Nhìn đúng giá trị công việc thầy thuốc cũng là cách nhìn văn hóa

Bản chất của văn hóa phải chăng là đánh giá đúng những giá trị thật của công việc, sản phẩm và khi đánh giá đúng thì những quan hệ quanh công việc, sản phẩm cũng như một tất yếu, tự nó đương nhiên sẽ có tính văn hóa. Một bức tranh quý nếu không biết hết giá trị sẽ có ứng xử thiếu văn hóa như vứt vào xó bếp chẳng hạn nhưng nếu được nhìn đúng giá trị của nó thì cách ứng xử sẽ khác nhiều. Văn hóa trong bệnh viện cũng vậy.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào dân tộc H’Rê, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà- Ảnh: Minh Thu (tuổi trẻ)

Văn hóa trong bệnh viện trước hết là thái độ của người đến bệnh viện gồm cả thầy thuốc, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Không ít trường hợp người nhà bệnh nhân hành hung thầy thuốc là hành vi rất vô văn hóa. Nguyên nhân của hành vi này phải chăng là chưa nhìn thấy hết giá trị trong công việc thầy thuốc do ảnh hưởng cơ chế thị trường, vai trò của người thầy thuốc không được đánh giá đúng. Thời Pháp thuộc cũng là cơ chế thị trường nhưng người bệnh nhìn thầy thuốc bao giờ cũng gọi là “Quan đốc-tờ” đầy kính trọng mặc dù phải trả tiền cho thầy rất nhiều. Bây giờ chúng ta có bảo hiểm y tế và người mua không ít nhưng phí mua bảo hiểm không tương xứng với chi phí bảo hiểm. Người có bảo hiểm là người được phục vụ nhưng thầy thuốc là người phục vụ lại bị ràng buộc bởi bảo hiểm nên thầy thuốc - bệnh nhân vẫn có khoảng cách trong khám chữa bệnh. Chưa kể khám bảo hiểm đông nhưng lực lượng nhân viên y tế có hạn thành ra phải chờ đợi cũng gây bức xúc trong người được phục vụ. Về phía thầy thuốc, hình như lương trả cho thầy chưa đúng với giá trị của công việc. Nếu ta biết, với một ca mổ trung phẫu mà kíp mổ có khi lên tới 5 người, thì tiền bồi dưỡng ca mổ ấy là bao nhiêu, ta sẽ giật mình kinh ngạc! Mà trong ca mổ ấy, không chỉ bác sĩ trực tiếp cầm dao mổ phải tập trung căng thẳng, mà bác sĩ gây mê, rồi những phụ mổ, tóm lại là toàn bộ kíp mổ đều phải tập trung rất căng thẳng để bảo đảm thành công cho ca mổ. Vậy mà số tiền bồi dưỡng họ nhận được sau ca phẫu thuật thật xót lòng! Ta không thể kêu gọi về văn hóa bệnh viện một cách lý thuyết chung chung được, khi nhìn vào “ba-rem” tiền bồi dưỡng cho y, bác sĩ tại các bệnh viện. Chính vì thiếu những phương thức đãi ngộ cho xứng đáng với phần nào với công sức của người thầy thuốc, mà đã xuất hiện đó đây nhiều hiện tượng tiêu cực khiến người bệnh phải đau khổ. Nếu chúng ta có những quy định rõ ràng, minh bạch, không cào bằng khả năng đóng góp của bệnh nhân và gia đình họ, chỗ nào có thể thu phí, và chỗ nào miễn phí, thì thu nhập chính đáng của người thầy thuốc ngay tại bệnh viện sẽ được nâng cao, và họ có thể toàn tâm toàn ý phục vụ người bệnh ngay tại bệnh viện. Mặt khác, lại phải có hành lang pháp lý cho phép người thầy thuốc có thể khám bệnh tại gia, hoặc kiêm nhiệm trách vụ thầy thuốc gia đình, phục vụ người bệnh ngay tại nhà… thì mới có thể siết chặt kỷ luật nghề nghiệp tại bệnh viện.

Cần có một chính sách với y tế trong đó đánh giá đúng công việc của người thầy thuốc và trong mặt bằng hiện nay, ít ra cũng phải có sự công bằng. Thầy giáo đứng lớp có thêm 50% lương nhưng thầy thuốc không có! Các thầy cô trường tiểu học xã được hưởng lương ngân sách nhưng đội ngũ nhân viên y tế xã có phải tất cả được hưởng lương ngân sách? Cùng là thầy nhưng thầy cô giáo tiểu học khi về hưu có lương hưu, có BHXH, BHYT nhưng thầy thuốc ở xã khi về hưu có phải tất cả cũng như thầy giáo bên giáo dục?

Tại các bệnh viện cũng vậy. Nên tính đúng tính đủ viện phí và trả công thầy thuốc xứng đáng. Tính đúng tính đủ không có nghĩa bắt buộc bệnh nhân nghèo phải trả đúng trả đủ mà có quỹ giúp bệnh nhân bù đắp sự chênh lệch này. Có vậy, bệnh nhân mới thấy hết công sức của thầy thuốc, của bệnh viện và hiểu mình được hưởng bao nhiêu sau khi đóng viện phí. Từ đó, những ứng xử văn hóa của bệnh nhân (ít ra là lòng biết ơn thực sự) trong bệnh viện mới có thể có. Thầy thuốc cũng yên tâm trong công việc mình làm hơn và khi không bị áp lực công việc (bị quá tải nhưng thu nhập không… quá tải) hẳn sẽ đủ bình tĩnh để mỉm cười, giải thích, hướng dẫn bệnh nhân.

Bệnh viện rất cần tính văn hóa bởi hơn đâu hết, ở đó giải quyết chuyện con người. Và văn hóa trước hết phải là định giá trị đúng của người và việc trong bệnh viện.

Thanh Hùng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/2012010304227101p0c121/nhin-dung-gia-tri-cong-viec-thay-thuoc-cung-la-cach-nhin-van-hoa.htm