Nhiều vướng mắc trong việc bố trí chỗ ở ổn định cho gần 3.000 hộ dân

Ngày 1/12/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Quyết định số 4845/QĐ-UBND về Đề án 'Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025'. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đề án mới chỉ thu được một số kết quả khiêm tốn, trong đó có những hạng mục chỉ mới đạt hơn 11%...

Theo tìm hiểu của phóng viên, để chủ động phòng ngừa, ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa thường xuyên quan tâm và chỉ đạo sát sao đối với công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi.

Trong đó, đáng chú ý là Kết luận số 590-KL/TU, ngày 8/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 4845/QĐ-UBND, ngày 1/12/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025”.

Dự án sắp xếp, ổn định dân cư đang triển khai tại xã Lũng Cao, huyện Bá Thước.

Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025 bố trí sắp xếp, ổn định cho 2.846 hộ dân tại khu vực có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn 54 xã thuộc 9 huyện miền núi, theo 3 hình thức: Tái định cư (TĐC) xen ghép cho 1.122 hộ; TĐC liền kề cho 846 hộ/34 dự án và TĐC tập trung cho 878 hộ/17 dự án.

Để thực hiện Đề án một cách đồng bộ, có hiệu quả cao, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 530/QĐ-UBND, ngày 29/1/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; ban hành Kế hoạch số 137/KH-BCĐ ngày 17/5/2022 về Kế hoạch thực hiện Đề án… UBND tỉnh Thanh Hóa xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương và nhân dân khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án, tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu, song vẫn có quá nhiều khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ, khắc phục.

Cụ thể, đến nay đã thực hiện sắp xếp, bố trí TĐC xen ghép cho 131/1.122 hộ, đạt tỷ lệ 11,7% mục tiêu đề án. Trong đó, huyện Lang Chánh 7/26 hộ, đạt tỷ lệ 26,9%; huyện Bá Thước có 33/141 hộ, đạt tỷ lệ 23,4%; huyện Như Xuân 4/25 hộ, đạt tỷ lệ 16%; huyện Quan Hóa 42/320 hộ... Đối với việc thực hiện các dự án TĐC liền kề và TĐC tập trung, tổng số dự án được duyệt là 51 dự án/1.724 hộ dân.

Trong đó, TĐC liền kề 34 dự án/846 hộ dân. Hiện, 3 dự án/46 hộ đang thi công; 8 dự án/197 hộ đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư; 12 dự án/381 hộ chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và 11 dự án/222 hộ không thực hiện. TĐC tập trung là 17 dự án/878 hộ dân. Trong đó, có 4 dự án/151 hộ dân được đầu tư theo hình thức khẩn cấp đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng và các hộ dân đã di chuyển đến nơi ở mới (huyện Mường Lát 1 dự án/42 hộ; huyện Quan Sơn 1 dự án/36 hộ; huyện Quan Hóa 2 dự án/73 hộ); 6 dự án/313 hộ đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư; 6 dự án/326 hộ chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và 1 dự án/88 hộ không thực hiện.

Lý giải Đề án mới chỉ đạt được một số kết quả khiêm tốn như trên, đại diện lãnh đạo UBND các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa... cho rằng, các huyện miền núi có đặc điểm địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, chia cắt bởi nhiều sông, suối nên việc lựa chọn vị trí TĐC bảo đảm an toàn gặp khó khăn khi quỹ đất ở rất hạn chế. Nhiều khu dự kiến bố trí TĐC cho các hộ dân cách xa trung tâm xã, huyện; cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, địa hình phức tạp, độ dốc cao, khối lượng đất đá rất lớn dẫn đến chi phí san nền, chi phí vận chuyển vật liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng khu TĐC lớn...

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, trên địa bàn một số huyện (Mường Lát, Thường Xuân) không có mỏ đất đắp, mỏ cát ở rất xa, phải lấy từ các địa phương khác nên tổng mức đầu tư khu TĐC lớn, gây khó khăn trong việc thực hiện. Một số khu vực dự kiến xây khu TĐC nằm trên đất ở, đất sản xuất của dân nên phải bồi thường GPMB, trong khi nguồn ngân sách của các huyện miền núi có hạn, chưa cân đối được kinh phí để thực hiện.

Một nguyên nhân khác mà lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính… nêu lên là do một số dự án khi thẩm định không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; các huyện cũng chưa khảo sát cụ thể diện tích, quy mô các khu TĐC; các hộ dân thực hiện TĐC xen ghép chưa chủ động tìm quỹ đất để di chuyển, các huyện cũng chưa xây dựng kế hoạch để di chuyển dân hoặc có phương án điều chỉnh hình thức sắp xếp, ổn định dân cư.

Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án, “Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Việc bố trí ổn định dân cư tại các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, khu rừng đặc dụng, ổn định dân di cư tự do là một nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Việc bố trí ổn định dân cư phù hợp với quy hoạch các cấp, phong tục, tập quán văn hóa của từng dân tộc và gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, đồng thời cũng là giải pháp để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; bảo vệ chủ quyền, an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái, tài nguyên nước. Bố trí ổn định dân cư có tác động lớn đến việc ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo, hình thành các điểm dân cư mới có cơ sở hạ tầng thiết yếu, giữ vững an ninh chính trị, gắn với bảo vệ môi trường.

Sau khi kiểm tra thực tế một số dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Thời gian thực hiện Đề án không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn lại rất lớn. Để hoàn thành các mục tiêu của Đề án, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị, từ thực tiễn công tác của mình, tập trung trí tuệ, thảo luận thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng; nhất là đánh giá thật cụ thể, thực chất về tình hình triển khai, kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, bất cập, vướng mắc và nguyên nhân trong hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án; chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án. Đồng thời, đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các mục tiêu của Đề án.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/nhieu-vuong-mac-trong-viec-bo-tri-cho-o-on-dinh-cho-gan-3-000-ho-dan-i728483/