Nhiều uẩn khúc cần được làm sáng tỏ trong vụ 'Liệu có hai "ông Chấn" ở Hà Nam'?

Trong buổi họp báo kết luận về vụ án Trần Văn Vót, do TANDTC tổ chức vào sáng ngày 19/10, trước câu hỏi của một nhà báo: ...

Cụ Trần Anh Điền (ngồi giữa)

- Vì sao Trần Ngọc Thanh là người lần đầu tiên cầm lựu đạn ném, lại có thể ném xa được hơn 60 m?

Đại diện TANDTC đã trả lời:

- Kết quả thẩm định cho thấy không xác định được điểm đứng ném lựu đạn. Nhưng các lời khai của Thanh cho thấy anh ta ném trái lựu đạn đi xa hơn 10 m.

Và khi một nhà báo khác hỏi:

- Xô xát xảy ra giữa dân Thanh Nga và dân Nhân Phúc. Trần Ngọc Thanh là người Nhân Phúc, nếu anh ta có ném lựu đạn thì phải ném về phía dân Thanh Nga, chứ sao lại ném về phía dân Nhân Phúc.

Đại diện TANDTC đã trả lời:

- Đa số vết thương của các nạn nhân (cả 21 người bị thương trong vụ án đều là người Nhân Phúc, không có ai ở Thanh Nga) đều ở phía sau lưng và mông, tức là lựu đạn được ném từ phía sau (ý của vị đại diện TANDTC là lựu đạn không được ném từ phía người Thanh Nga sang, mà do Trần Ngọc Thanh đi sau đám người Nhân Phúc và ném vào người làng mình)...

Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Theo điều tra của chúng tôi, thì điểm đứng ném trái lựu đạn đã được xác định rất rõ ràng. Chính các điều tra viên đã xác định điểm được cho là Trần Ngọc Thanh đứng ném trái lựu đạn, rồi vẽ sơ đồ từ điểm đó đến chỗ trái lựu đạn nổ, và bắt Trần Ngọc Thanh ký vào.

Theo bản sơ đồ trên, thì điểm đứng ném lựu đạn là mé Đê Nội Khu, lui lại phía sau một đoạn là nhà bà Sự. Còn điểm trái lựu đạn rơi và phát nổ là giáp mả hủi (mả chôn người bị bệnh phong).

Căn cứ vào sơ đồ đó, luật sư Nguyễn Thị Khang (Đoàn Luật sư Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Trần Văn Vót, Trần Ngọc Thanh tại tòa) đã đo được từ chỗ đứng ném đến chỗ lựu đạn nổ là 69 m.

Trong bản kiến nghị gửi Tòa Phúc thẩm TANDTC và Viện Phúc thẩm VKSNDTC đề ngày 10/6/1994, luật sư Nguyễn Thị Khang đã nêu rõ: “Kèm theo kiến nghị này, tôi xin gửi tới quý Tòa và quý Viện sơ đồ vẽ của luật sư đoàn tham gia vụ án, có ghi rõ khoảng cách cộng lại là 69 m”.

Khoảng cách từ chỗ cơ quan điều tra xác định chỗ Trần Ngọc Thanh đứng ném trái lựu đạn đến chỗ lựu đạn rơi và phát nổ là 69 m. Trong khi quân nhân Trần Thanh Thảo, người đoạt giải nhất cuộc thi ném lựu đạn của quân khu III, chỉ ném được 59 m.

Vấn đề thứ hai, đại diện TANDTC cho là đa số vết thương của các nạn nhân đều ở phía sau lưng và mông. Nhưng ngày 22/10/2016, chúng tôi đã về Nhân Phúc, và gặp 16/21 người bị thương trong vụ án đó (5 người còn lại do đi làm ăn xa nên không gặp được), thì trừ ông Nguyễn Thanh Số bị thương ở phía sau chân trái, tay trái, và anh Trần Văn Sáu bị thương ở lưng (nhưng anh cho biết lúc đó anh đang từ bãi đi về làng, tức là ngược đường với đám đông người làng Nhân Phúc), còn 14 người đều bị thương ở bụng, ở ngực, ở chân, ở tay, ở đầu phía trước.

Cụ thể anh Trần Quang Bình bị thương ở phía trước hai chân; anh Trần Ngọc Ngọc bị thương ở phía trước đầu bên phải và phía trước đùi bên phải; anh Nguyễn Xuân Trường bị ở phía trước chân phải và phía trước sườn bên trái; anh Nguyễn Văn Đạt bị ở ngực trái và phía trước tay phải; anh Trần Ngọc Tùng bị ở phía trước chân trái...

Điều đó cho thấy trái lựu đạn đã được ném tới từ phía trước mặt người làng Nhân Phúc, tức là được ném từ phía người làng Thanh Nga sang.

Cũng trong bản kiến nghị vừa dẫn trên, luật sư Nguyễn Thị Khang đã đề nghị Tòa phúc thẩm TANDTC và Viện Phúc thẩm VKSNDTC trưng cầu giám định kỹ thuật về vũ khí để xem xét khả năng gây sát thương thực tế của trái lựu đạn như thế nào, vì “các nạn nhân đều bị thương ở phía trước, không có người nào bị phía sau”.

Sự việc như thế, không hiểu sao đại diện TANDTC lại đổi vết thương của các nạn nhân từ phía trước ra phía sau lưng và mông, để rồi kết luận Trần Ngọc Thanh đã chạy phía sau đám đông người làng Nhân Phúc để ném trái lựu đạn vào sau lưng họ?

Cũng tại cuộc họp báo này, khi một nhà báo hỏi:

- Vụ án này thật sự đặc biệt, khi người nhà của nạn nhân bị sát hại nhiều năm qua đã liên tục gửi đơn kêu oan cho ông Thanh và ông Vót?

Đại diện TANDTC đã trả lời:

- Những khiếu nại của ông Trần Anh Điền là không có cơ sở. Bản thân ông Điền không có mặt tại hiện trường, mọi thông tin ông có được đều do tự ông đi thu gom.

Xin hỏi, căn cứ nào để kết luận những chứng cứ, thông tin do cụ Trần Anh Điền thu thập được là không có cơ sở, chỉ vì cụ “không có mặt ở hiện trường”? Trong 100% vụ án hình sự, chẳng có điều tra viên hay công an nào có mặt ở hiện trường cả (nếu có, thì vụ án sẽ không bao giờ xảy ra, bởi chẳng có kẻ gây án nào lại gây án khi công an có mặt), nhưng tại sao những chứng cứ, thông tin do họ xác minh, điều tra sau đó, đều được dùng làm căn cứ để truy tố, kết án?

Cụ Trần Anh Điền là một cán bộ quân đội nghỉ hưu, là bố của nạn nhân Trần Văn Việt bị chết trong vụ án. Cụ không bị thần kinh, cũng không được hai gia đình Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh cho một đồng nào. Chỉ vì phát hiện ra sự thật của vụ án, biết rõ Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh bị oan, nên không chỉ một vài năm, mà đã hơn 20 năm nay, cụ đã lặn lội hết cửa này đến cửa khác để kêu oan cho họ, thì lý do kêu oan của cụ chắc chắn phải có căn cứ.

Không gặp cụ Trần Anh Điền để làm việc, xác minh, tại sao tổ thẩm định đã kết luận là những thông tin, chứng cứ do cụ thu thập được là không có cơ sở?

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhieu-uan-khuc-can-duoc-lam-sang-to-trong-vu-lieu-co-hai-ong-chan-o-ha-nam-post178366.html