Nhiều văn phòng bên bờ vực sụp đổ

Các công ty tiếp tục nỗ lực đưa nhân viên trở lại văn phòng, bất chấp sự phản kháng của không ít người lao động.

"Ngày tựu trường sắp đến. Hãy đón chờ các hoạt động trở lại vào mùa thu này". Đó là lời nhắn mà Colleen McCreary, giám đốc nhân sự tại công ty Credit Karma (Mỹ), gửi đến nhân viên của mình.

Hơn một năm qua, Credit Karma đã nỗ lực đưa nhân viên trở lại văn phòng. Đầu tiên, việc triển khai tiêm vaccine khiến các quản lý hy vọng nơi làm việc sẽ đông đúc trở lại. Theo sau đó là một loạt hoạt động giải trí tại chốn công sở, nhưng không có hiệu quả.

Bất chấp những nỗ lực không thành, lãnh đạo công ty nhất định không thay đổi hướng đi.

“Tôi không muốn điểm danh hay trông trẻ, nhưng quản lý cần biết nhân viên của họ ở đâu”, bà McCreary nói với New York Times.

 Nhiều nhà quản lý vẫn quyết tâm đưa nhân viên trở lại văn phòng.

Nhiều nhà quản lý vẫn quyết tâm đưa nhân viên trở lại văn phòng.

Mâu thuẫn

Đã hơn 2 năm kể từ khi quy tắc cũ của thế giới lao động sụp đổ. Theo dữ liệu của Gallup, hơn 1/3 số người lao động Mỹ với công việc có thể làm từ xa không muốn trở lại văn phòng.

Trong khi đó, các giám đốc nhận ra rằng nếu không thuyết phục nhân viên trở lại văn phòng ngay bây giờ, khi hạn chế về đại dịch đang dần được nới lỏng, họ sẽ phải bình thường hóa làm việc từ xa mãi mãi.

Một cuộc đối đầu căng thẳng đang diễn ra giữa giới quản lý và nhân viên. Đây sẽ là kết thúc với kỷ nguyên họp online, hoặc khởi đầu của sự phản kháng từ người lao động.

Đầu năm nay, một số công ty lớn bắt đầu khuyến khích nhân viên trở lại văn phòng. Nhưng trong mùa hè, người lao động thường nghỉ phép dài ngày hoặc làm việc tại nhà thường xuyên hơn. Chốn công sở lại vắng tanh.

Đối với nhiều nhân viên, sự thúc ép từ phía quản lý sẽ tạo ra những hình thức phản kháng mới.

Kể từ tháng 5, Chris Campbell, hiện làm quản lý tại công ty quảng cáo ở Minneapolis (Mỹ), được yêu cầu đến văn phòng 1 ngày/tuần. Mùa hè này, cấp trên của anh đang cân nhắc tăng con số đó lên 2 ngày/tuần, trong khi Campbell cảm thấy mình vẫn làm việc từ xa rất hiệu quả.

 Sự thúc ép từ phía quản lý sẽ tạo ra làn sóng phản kháng ở nhân viên.

Sự thúc ép từ phía quản lý sẽ tạo ra làn sóng phản kháng ở nhân viên.

Tại Credit Karma với hơn 1.500 nhân viên, ban lãnh đạo liên tục đối mặt với sự phản đối việc quay lại văn phòng.

Những lý do nhân viên đưa ra bao gồm sự năng suất khi làm việc từ xa và khả năng cân bằng cuộc sống. Họ cũng nhắc đến các công ty đối thủ cho phép người lao động linh hoạt nơi làm việc.

"Nhân viên luôn so sánh công ty với những nơi khác. Tuy nhiên, chúng tôi đã khẳng định rằng đây là lựa chọn của ban lãnh đạo. Nếu không đồng tình, họ có thể nghỉ việc", bà McCreary nói.

Credit Karma yêu cầu nhân sự đến văn phòng nhưng cho phép họ chọn ngày. Một số nhân viên đã chấp nhận cách tiếp cận này.

Patrick Kennedy (28 tuổi) gia nhập công ty vào tháng 2 sau khi rời nơi làm cũ vì phải đến văn phòng từ thứ 2 đến thứ 4. Tại Credit Karma, anh được linh hoạt sắp xếp lịch.

Kennedy thích đến văn phòng. Anh cảm thấy được tiếp thêm năng lượng buổi sáng khi ngồi ở bàn làm việc và thỉnh thoảng nói chuyện phiếm với đồng nghiệp.

 Một số nhân viên vẫn thích trở lại văn phòng, với điều kiện họ được linh hoạt sắp xếp lịch.

Một số nhân viên vẫn thích trở lại văn phòng, với điều kiện họ được linh hoạt sắp xếp lịch.

Trao đổi kỳ vọng

Từ tháng 5, Zoe Sands, nhân viên công ty dịch vụ tài chính ở Denver (Mỹ), được yêu cầu đến văn phòng 1 buổi/tuần. Sau đó, cô nghe nói công ty dự định tăng lên 3 ngày/tuần vào cuối năm nay. Cô quyết định sẽ thương lượng với cấp trên nếu bị bắt đến văn phòng hơn 2 ngày/tuần.

Sands cảm thấy thoải mái nhất khi có thể thức dậy lúc 7h15, uống một tách trà và bắt đầu trả lời email mà không cần dành thời gian làm tóc và trang điểm. Mỗi lần đến văn phòng, cô luôn mất rất lâu để chọn trang phục.

"Có ngày, tôi rất căng thẳng vì không biết mặc gì đi làm. Dù biết đó sẽ là một lý do ngu ngốc để xin phép ở nhà, tôi thực sự cảm thấy không thể đến văn phòng", cô nói.

Sự căng thẳng trong việc điều chỉnh lại lối sống và thói quen sau đại dịch không phải chuyện nhỏ. Trong một nghiên cứu với gần 40 người, phần lớn không thể hình dung việc quay trở lại cuộc sống văn phòng với những ràng buộc về trang phục và tương tác xã hội. Mặt khác, một số rất mong đi làm trở lại như trước đại dịch.

Khi mùa hè trôi qua, nhiều người đang cố gắng bày tỏ những khó khăn khi phải trở lại làm việc trực tiếp.

Campbell, làm việc tại công ty quảng cáo, đã trao đổi với cấp trên những lo ngại của mình. Anh nhấn mạnh viễn cảnh rằng công ty có thể mất dần nhân tài vì các đối thủ cạnh tranh cho phép nhân viên làm việc linh hoạt hơn.

Những đồng nghiệp của Campbell cũng đặt câu hỏi: Khi doanh nghiệp vẫn đạt được hiệu quả và sự tăng trưởng như mong đợi, việc bắt nhân viên quay lại lối làm việc cũ có ích lợi gì?

Dù đã nói rõ những mối quan ngại trên, Campbell e rằng ban lãnh đạo vẫn tự mình quyết định.

"Tháng 8 và tháng 9 thường được coi là thời gian mọi người trở lại nơi làm hoặc trường học. Mùa hè đã đi qua. Chúng ta phải bắt đầu làm việc thực sự", anh cho biết.

 Nhiều công ty vẫn muốn đưa nhân viên trở lại, dù điều đó gây ra nguy cơ mất nhân tài.

Nhiều công ty vẫn muốn đưa nhân viên trở lại, dù điều đó gây ra nguy cơ mất nhân tài.

Với 2 năm chật vật đưa nhân viên trở lại văn phòng, một số nhà quản lý cảm thấy tự tin hơn khi làm rõ kỳ vọng với cấp dưới và các ứng viên xin việc.

Stephanie Dukes (40 tuổi), giám đốc kỹ thuật của Credit Karma, cho biết: "Có những ứng viên nói rằng họ rất thích làm việc từ xa. Số khác thì ngược lại. Chúng tôi phải quyết định đâu là người phù hợp với công ty mình".

Mai Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-van-phong-ben-bo-vuc-sup-do-post1350974.html