Nhiều tín hiệu tốt để du lịch bứt phá trong năm 2024

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nếu trong năm 2019, khách du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt và khách quốc tế 18 triệu lượt, thì từ năm 2020 - 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm mạnh, năm 2023 chỉ đạt 12,6 triệu lượt khách quốc tế.

Theo đánh giá của TS Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế du lịch TP Hồ Chí Minh, trong năm 2024, ngành du lịch có nhiều tín hiệu tốt để kỳ vọng sẽ thu hút được một lượng lớn khách du lịch quốc tế, đạt ngưỡng như năm 2019 là 18 triệu lượt khách.

Phân tích của TS Dương Đức Minh cho thấy, theo dự báo của tổ chức du lịch thế giới, thị trường tăng trưởng lớn nhất về du lịch của cả thế giới là khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và mức tăng trưởng 2% so với năm 2019. Như vậy, năm 2024 hứa hẹn ngành du lịch rất rộn ràng.

Khách du lịch quốc tế tham quan chợ Bến Thành.

Cuối năm 2023 có 67,6 triệu khách lưu trú (trong khi 2019 chỉ có 43,5 triệu lượt khách lưu trú), việc gia tăng mạnh mẽ của khách du lịch khi sử dụng các dịch vụ của chuỗi cung ứng nhà hàng, khách sạn cũng tạo sức ép về ngành dịch vụ năm 2024.

Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm 2024 lượng khách quốc tế đến Việt Nam rất đông, nhiều nhất là các thị trường: Hàn Quốc gần 900.000 lượt khách; Trung Quốc hơn 537.000 lượt khách… và lượng khách tăng đều qua các tháng. Tất cả các tour, tuyến, các công ty du lịch ở TP Hồ Chí Minh đều rất sôi động và nhộn nhịp, khác với trước đây, cứ vào mùa cao điểm là đông khách.

Thời điểm hiện nay, rất nhiều thị trường lượng khách tăng đáng kể cho thấy du lịch không chỉ phục hồi mà phục hồi một cách bứt phá. Cùng với những tín hiệu trên, dự báo năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, các ngành liên quan du lịch cũng sẽ có cơ hội kích cầu, gia tăng nguồn lực.

Cũng theo chia sẻ của TS Dương Đức Minh, qua nghiên cứu nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước từ 2016-2023 cho thấy, họ đánh giá rất cao ngành ẩm thực Việt Nam, trong đó những giá trị tinh hoa của ẩm thực Việt Nam đã được khẳng định với nhiều danh hiệu khác nhau và đã đến lúc Việt Nam trở thành nhà bếp của thế giới. Về kinh tế du lịch, Viện cũng đã nghiên cứu 2 mô hình, thứ nhất là mô hình du lịch thuận thiên ở Trà Vinh, những sản phẩm nông sản sạch, tự nhiên của nông dân làm ra đã hấp dẫn du khách đến trải nghiệm không chỉ một lần mà lâu dài.

Đặc biệt, các sản phẩm du lịch có giá trị rất cao như mặt hàng gạo có giá bán chênh lệch so thị trường tăng 250%. Mô hình thứ 2 là du lịch gắn với sản phẩm trà ở Đà Lạt. DN cũng đã đưa câu chuyện sản xuất trà ô long sạch vào trong sản phẩm. Vì vậy, thành phẩm của trà có giá 650.000 đồng/kg, nhưng khi trở thành sản phẩm du lịch, được nâng cấp về giá trị đã có giá lên đến 1,8 triệu đồng/kg. Ngoài ra, sản phẩm OCOP cũng là sản phẩm đặc trưng, khách du lịch rất ưa chuộng.

T.Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/nhieu-tin-hieu-tot-de-du-lich-but-pha-trong-nam-2024-i726015/