào mạng lưới năng lượng của Đức.

Trước đó, Đức đã thông báo cho EC về kế hoạch hỗ trợ xây dựng và vận hành một trạm LNG mới ở Brunsbüttel, với công suất hàng năm là 10 tỷ m3. Trạm này bao gồm các cơ sở tiếp nhận, lưu trữ và phân phối, được lên kế hoạch bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2026. Các công ty được hưởng lợi từ gói hỗ trợ trên của Chính phủ Đức là Công ty năng lượng RWE của Đức và Công ty năng lượng Gasunie của Hà Lan.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-182023-690808.html