Nhiều trường trong lộ trình trường đại học lên đại học: Hợp xu hướng nhưng đừng chệch hướng!

Để đáp ứng quy mô đào tạo từ đa ngành thành đa lĩnh vực, nhiều trường đại học đã mở ngành không phải thế mạnh của trường, thậm chí gần như không có chút liên quan gì đối với truyền thống đào tạo. Điều này đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận.

Chạy nước rút để được công nhận mô hình đại học

Hiện nay, nhiều trường đại học đang được quy hoạch theo hướng đa ngành, đa nghề để chuyển lên mô hình đại học. Theo đó, cuối năm 2021, Hội đồng trường đại học Công nghiệp Hà Nội ban hành Nghị quyết thành lập trường Ngoại ngữ - Du lịch. Điều này nằm trong lộ trình chuẩn bị các điều kiện để chuyển lên đại học của trường đại học Công nghiệp Hà Nội được xác định là đến 2025.

Trong kế hoạch 5 năm tới, trường đại học Kinh tế Quốc dân có định hướng chiến lược để trở thành đại học. Cơ cấu của đại học Kinh tế Quốc dân sẽ có ít nhất 3 trường thành viên: Trường Kinh tế, trường Kinh doanh và trường Khoa học công nghệ. Trường đại học Ngoại thương cũng có chiến lược phát triển theo hướng đại học đa ngành, đa lĩnh vực và có lộ trình phát triển phù hợp với mục tiêu đặt ra trong chiến lược là lên đại học.

Đào tạo cần phải tính đến đầu ra sinh viên có việc làm, tránh lãng phí nguồn nhân lực. Ảnh minh họa.

Tại các tỉnh phía Nam, từ cuối tháng 10/2021, trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chính thức công bố thành lập 3 trường thành viên thuộc trường, gồm: Trường Kinh doanh; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước và trường Công nghệ và thiết kế. Với việc ra mắt 3 trường này, trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu mô hình trường trong trường đại học và tiếp tục các công việc thực hiện đề án tái cấu trúc. Theo lộ trình, giai đoạn 2022 - 2025 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập đại học Kinh tế. Trước đó, năm 2022, trường đại học Bách khoa Hà Nội đã thành đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là cơ sở đại học đầu tiên chuyển từ “trường đại học” thành “đại học” sau khi Luật Giáo dục đại học 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật có hiệu lực.

Việc nhiều trường phấn đấu mục tiêu từ trường đại học lên đại học sẽ kéo theo nhiều thay đổi, nhất là trong đào tạo. Đơn cử, tại trường đại học Ngoại Thương, Hiệu trưởng PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển ngành, chương trình đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, lựa chọn những ngành, lĩnh vực có tính tiên phong, đáp ứng nhu cầu xã hội để đầu tư phát triển.

Bên cạnh việc phát huy, điều chỉnh cập nhật cùng xu thế nhu cầu nhân lực của các ngành truyền thống và có thế mạnh về kinh tế, kinh doanh thuộc các lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi, Kinh doanh và quản lý, Nhân văn (ngành Ngôn ngữ Anh, ngành Ngôn ngữ Nhật, ngành Ngôn ngữ Trung, ngành Ngôn ngữ Pháp), Pháp luật (ngành Luật), Du lịch và Khách sạn (Quản trị khách sạn). Nhà trường tiếp tục phát triển thêm các ngành mới thuộc các lĩnh vực trên và các ngành sang các lĩnh vực mới, như lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin; Báo chí và thông tin; Nghệ thuật và một số lĩnh vực khác. Riêng trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2024, trường đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.

Cũng trong xu thế mở ngành, mở lĩnh vực, đại học Bách Khoa Hà Nội năm nay mở thêm ngành Quản lý giáo dục với 60 chỉ tiêu. Trao đổi với báo chí, PGS.TS Lê Hiếu Học - Trưởng khoa, Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục thuộc trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm học 2024 - 2025, đơn vị này bắt đầu tuyển sinh ngành Quản lý giáo dục (mã xét tuyển ED3). Ngành Quản lý giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao. Sinh viên sẽ có nền tảng kiến thức vững vàng về khoa học và quản lý giáo dục, kết hợp với kỹ năng số, phương thức quản lý, đo lường và đánh giá chất lượng hiện đại.

Trong khi đó, trường đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ mở 6 ngành mới, gồm Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Quan hệ lao động. Đây cũng nằm trong chiến lược phát triển để trường đại học Kinh tế Quốc dân lên đại học.

Tránh ôm đồm, lạc hướng

Có thể thấy, xu hướng trường đại học lên đại học nhìn khía cạnh nào đó là xu hướng tích cực. Bởi càng ngày nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao càng lớn nên cần sự chung tay của nhiều trường, hợp sức mới đào tạo được một nguồn nhân lực dồi dào cho xã hội. Hơn nữa, quá trình phát triển nội tại của các nhà trường cũng đã có lịch sử lâu dài nên việc phát triển quy mô đào tạo từ đa ngành lên đa lĩnh vực cũng là một nhu cầu tất yếu.

Tuy nhiên, câu chuyện mở ngành nghề sao cho hợp lý lại là vấn đề đáng bàn. Nhiều người thực sự bất ngờ khi biết đại học Ngoại Thương có kế hoạch đào tạo báo chí, hay đại học Bách Khoa đào tạo quản lý giáo dục. Đây là hai ngành đặc thù, chưa nói đến đây là hai lĩnh vực có sự khác xa so với truyền thống đào tạo của những ngôi trường này. Ngoài ra, đầu ra sinh viên để có việc làm phụ thuộc nhiều vào tuyển viên chức nhà nước. Chính vì thế, việc các trường này mở ngành và có xu hướng mở rộng đào tạo các lĩnh vực này thực sự gây bất ngờ đối với dư luận.

Câu hỏi chất lượng đào tạo và cơ hội nghề nghiệp là vấn đề nhiều người đặt ra. Bàn về việc mở ngành hiện nay, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam cho rằng, trong cơ chế thị trường hiện nay làm sao để nhà trường tận dụng hết cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Cái đó, chủ trương là đúng. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ việc mở ngành gì, xã hội người ta có ủng hộ hay năng lực đào tạo có đáp ứng thì cần thiết phải được kiểm soát chặt chẽ.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét có đủ điều kiện để mở ngành, nếu mục tiêu mở chỉ để đạt yêu cầu từ trường đại học lên đại học theo quy định nếu mục đích chỉ như vậy là không đúng” – ông Trần Xuân Nhĩ bình luận. Ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu các trường đầy đủ điều kiện mở ngành thì không thể cản được. Vì một khi chủ trương đa ngành nếu họ có đầy đủ cơ sở vật chất, đủ giáo viên, xã hội có nhu cầu thì họ mở ngành. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần kiểm soát chặt việc này tránh việc mở ngành tràn lan.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học cho rằng, trong bối cảnh đó, các trường như đại học Ngoại thương, dù rất “hot” trong đào tạo các ngành kinh tế, ngôn ngữ nhưng đến một lúc nào đó cũng phải phát triển thành đa ngành vì theo xu thế chung. Tuy nhiên, khi mở bất kỳ ngành đào tạo nào, các trường cần có sự chuẩn bị chu đáo về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và các điều kiện khác như yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, Bộ cần xem xét rất kỹ lưỡng đề án khi trường trình lên.

Như vậy qua trao đổi có thể thấy, việc các trường phát triển theo hướng từ trường đại học lên đại học, chuyển đào tạo đa ngành sang đa lĩnh vực là xu thế chung. Tuy nhiên, không vì những yêu cầu máy móc để được công nhận lên đại học mà mở ngành, nghề tràn lan, thiếu tính toán cơ bản. Đặc biệt, với những ngành đặc thù, đào tạo đã khó, đầu ra còn bị hạn chế phụ thuộc vào nhu cầu biên chế của Nhà nước. Nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến đào tạo ra không được sử dụng.

Sự khác nhau giữa trường đại học và đại học

Theo Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018, trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Như vậy, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực (mỗi lĩnh vực có nhiều ngành). Do đó, đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học và một số cơ sở giáo dục đại học khác.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-truong-trong-lo-trinh-truong-dai-hoc-len-dai-hoc-hop-xu-huong-nhung-dung-chech-huong-post286161.html