Nhiều vấn đề chưa nhận được sự đồng thuận

NDĐT - Sáng 13-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ một, triển khai nhiệm vụ học kỳ hai và công tác thi, tuyển sinh khối các sở GD và ĐT trên cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị; cùng dự có lãnh đạo các tỉnh, các sở GD và ĐT.

Tại hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề về đổi mới GD và ĐT hiện nay. Trong đó, vấn đề dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm 2014 nhận được nhiếu ý kiến phân tích, mổ xẻ.

Bốn nội dung đổi mới

Theo Bộ GD và ĐT, dự kiến kỳ thi và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ đổi mới căn bản về bốn vấn đề: Ưu tiên xét tuyển; môn thi; công nhận và xếp loại tốt nghiệp; lịch thi. Trong đó, ngoài những đối tượng theo quy chế hiện hành, các học sinh xếp loại học lực và hành kiểm ba năm bậc THPT từ khá trở lên sẽ được xét miễn thi tốt nghiệp. Học sinh được miễn thi sẽ được xếp loại tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12. Tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp chung cho cơ sở sở GD và ĐT trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 tối đa là 20%. Sở GD và ĐT có thể xác định tỷ lệ miễn thi cụ thể riêng cho từng trường THPT dựa trên kết quả đánh giá các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy học, những thành tích nổi bật của trường và các trường thành lập hội đồng xét miễn thi theo phương án đã được phê duyệt.

Ngoài ra, các môn thi cũng thay đổi từ sáu môn như trước đây còn bốn môn gồm: Hai môn thi bắt buộc (Toán và Ngữ văn); hai môn thi tự chọn (trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử).

Riêng môn Ngoại ngữ, học sinh có thể đăng ký thi để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Điểm xét tốt nghiệp được xác định bằng điểm trung bình bốn bài thi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia hai và tổng điểm khuyến khích (nếu có), chia bốn. Điểm xếp loại tốt nghiệp bằng điểm trung bình bốn bài thi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12.

Lịch thi vào các ngày 2, 3 và 4 - 6. Buổi sáng các ngày thi sẽ được chia làm hai lần thi gồm: từ 7 giờ 15 đến 8 giờ 45 thi các môn Địa lý, Lịch sử, Ngoại ngữ; từ 10 giờ đến 11giờ thi các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học. Buổi chiều sẽ thi các môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán.

Miễn thi 20% dễ nảy sinh tiêu cực

Mặc dù, chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp THPT được phần lớn các địa phương đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, phần lớn các sở GD và ĐT đều khẳng định, tỷ lệ miễn thi 20% là không cần thiết, dễ nảy sinh tiêu cực.

Giám đốc Sở GD và ĐT Kon Tum, Nguyễn Sỹ Thư cho rằng: Sở GD và ĐT phải xác định tỷ lệ miễn thi 20% cụ thể riêng cho từng trường THPT, Trung tâm GDTX; mỗi trường THPT phải thành lập hội đồng xét miễn thi rất bất cập. Học sinh, phụ huynh sẽ không đồng tình, tạo dư luận không tốt về chất lượng học sinh; không bảo đảm tính công bằng, dễ tiêu cực, bệnh thành tích.

Giám đốc Sở GD và ĐT Nam Định, Nguyễn Văn Tuấn đặt vấn đề miễn thi 20% liệu có cần thiết hay không trong khi việc xét miễn giảm là hết sức phức tạp. Vì đánh giá giữa các tỉnh hoặc ngay trong một tỉnh, từng trường hoặc ngay trong từng giáo viên cũng có những sự khác nhau. Do đó, không thể vì lý do giảm bớt áp lực thi cử mà đưa ra việc miễn thi 20%. “Nếu Bộ GD và ĐT kiên quyết thực hiện thì chúng tôi phải chấp hành nhưng vẫn giữ quan điểm không cần thiết miễn thi 20%” - ông Tuấn khẳng định.

Trong khi đó, Giám đốc Sở GD và ĐT Cà Mau, Thái Văn Long thì thẳng thắn cho rằng, Bộ GD và ĐT phải có tiêu chí cụ thể nếu thực hiện việc miễn thi. Việc đánh giá do các trường, cảm tính từng giáo viên dễ có tiêu cực và người ta sẽ bắt đầu chạy điểm từ khi học lớp mười.

Đáng chú ý, từ thực tế quá trình tuyển dụng tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Vũ Thị Bích Việt cho biết: Khi xét tuyển giáo viên mầm non, tỉnh công khai tiêu chí tốt nghiệp loại giỏi sẽ được tuyển thẳng, năm đầu chỉ có khoảng 15 em đạt loại giỏi nhưng năm sau đã có cả 100 em đạt loại giỏi là điều đáng ngờ. Vì vậy, miễn thi 20% dễ dẫn đến tiêu cực, Bộ GD và ĐT cần tính toán lại một cách kỹ lưỡng. Tốt nhất nên tổ chức thi bình thường và bảo đảm coi thi nghiêm túc, đề ra vừa phải phù hợp trình độ học sinh.

Bước thụt lùi môn Ngoại ngữ

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là môn Ngoại ngữ không đưa vào thi bắt buộc hoặc tự chọn. Ngoài một vài ý kiến đồng tình thì phần lớn đại biểu các địa phương đều cho rằng chỉ thi môn Ngoại ngữ để cộng điểm khuyến khích sẽ là bước thụt lùi và “ngược” với xu thế hiện nay.

Theo Giám đốc Sở GD và ĐT Quảng Nam, Nguyễn Tấn Thắng: Môn Ngoại ngữ cần đưa vào là môn bắt buộc hoặc tự chọn. Vì thực tế, môn Ngoại ngữ là một trong những môn bắt buộc từ trước đến nay và đã ổn định việc dạy và học. Hai năm học vừa qua, Quảng Nam có 50 trường THPT (có 14 trường ở miền núi) nhưng chỉ có khoảng 5% học sinh xin thay thế thi tốt nghiệp môn tiếng Anh. Như vậy, tại một vùng quê như Quảng Nam mà số học sinh thi thay thế môn tiếng Anh quá ít và đang có xu hướng giảm dần, đi vào ổn định nay lại bỏ thi ngoại ngữ thì thật khó hiểu. Mặt khác, nếu coi Ngoại ngữ là môn khuyến khích đã thể hiện sự không nhất quán về quan điểm chung, ảnh hưởng trực tiếp Đề án Dạy và Học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2008 đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng quan điểm, Giám đốc Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc, Hoàng Minh Quân Quân cho rằng: Đổi mới là cần thiết nhưng môn Ngoại ngữ nên đưa vào một trong sáu môn thi tự chọn. Ông Quân phân tích, nếu điểm môn Ngoại ngữ chỉ để khuyến khích, không được tính vào điểm xếp loại tốt nghiệp sẽ rất thiệt thòi cho học sinh có định hướng thi đại học vào khối có môn thi ngoại ngữ (A1, khối D). Mặt khác, theo chỉ đạo của Bộ GD và ĐT phần lớn các tỉnh đã triển khai chương trình học ngoại ngữ bảy năm (từ THCS đến hết THPT), do vậy không thể không đưa môn Ngoại ngữ vào môn tự chọn.

Trong khi đó, Giám đốc Sở GD và ĐT Nam Định, Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 (Khóa XI) phải tiến tới việc hội nhập mà chỉ thi môn Ngoại ngữ lấy điểm khuyến khích sẽ rất khó tạo động lực cho học sinh theo học.

Ngoài những vấn đề nêu trên, nhiều bất cập trong dự thảo đổi mới cũng được mổ xẻ tại hội nghị. Kết luận hội nghị, Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận, cho biết: Bộ GD và ĐT sẽ triển khai từng bước cẩn trọng, nghiêm túc và cầu thị trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý để thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh một cách tốt nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đúng ra cần xem việc thiết kế lại hệ thống giáo dục của Việt Nam như thế nào, từ đó mới ra chương trình khung chuẩn, rồi căn cứ vào đó viết sách giáo khoa, đào tạo giáo viên, đổi mới phương pháp, sau cùng mới đỏi mới thi cử.

Tuy nhiên, việc Bộ GD và ĐT chọn đột phá thi cử trước một bước để tạo xung lực mạnh, có lan tỏa đổi mới các vấn đề khác là hợp lý. Việc đổi mới thi cử phải bàn rất kỹ, làm sao để không có thay đổi liên tục, mà có tính ổn định lâu dài. Cần hướng tới có một thang đo để đánh giá kiến thức toàn diện của học sinh một cách nhanh và đơn giản nhất. Mặt khác, không nên để xảy ra tình trạng phân loại giáo viên ra thành hai loại là những giáo viên dạy những môn chắc chắn phải thi như là hạng A, dạy những môn chắc chắn không phải thi như là hạng B. Điều đó làm cho giáo viên dạy những môn ít hoặc không thi sẽ không có động lực phấn đấu. Không nên để học sinh chỉ còn mấy tháng nữa thi vẫn hồi hộp chưa biết năm nay thi môn gì, thi như thế nào?

Bộ GD và ĐT cố gắng công bố vấn đề thi cử trước khi nghỉ hè hoặc muộn nhất là khai giảng năm học mới để học sinh biết điểm mới của năm sau như thế nào. Bộ GD và ĐT nên tiếp thu ý kiến của đông đảo các địa phương, ý kiến xã hội để thống nhất đổi mới thi cử cho cả một quá trình. Thí dụ: Hiện nay có khoảng 98% học sinh tốt nghiệp THPT thì vì sao phải miễn 20%. Nếu kỳ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng, không phức tạp sao lại phải miễn?

XUÂN KỲ, QUÝ TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/giaoduc/tuyen-sinh/item/22360702-nhieu-van-de-chua-nhan-duoc-su-dong-thuan.html