Nhiều trường đại học muốn trở thành trọng điểm quốc gia

Dự kiến đến năm 2030, toàn quốc có 5 ĐHQG, 5 ĐH vùng và 18-20 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 30-11 đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý về "Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.

Không thành lập mới trường ĐH công lập

PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho hay theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục ĐH và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục ĐH đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng. Trong đó, có khoảng 30 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 ĐHQG, 5 ĐH vùng và 18-20 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm ngành quốc gia. Đây là các đơn vị đầu tàu, chiếm 30% quy mô đào tạo ĐH trên toàn quốc, 60% quy mô đào tạo thạc sĩ và đào tạo tiến sĩ là 80%.

Trong số 5 ĐHQG, có 3 ĐHQG phát triển trên cơ sở ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Bách khoa Hà Nội cùng 2 ĐHQH hiện nay - gồm ĐHQH Hà Nội và ĐHQG TP HCM. Các ĐH này được định hướng trở thành nhóm trường hàng đầu châu Á với ít nhất 20 lĩnh vực nằm trong tốp 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Tọa đàm lấy ý kiến góp ý về “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ngày 30-11

Cũng theo dự thảo, có khoảng 100 cơ sở giáo dục ĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương. Ít nhất 70 cơ sở giáo dục ĐH tư thục, bao gồm cả các cơ sở giáo dục ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, quan điểm của Bộ GD-ĐT là cơ bản không thành lập trường ĐH công lập mới, trừ trường hợp đặc biệt.

Về đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT dự kiến từng bước chuyển việc đào tạo ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ sang các trường ĐH sư phạm và các cơ sở giáo dục ĐH đa ngành có nhóm ngành đào tạo giáo viên. Từ sau năm 2030, chỉ tổ chức đào tạo giáo viên tại các cơ sở giáo dục ĐH.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy Việt Nam hiện có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, bao gồm: 15 trường ĐH sư phạm; 50 trường ĐH đa ngành và trường ĐH đặc thù có đào tạo giáo viên; 20 trường CĐ sư phạm; 18 trường CĐ đa ngành có đào tạo giáo viên. Đến năm 2030, toàn quốc dự kiến có khoảng 50 cơ sở giáo dục ĐH tham gia đào tạo giáo viên các trình độ; không còn đào tạo giáo viên tại trường CĐ sư phạm, CĐ đa ngành.

Vì sao giáo viên mầm non phải có trình độ ĐH?

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương, cho biết hiện có 3 trường CĐ trực thuộc Bộ GD-ĐT là CĐ Sư phạm Trung ương, CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang và CĐ Sư phạm Trung ương TP HCM. Khoảng 60 năm qua, mỗi trường đào tạo hơn 30.000 giáo viên mầm non cho cả nước.

Nêu thực tế cả nước đang thiếu hơn 51.000 giáo viên mầm non, bà Thanh cho rằng nếu đào tạo giáo viên mầm non ở trình độ ĐH sẽ càng gây lãng phí và càng gây thiếu hụt trầm trọng giáo viên ở bậc học này. Vì vậy, cần xem xét lại định hướng đến năm 2030, các trường CĐ sư phạm sẽ không còn đào tạo giáo viên mầm non. Bà Thanh đề xuất sáp nhập ba trường CĐ sư phạm thành một cơ sở giáo dục ĐH để đào tạo nguồn giáo viên mầm non trong thời gian tới.

Phản hồi ý kiến này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng việc trường CĐ sư phạm mở thêm một ngành khác hay sáp nhập các trường CĐ thành một trường sẽ gây khó khăn trong quản lý. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dự thảo ưu tiên theo hướng các trường CĐ sư phạm sáp nhập với một trường ĐH có đào tạo giáo viên, hoặc sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo trong một trường ĐH tại địa phương. Đây là phương án phát triển tốt nhất để đội ngũ giáo viên phát huy năng lực.

Cũng tại tọa đàm, lãnh đạo nhiều trường ĐH bày tỏ mong muốn trở thành ĐH trọng điểm, ĐHQG. GS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội, cho rằng ngành dược học là ngành hết sức quan trọng, toàn quốc chỉ có duy nhất một trường ĐH đào tạo ngành này. Vì vậy, đề nghị bổ sung Trường ĐH Dược Hà Nội vào danh sách trường trọng điểm quốc gia.

Ông Trần Hà Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, cũng nêu rõ nhà trường trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải và được bộ quy hoạch thành trường ĐH trọng điểm quốc gia. Do đó, đại diện nhà trường đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét đưa trường vào quy hoạch mạng lưới các trường ĐH trọng điểm trong dự thảo quy hoạch.

Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên Trần Thanh Vân đề nghị đưa ĐH Thái Nguyên trở thành ĐHQG, ĐH trọng điểm quốc gia trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Vân cho rằng trong việc quy hoạch một số cơ sở giáo dục ĐH thành ĐHQG, ngoài các tiêu chí về đội ngũ, học thuật..., cần đặc biệt chú ý cách tiếp cận địa - chính trị phát triển vùng, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Theo đại diện Trường ĐH Mỏ - Địa chất, trong một số ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm được đưa vào danh sách quy hoạch của Bộ GD-ĐT, có một số ngành trọng điểm của Trường ĐH Mỏ - Địa chất.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá mong muốn bổ sung một số trường ĐH vào danh sách quy hoạch trường trọng điểm quốc gia là mong muốn xác đáng. Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo theo hướng làm rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí để đầu tư - xây dựng trường ĐH trọng điểm quốc gia chứ không phải chỉ là danh xưng được công nhận.

"Không phải cơ sở trọng điểm thì mới được đầu tư mà là được ưu tiên hơn" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói rõ thêm.

Bài và ảnh: YẾN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nhieu-truong-dai-hoc-muon-tro-thanh-trong-diem-quoc-gia-20231130220244967.htm