Nhìn lại những biến động trên thị trường hàng hóa năm 2010

Theo báo cáo của Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), trong năm 2010 do nhiều nguyên nhân, giá cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất đều đã có nhiều biến động theo xu hướng tăng khá cao.

Giá gas trong nước tăng đều trong năm 2010. Trong năm 2010, theo tổng hợp, giá gas trên thị trường đã có 4 lần điều chỉnh tăng giá bán lẻ và thời điểm đầu tháng 12/2010 là lần tăng giá kỷ lục và kéo dài cho đến nay, với mức tăng đều đặn khoảng 93.000 đồng/bình 12kg. Nguyên nhân tăng giá theo lý giải của các doanh nghiệp kinh doanh gas là do giá thế giới tăng. Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, giá gas tăng có một nguyên nhân rất quan trọng là do cơ quan chức năng chưa quản lý chặt chẽ, còn để xảy ra tình trạng mua bán vòng vèo, tạo nhiều tầng nấc trung gian, khi đến tay người tiêu dùng đã được đẩy lên quá cao. Hiệp hội Gas Việt Nam đã đề xuất với Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% hiện tại xuống còn 2%. Đây là một động thái nhằm giúp doanh nghiệp giảm giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng. Giữa vụ thu hoạch mía, giá đường vẫn "sốt" Cùng với nhiều mặt hàng khác trên thị trường, trong năm 2010, mặt hàng đường tại Việt Nam đã lên cơn sốt với mức tăng kỷ lục lên đến 30%. Giải thích tình trạng giá đường vẫn tiếp tục tăng trong thời điểm chính vụ, các chuyên gia của Bộ NN-PTNT cho rằng, năm 2010 là một năm khan hiếm nguyên liệu mía. Đa số các nhà máy đường không có đủ mía nguyên liệu để sản xuất, dẫn đến khan hiếm đường. Thời điểm tháng 11/2010, lượng đường tồn kho tại các nhà máy chỉ có khoảng 20 nghìn tấn, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 48 nghìn tấn. Cạnh đó, việc tăng giá mía nguyên liệu cũng tác động mạnh đến giá đường trên thị trường, trong khi vào thời gian cuối năm, lượng đường tiêu thụ trong nước đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo và thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ đường lớn. Bên cạnh đó, giá đường thế giới bước vào thời gian qua cũng tăng mạnh do nhu cầu mua mới từ Pakistan, Mexico và Ấn Độ nên đã làm “nóng” thêm cho thị trường. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sau ba năm dư thừa đường lớn, sản lượng đường trên toàn thế giới đã sụt giảm mạnh trong niên vụ 2009/2010. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Mía đường vẫn khẳng định đường sản xuất trong nước cộng với lượng đường nhập khẩu và đường tồn kho của các nhà máy hoàn toàn có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Giá gạo tăng mạnh Trong năm 2010, giá gạo nội địa tăng đều trong các tháng. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến cuối năm, giá gạo miền Bắc đã tăng khoảng 12% so với đầu năm. Trong khi đó tại miền Nam, giá gạo cuối năm tăng khoảng 10% so với đầu năm. Cục Quản lý giá Việt nam cho biết, giá gạo của Việt nam tăng chủ yếu do giá gạo thế giới tăng. Theo Hiệp hội gạo Mỹ, trong năm 2010 giá gạo thế giới đã tăng lên 550 USD/tấn vào cuối năm. Thời gian gần đây, Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng của lũ lụt, đã làm giảm sản lượng gạo so với năm ngoái. Ấn Độ cũng hạn chế xuất khẩu, Nga và một số nước thuộc Đông Âu đang thực hiện cấm xuất khẩu lúa mỳ do hạn hán. Indonesia bị ảnh hưởng của lũ lụt, sóng thần. Nhu cầu vào thời điểm cuối năm của các nước nhập khẩu lớn như Cuba, Indonesia và Philippines tăng. Những yếu tố này đã kéo giá gạo thế giới tăng lên và cũng là nguyên nhân chủ yếu làm cho giá gạo trong nước tăng lên theo. Giá xi măng tăng nhẹ Năm 2010 mặc dù có nhiều biến động về giá đầu vào, tuy nhiên giá bán xi măng nhìn chung vẫn giữ được ổn định trong phạm vi cả nước và chỉ tăng nhẹ. Sản xuất xi măng toàn ngành tháng 12 ước thực hiện đạt 5,12 triệu tấn, 12 tháng năm 2010 đạt 50,85 triệu tấn, bằng 101,7% so với kế hoạch năm 2010. Tháng 12 sản lượng xi măng tiêu thụ ước đạt 5,08 triệu tấn. Ước năm 2010 toàn ngành tiêu thụ đạt 50,21 triệu tấn, bằng 100% so với kế hoạch năm 2010. Ước tính năm 2010 các đơn vị trong ngành xi măng nhập khẩu khoảng 2,12 triệu tấn clinker, xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn clinker và xi măng. Theo đó, năm 2010 mặc dù có nhiều biến động về giá đầu vào, nhưng giá bán xi măng nhìn chung vẫn giữ được ổn định trong phạm vi cả nước. Nhìn chung, năm 2010, năng lực sản xuất xi măng trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Vì vậy đã giữ được giá xi măng khá ổn định. Để hạn chế nhập khẩu clinker, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư quy định công tác quản lý chất lượng clinker thương phẩm, đồng thời Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam, các đơn vị liên doanh hạn chế tiến tới không nhập khẩu clinker trong 6 tháng cuối năm 2010. Đồng thời, để xúc tiến công tác xuất khẩu xi măng, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản yêu cầu các công ty liên doanh triển khai tìm kiếm thị trường để xuất khẩu xi măng theo cam kết trong giấy phép đầu tư. Giá thép tăng theo giá USD Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), Năm 2010 sản lượng thép toàn cầu đã tăng 17,5%, đạt 1,165 tỷ tấn. Sản lượng của 66 quốc gia thành viên đạt 117,56 triệu tấn trong tháng 10, tăng 2,4% so với cùng tháng năm 2009. Tại thị trường trong nước, năng lực thép xây dựng cả nước hiện đã đạt 7,83 triệu tấn/năm. Tuy nhiên trong năm 2010, giá thép trong nước đột ngột tăng mạnh, do 2 nguyên nhân chủ yếu: sự tăng giá của phôi thép và sự yếu đi của đồng tiền Việt Nam so với đồng USD. Hiện giá chào bán phôi thép tại thị trường Việt Nam phổ biến ở mức 580-600USD/tấn (CIF), tăng khoảng 20-40 USD/tấn so cùng năm trước. Còn lại lĩnh vực tỷ giá, tỷ giá VND/USD liên tục điều chỉnh tăng trên thị trường tự do. Tỷ giá tăng làm cho giá thành thép trên /kg tăng lên. Ngoài thị trường đã điều chỉnh tăng giá tuy nhiên mức tăng không theo kịp với thiệt hại do tỷ giá mang lại. Cạnh đó lãi suất cuối năm tăng cao, cũng làm cho nhu cầu vốn đã yếu ớt lại càng giảm hơn nữa. Trên thị trường, giá bán thép hiện ở mức 15,7-16 triệu đồng/tấn (tại các tỉnh miền Bắc) và 15,4-15,8 triệu đồng/tấn (tại các tỉnh miền Trung và miền Nam), tăng khoảng 700.000 đồng/tấn so với đầu năm. Bước sang năm mới, các doanh nghiệp thép Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác đang xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vượt qua các hạn chế nhằm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2011 và các năm tiếp theo.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=445214&co_id=30066