Nhìn lại hai tháng thế giới chia rẽ vì cuộc chiến Israel – Hamas ở Dải Gaza

Cuộc chiến đã chia rẽ thế giới giữa một bên là những quốc gia kêu gọi ngừng bắn, những quốc gia ủng hộ Israel và một số quốc gia trung lập.

Theo kênh Al Jazeera ngày 7/12, đã hai tháng trôi qua sau khi phong trào Hồi giáo Hamas tấn công miền Nam Israel vào ngày 7/10, giết chết khoảng 1.200 người và bắt giữ khoảng 240 người trong cuộc tấn công.

Israel đã đáp trả bằng các cuộc tấn công cả trên không và trên bộ ở Gaza, khiến trên 16.000 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 7.000 trẻ em, theo số liệu của cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành.

Trong bối cảnh đó, các xung đột ngoại giao do vấn đề Dải Gaza cũng ngày càng sâu sắc. Các cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc, bình luận công khai và động thái ngoại giao quan trọng trong hai tháng qua đã cho thấy cuộc chiến ở Dải Gaza đã gây chia rẽ thế giới như thế nào.

Tranh cãi về ngôn từ

Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel ở thành phố Khan Younis, Dải Gaza, ngày 7/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Ngôn từ luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa các quốc gia khi nói về các cuộc chiến.

Thế giới vẫn chưa thống nhất được nên dùng từ “ngừng bắn” hay “tạm dừng vì lý do nhân đạo” để mô tả việc chấm dứt bạo lực và thù địch. Trong khi nhiều nước ủng hộ lệnh ngừng bắn thì các đồng minh của Israel lại kêu gọi tạm dừng giao tranh vì lý do nhân đạo.

Theo Liên hợp quốc, ngừng bắn là chấm dứt mọi hành động bạo lực nhằm vào dân thường, còn còn tạm dừng vì lý do nhân đạo là chấm dứt tạm thời các hành động thù địch đơn giản chỉ vì mục đích nhân đạo. Tạm dừng hoặc đình chiến là tạm dừng giao tranh trong một khoảng thời gian đã được quyết định.

Phân tích bài phát biểu của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên hợp quốc cho thấy 55% quốc gia kêu gọi ngừng bắn ở Gaza. Một số có thể kể tới như Argentina, Bỉ, Trung Quốc, Guayana, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela…

23% quốc gia kêu gọi tạm dừng vì lý do nhân đạo, như Australia, Canada, Nhật Bản, Mỹ, Anh…

Một số quốc gia sử dụng các thuật ngữ thay thế như “ngưng”, “tạm ngừng” hoặc “nghỉ ngơi”.

22 quốc gia còn lại không lên tiếng về vấn đề này tại Liên hợp quốc.

Các quốc gia cũng chưa quyết định về việc có nên gọi Israel là quốc gia chiếm đóng hay không và có nên nói về việc Israel phong tỏa Dải Gaza cũng như các khu định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem hay không.

Trong số các quốc gia mà Al Jazeera phân tích, 46% sử dụng thuật ngữ quốc gia chiếm đóng để chỉ Israel hoặc gọi lãnh thổ Palestine là lãnh thổ bị chiếm đóng, 54% còn lại không sử dụng các từ này.

Chỉ 23% quốc gia đề cập đến việc Israel phong tỏa Gaza và sử dụng các từ ngữ như bao vây hoặc nhà tù ngoài trời. Chỉ 30% nói về các khu định cư của Israel.

Chia rẽ về các nghị quyết của Liên hợp quốc

Toàn cảnh một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 21/11/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu về 5 nghị quyết trong suốt hai tháng vừa qua và không thông qua được 4 nghị quyết do tình trạng thiếu quyết đoán và bất đồng giữa các quốc gia.

Trong số 15 thành viên của Hội đồng Bảo an, 4 thành viên đã bỏ phiếu chống (Pháp, Nhật Bản, Anh và Mỹ) với dự thảo đầu tiên do Nga chủ trì vào ngày 16/10. Lời chỉ trích chính về dự thảo nghị quyết này là không nêu tên hay lên án Hamas. Dự thảo này kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Brazil chủ trì dự thảo nghị quyết thứ hai vào ngày 18/10. Theo đó, dự thảo lên án Hamas và kêu gọi tạm dừng vì lý do nhân đạo, thu được số phiếu ủng hộ áp đảo, nhưng Mỹ lại phủ quyết. Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cho biết điều này là do nghị quyết không đề cập đến quyền tự vệ của Israel.

Nga đề xuất một dự thảo khác vào ngày 25/10, kêu gọi ngừng bắn vì lý do nhân đạo và thả những người bị Hamas giam giữ. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết không lên án Hamas. Chỉ có bốn thành viên bỏ phiếu ủng hộ. Anh cho biết họ muốn Hội đồng Bảo an hướng tới một văn bản cân bằng, trong khi dự thảo của Nga không ủng hộ quyền tự vệ của Israel.

Mỹ cũng chủ trì dự thảo nghị quyết ngày 25/10, kêu gọi tạm dừng vì mục đích nhân đạo thay vì ngừng bắn. 10 thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ nhưng các thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc phủ quyết.

Vào ngày 15/11, Hội đồng Bảo ản cuối cùng cũng đã thông qua được một nghị quyết do Malta chủ trì, kêu gọi tạm dừng vì lý do nhân đạo và chuyển hàng viện trợ tới Gaza. Mỹ, Anh và Nga đã bỏ phiếu trắng, 12 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ.

Jordan đã chủ trì một nghị quyết không mang tính ràng buộc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 27/10, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, đảm bảo viện trợ nhân đạo không bị cản trở vào khu vực bị bao vây, cũng như yêu cầu Israel rút lại lời kêu gọi sơ tán ở phía Bắc Gaza. Có tới 120 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ. Chỉ có 14 quốc gia, trong đó có Mỹ và Israel, bỏ phiếu chống, trong khi 45 quốc gia bỏ phiếu trắng. Nghị quyết này đã được thông qua.

Quan điểm của các nước về giải pháp hai nhà nước

Các quốc gia không quá chia rẽ về giải pháp hai nhà nước, coi đây là phương tiện để đạt được hòa bình trong khu vực. Tổng cộng 95% quốc gia đã kêu gọi giải pháp hai nhà nước, hình thành nước Palestine độc lập song song với Israel. Chỉ có sáu quốc gia chưa kêu gọi giải pháp này.

Những quốc gia nào đã cắt đứt quan hệ với Israel?

Trong cuộc chiến, một số quốc gia đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Israel. Belize, Bolivia và Nam Phi đã đình chỉ quan hệ với Israel. Trong khi đó, Bahrain, Chad, Chile, Colombia, Honduras, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ đã rút đại sứ về nước.

Một số thành phố như Barcelona ở Tây Ban Nha, cũng đã đình chỉ quan hệ với Israel.

Những nước nào ủng hộ mạnh mẽ Israel?

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở bang Colorado ngày 29/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ vẫn duy trì truyền thống ủng hộ Israel mạnh mẽ. Bên cạnh ủng hộ ngoại giao vững chắc mà Tổng thống Mỹ Joe Biden dành cho Israel, Mỹ còn cung cấp cho Israel khoản hỗ trợ quân sự hàng năm trị giá 3,8 tỷ USD. Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch của đảng Cộng hòa cung cấp 14,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel vào ngày 3/11. Một nghị quyết của Quốc hội Mỹ vào ngày 6/12 đã coi chống chủ nghĩa phục quốc Do Thái cũng như chủ nghĩa bài Do Thái.

Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Italy và Anh cũng ủng hộ Israel giống Mỹ.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Al Jazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhin-lai-hai-thang-the-gioi-chia-re-vi-cuoc-chien-israel-hamas-o-dai-gaza-20231208144615377.htm