Nhiều vấn đề cấp bách về môi trường được 'mổ xẻ' tại nghị trường

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kì họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 15/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà đã đăng đàn trả lời chất vấn. Một trong những vấn đề nóng nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường trong đó liên quan đến dự án ô nhiễm môi trường do Công ty Fomosa gây ra; tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường trên sông Nhuệ, sông Châu Giang…

Tập trung vào vấn đề công nghệ xử lý đối với nước thải

Đầu giờ chiều nay, 15/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã dành 20 phút để tiếp tục trả lời 18 câu hỏi chất vấn của đại biểu nêu cuối phiên họp sáng nay, liên quan tới các vấn đề như dự án đầu tư, hội nhập quốc tế, phát triển hệ thống bán lẻ, quy hoạch các công trình thủy điện…

Tiếp tục phiên chất vấn của Quốc hội khóa XIV trong chiều 15/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà lắng nghe và trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về xử lý sự cố ô nhiễm môi trường do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Công ty Formosa) gây ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nêu rõ cử tri Quảng Bình ghi nhận và đánh giá cao những giải pháp tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giải quyết hậu quả do Công ty Formosa gây ra. Đại biểu cũng đặt ra câu hỏi cho Bộ trưởng về vấn đề giải pháp khắc phục lâu dài vấn đề này.

Quốc hội phiên chất vấn ngày 15.11

Trả lời câu hỏi đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường do Công ty Formosa gây ra tại một số tỉnh miền Trung là nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Chính phủ và các địa phương đặc biệt quan tâm. Trước tiên, các cơ quan chức năng đã dồn sức để khắc phục sự cố gây ra, đồng thời quan tâm đến đời sống của người dân… Theo đó đã thành lập một lực lượng chuyên ngành gồm các nhà khoa học ở các viện khoa học có uy tín trong cả nước để cùng xem xét, đánh giá kế hoạch để yêu cầu phía Công ty Formosa phải có các biện pháp để khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể. Trong quá trình Công ty Formosa khắc phục thực hiện kế hoạch, Tổ công tác do Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam trực tiếp phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập theo dõi và giám sát về chất lượng nước thải, khí thải cũng như quản lý các chất thải đổ ra.

Đối với biện pháp xử lý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ TNMT đã đưa ra yêu cầu và quy định phải đáp ứng, kể cả những tiêu chuẩn Việt Nam chưa có thì phải áp dụng quy định cao nhất về công nghệ. Đặc biệt, Bộ TNMT đã tập trung vào vấn đề công nghệ xử lý đối với nước thải, tất cả các khâu từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hóa phát sinh ra từ nhà máy điện hoặc các khu vực khác đều được xem xét và có quy định để xử lý cụ thể. Bộ đã có tính toán để nếu kèm theo sự cố thì có các biện pháp phòng ngừa để xử lý tất cả các nguồn thải, các thông số thải được kiểm soát chặt chẽ, tự động. Quan trắc được thực hiện tự động, trực tiếp gửi về Bộ TNMT sở, ngành ở địa phương.
Ngoài ra, Bộ đã tính toán một số tồn tại về công nghệ sản xuất, để trong giai đoạn từ nay đến năm 2018, Công ty Formosa mới hoàn thành, thì phải xử lý khí thải, nước thải.
Về chất thải rắn và bùn thải nguy hại, Bộ yêu cầu trong thời gian ký hợp đồng với DN đủ tiêu chuẩn xử lý thì lưu giữ trong kho đối với chất thải nguy hại; thúc đẩy tiến độ đầu tư nhà máy xử lý. Hiện với bùn thải, chất thải công nghiệp, Formosa có ký kết với DN về lưu giữ và xử lý. Còn với chất xỉ đáy có thể sử dụng làm nguyên liệu tái chế, phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng, Bộ yêu cầu sớm có phối hợp ban hành yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật để chất thải rắn xỉ than, xỉ đáy có thể trở thành thương mại.

Đồng thời, Bộ đã đề nghị Bộ Xây dựng xây dựng tiêu chuẩn vật liệu xây dựng, để xỉ tro bay, xỉ đáy trở thành vật liệu xây dựng có giá trị thương mại. Hiện nay, với cách thức quản lý và nỗ lực của doanh nghiệp, đặc biệt Formosa đã mời nhiều cơ quan tư vấn nổi tiếng thế giới để tham vấn, giúp thay đổi từ công nghệ sản xuất, cách thức quản lý, vận hành xử lý chất thải để bảo đảm các khâu được quản lý chặt chẽ; để Formosa không gây ô nhiễm nữa và ngăn chặn triệt để nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Lựa chọn mô hình có thể khuyến khích doanh nghiệp tham gia

Một trong số những vấn đề được quan tâm trong phiên chất vấn chiều nay chính là giải quyết bài toán về ô nhiễm các dòng sông, trong đó, Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) chất vấn Bộ trưởng về tiến độ giải quyết tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ, sông Châu Giang. Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho biết, đối với sông Nhuệ, sông Đáy đã có Ủy ban lưu vực sông gồm các tỉnh, sông Cầu và nhiều dòng sông khác cũng đã có Ủy ban lưu vực sông và chúng ta cũng đã có những đề án được Chính phủ phê duyệt tập trung vào các dự án cấp bách giải quyết ô nhiễm dòng sông, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được triển khai. Hiện nay có 90% nước thải ra sông Nhuệ, sông Đáy là Hà Nội, 10% còn lại là các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam và một số địa phương khác.

Theo Bộ trưởng, Hà Nội có khoảng 2 triệu m3 nước thải từ sinh hoạt từ hệ thống hạ tầng cũ xuống cấp không thu gom được nên nước thải và nước mưa đi với nhau chạy thẳng ra sông, có khoảng 3 cụm làng nghề lớn mà lượng nước thải chưa được xử lý và kèm theo các nguồn khác. Để giải quyết vấn đề trên, cần tập trung vào các khu vực có lượng nước thải lớn nhất, đó là làng nghề và khu vực đô thị đông dân cư. Một vấn đề nữa là công nghệ và cách làm, với thực trạng hạ tầng Hà Nội hiện nay làm thế nào để có thể tính toán và thu gom tập trung được nước thải, phải tính đến mô hình phân tán, công nghệ phân tán và tính đến cách thức thu gom nước thải, có thể thu gom dọc bờ sông. “Quan trọng nhất là tiền đâu. Bây giờ Hà Nội đã xử lý được một nửa số tiền cần thiết, nguồn vốn đó đến từ ngân sách, vốn ODA, vốn đóng góp từ doanh nghiệp. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì doanh nghiệp sẽ tham gia, doanh nghiệp sẽ ngại tham gia đầu tư hệ thống hạ tầng, thu gom nước thải vì không thấy lợi nhuận, tuy nhiên khi tính toán đầu tư nhà máy xử lý nước thải thì doanh nghiệp hoàn toàn có lợi ích khi chúng ta trả chi phí hợp lý, đầy đủ. Chính vì vậy tôi đề nghị cần phải xem xét để lựa chọn mô hình có thể khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà máy, vận hành nhà máy thậm chí chuyển giao công nghệ khi cần thiết” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội ngày 15/11

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, vấn đề tiếp theo là sử dụng ngân sách và tính toán đầy đủ, nếu sử dụng ODA hiện nay theo tính toán thông thường được áp đặt về công nghệ, dự án ODA phải mất 4 – 5 năm để đàm phán mới có dự án, thế thì bao giờ thành công trong năm tới được. “Chúng tôi xem xét tính toán theo hình thức công tư, nguồn vốn ODA nên hòa vào ngân sách để tránh áp đặt công nghệ, nếu loại bỏ được khâu này thì trong vòng 6 tháng sẽ lựa chọn được nhà đầu tư, từ đó đưa ra hợp đồng thương thảo nhà nước đầu tư gì, doanh nghiệp đầu tư vận hành kinh doanh và chuyển giao…Với việc sử dụng ngân sách linh hoạt như thế thì hơn 1 triệu m3 nước thải Hà Nội sẽ được xử lý nhanh chóng, ngân sách ODA không cần đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp mà sử dụng bù lại cho doanh nghiệp lãi suất vay ngân hàng, như thế doanh nghiệp sẽ có vốn để làm. Với cách làm như thế, khi chúng ta có mô hình đầy đủ, có công nghệ thu gom xử lý cho đến mô hình quản trị, mô hình ba bên thì mỗi dòng sông sẽ chỉ mất 5 năm là làm tốt xử lý môi trường. Hà Nội đang đi theo hướng này và họ đang làm rất tốt” – Bộ trưởng nói.

Ngoài những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cũng đã trả lời chất vấn về các nội dung khác như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; trách nhiệm của Bộ TNMT trong việc hậu kiểm việc thực hiện Nghị quyết 30/2012/QH13 của Quốc hội, nhất là việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, lưu vực sông…; Việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn và trách nhiệm của Bộ TNMT để xảy ra tình trạng trên; các giải pháp khắc phục tình trạng khai thác cát, sỏi dẫn đến việc “bức tử” các dòng sông; Việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; nguyên nhân xảy ra các sự cố liên quan đến các nguồn chất thải trong khai thác khoáng sản thời gian qua và trách nhiệm của Bộ TNMT trong việc xảy ra những sự cố trên; Trách nhiệm của Bộ TNMT, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản tràn lan; các biện pháp khắc phục tình trạng trên; Giải pháp và các nguồn lực thích ứng với biến đổi khí hậu; xem xét, đánh giá tính khả thi công trình, phi công trình ứng phó với biến đổi khí hậu; vai trò của người dân trong việc tham gia đánh giá tác động của môi trường; Đánh giá hiệu quả quản lý việc bảo vệ môi trường và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật để đánh giá tác động môi trường; các giải pháp chấn chỉnh việc kiểm tra, thanh tra việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; Các giải pháp khắc phục tình trạng khô hạn kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long…

Theo chương trình, ngày 16/11/2016, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên họp chất vấn nghe Bộ trưởng Bộ TNMT trả lời, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nhieu-van-de-cap-bach-ve-moi-truong-duoc-mo-xe-tai-nghi-truong/