Nhiều thông tin bất ngờ về những ngày cuối cùng của Hít –le

1. Lập di chúc ngay sau lễ cưới

QĐND - Năm 1945, ngay sau khi lễ cưới vừa kết thúc, trùm phát -xít A.Hít -le đã làm một việc hiếm thấy trong lịch sử là lập di chúc. Nội dung di chúc gồm hai phần: Về chính trị và về bản thân.

Trong phần thứ nhất, Hít-le viết: “Kể từ khi tôi tham gia với tư cách là một lính tình nguyện của Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất đến nay đã khoảng hơn 30 năm. Trong hơn 30 năm ấy, toàn bộ tư tưởng chỉ đạo, hành động và những gì tôi làm trong cuộc sống đều chứng tỏ tình yêu nước và lòng trung thành của tôi đối với nhân dân. Tất cả điều đó đã tạo cho tôi sức mạnh để tôi có thể đưa ra quyết định trong thời điểm khó khăn nhất của nhân loại.

A. Hít -le. Ảnh: Time

Nói tôi hay người Đức nào đó muốn chiến tranh vào năm 1939 là không đúng sự thực. Chiến tranh hoàn toàn do những người có huyết thống Do Thái hoặc là những chính khách nước ngoài muốn phục vụ cho lợi ích của người Do Thái kích động mà nên. Tôi đã nhiều lần kêu gọi giải trừ quân bị. Vì vậy, thế hệ tương lai không thể đem trách nhiệm khiêu khích chiến tranh lần này đổ lỗi cho tôi. Những người trong đảng Chủ nghĩa xã hội quốc gia đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp phục hưng dân tộc của nhân dân Đức nhưng cuối cùng vẫn không thể thoát khỏi cuộc chiến tranh.

Trong 6 năm chiến tranh này. Nước Đức tuy gặp phải hàng loạt thất bại nhưng một ngày nào đó sẽ được coi là một đất nước anh dũng nhất, vinh quang nhất trong cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn của dân tộc. Sau 6 năm, ngày hôm nay tôi không thể bỏ rơi thủ đô đất nước này để lo cho bản thân. Quân đội của tôi đã cạn kiệt, không còn đủ để chào đón hay từ chối kẻ thù tấn công Béc -lin. Khả năng kháng cự của chúng tôi dần dần cũng bị hủy hoại bởi một đội quân to lớn không có tính người. Tôi muốn tuyên bố rằng, tôi sẽ cùng chung số phận với hàng triệu đồng bào lưu tại Béc -lin. Tôi hoàn toàn không muốn dựa vào những sự kiện giật gân để kích động quần chúng cuồng loạn, giống như người Do Thái. Vì thế, tôi quyết định ở lại Béc -lin. Tôi cho rằng, khi địa vị người đứng đầu đã không thể duy trì thì nên hy sinh thân mình cho đất nước”.

Nội dung tiếp theo của phần di chúc chính trị là về việc sắp xếp lại bộ máy chính quyền: “Trước khi tuẫn tiết, tôi muốn khai trừ cựu nguyên soái Đức Quốc xã Héc -man Gô -ring ra khỏi đảng. Thu hồi Nghị định ngày 29-6-1941 và bài phát biểu của tôi về việc bổ nhiệm ông ta tại Quốc hội ngày 1-9-1939. Tôi muốn bổ nhiệm Thủy sư Đô đốc Đô -nít thay thế cho Gô -ring làm Tổng thống đế quốc và Tư lệnh tối cao của quân lực Đức quốc xã.

Trước khi tử vì đạo, tôi cũng tuyên bố khai trừ Bộ trưởng Nội vụ Đức Quốc xã Hên -rích Him -le ra khỏi Đảng và bãi bỏ tất cả các chức vụ khác của ông ta. Tôi bổ nhiệm Pôn Ghi -lơ thay thế Hên -rích Him -le làm Bộ trưởng Nội vụ.

Héc -man Gô -ring và Hên -rích Him -le đã bí mật đàm phán với quân địch và còn có ý đồ tạo phản, giành lấy chính quyền nhà nước. Điều này chứng tỏ họ không chỉ không trung thành với tôi mà còn mang đến cho nước Đức và người dân Đức sự nhục nhã khủng khiếp”.

Trong bản di chúc, Hít-le còn bổ nhiệm Gốp -bel thay thế mình làm thủ tướng Đức quốc xã, giải quyết các hậu quả của Đức quốc xã.

Trong di chúc của Hít -le còn có một đoạn về bản thân như sau:

“Trong những năm đấu tranh trước đây, tôi từng nghĩ rằng mình có thể gánh vác trách nhiệm cuộc hôn nhân nhưng hiện nay cuộc sống của tôi sắp kết thúc. Nguời phụ nữ kết hôn với tôi là người đã chân thành gắn bó với tôi bao năm, tự nguyện ở lại Béc -lin, tự nguyện làm vợ tôi và cùng tôi đi đến cái chết. Điều này đã bù đắp cho những mất mát của chúng tôi trong quá trình tôi bận rộn vì sự nghiệp phục vụ nhân dân suốt nhiều năm qua.
Tất cả tài sản của tôi, cho dù giá trị như thế nào cũng đều thuộc về đảng, nếu đảng không còn thì thuộc về nhà nước. Nếu đất nước cũng bị diệt vong thì tôi chẳng dùng nó làm việc gì được.

Tranh sơn dầu mà tôi đã mua trong mấy năm qua hoàn toàn không phải là bộ sưu tập của cá nhân tôi mà để vào việc xây dựng một triển lãm tranh ở quê hương tôi - thành phố Lin, bên sông Đa -nuýp.

Tôi vô cùng mong muốn di chúc này sẽ được thực hiện một cách trung thực. Vì lý do này, tôi chỉ định một đồng chí rất trung thành với tôi là Mác -tin Bô -man làm người chịu trách nhiệm thi hành di chúc. ông ta có toàn quyền ra quyết định. ông ấy có quyền đem bất kỳ tài sản nào của tôi giao cho bất kỳ người thân nào của tôi hoặc để làm vật kỷ niệm hay làm nguồn trợ cấp duy trì cuộc sống. Đương nhiên, phải nghĩ đến mẹ vợ tôi và cả những người trong nhiều năm qua đã ở bên cạnh, phục vụ tôi.

Hai vợ chồng tôi quyết định lựa chọn cái chết để tránh sự nhục nhã của việc đầu hàng. Tôi hy vọng thi thể của chúng tôi sẽ được hỏa táng ngay hoặc chôn tại mảnh đất này, nơi mà tôi đã cống hiến cho quốc dân suốt 12 năm qua.

Đây là việc diễn ra trong đêm 28 rạng 29- 4-1945.

2. Đôi vợ chồng mới cưới cùng tự sát

Trong ngày 29, Hít-le nhận được một thông tin không mấy vui vẻ: Người cùng hội cùng thuyền của hắn là Mu -xô-li-ni bị người I -ta-li-a giết chết. Ngày 26-4, Mu-xô-li-ni mang người tình chạy trốn từ I -ta-li-a sang Thụy Sĩ. Mặc dù đã hóa trang nhưng rốt cuộc vẫn bị người dân I -ta-li-a phát hiện, bắt giữ rồi hành quyết. Thi thể của tên phát xít này bị chuyển đến Mi -lan và treo ngược trên cột điện.

Kết cục của Mu -xô-li-ni làm cho vợ chồng Hít -le càng tăng thêm quyết tâm tự sát. 2 giờ sáng ngày 30-4, Hít-le từ biệt thuộc hạ, bước vào phòng ngủ của hai vợ chồng. Ngay sau đó, từ trong phòng vang lên tiếng súng, Hít-le đã chết. Vợ hắn cũng uống thuốc độc tự vẫn. Theo kế hoạch đã định, thuộc hạ của hắn lập tức đem thi thể ra vườn, đổ 180 lít xăng vào rồi đốt thành tro bụi. Hít -le trước đó đã nghĩ đến tình huống nếu bắn không chết thì sẽ rất khó xử, vì vậy trước khi bắn hắn đã dùng potassium cyanide. Đây là thuốc độc do Gô -ring chuẩn bị từ trước. Nay Gô -ring phản bội làm cho Hít -le nghi ngờ thuốc độc đó là giả. Vậy là hắn tìm một con chó trong tầng hầm để thử nghiệm. Kết quả là con chó chết ngay tại chỗ, Hít-ler mới tin. Vì vậy, nếu viên đạn kia không chuẩn thì hắn vẫn chết bởi vì hai vợ chồng hắn đã cùng dùng thuốc độc.

3. Tuẫn táng cả gia đình Gốp -ben

Vợ chồng Gốp -ben có 6 con ở các lứa tuổi 12, 11, 9, 7, 5, 3. Trong đó có 5 gái, 1 trai. Làm cha mẹ mà giết con mình như vợ chồng Gốp -ben quả là điều hiếm thấy trong lịch sử. Bà mẹ độc ác này rốt cuộc là người như thế nào?

Bà Gốp-ben vốn có tên là Ma -đa, đã có một người chồng trước là doanh nhân giàu có nhưng nêu cao chủ nghĩa phát xít nên bà đã ly dị với người này để kết hôn với nhà lý luận hàng đầu Đức quốc xã là Giô -dép Gốp -ben. Họ kết hôn vào tháng 12-1931. Bà đã có với người chồng trước một đứa con trai.

Năm 1940, người con trai này gia nhập quân đội, sau đó bị quân Đồng minh bắt. Trước khi con trai tuẫn nạn, Ma-đa đã viết một bức thư cho anh ta như sau: “Con trai thân yêu của mẹ, chúng ta đến hầm ngầm của quốc trưởng đã 6 ngày. Bố, các em của con và mẹ, tất cả là 8 người đều cùng ở đây. Chúng ta sẽ vì chủ nghĩa xã hội quốc gia mà hy sinh một cách vinh quang.

Mẹ không biết bức thư này có đến được tay con hay không, nhưng cầu chúa giúp đỡ để mẹ có thể hỏi thăm con một lần cuối. Mẹ cho con biết. Chủ nhật trước, ngài quốc trưởng yêu cầu chúng ta hãy nhanh chóng ra đi nhưng con biết đấy, chúng ta cùng một huyết thống. Mẹ không thể có lựa chọn nào khác. Niềm tin cao quý của chúng ta cùng đi trên một con đuờng. Đây chính là lý do vì sao mẹ muốn đem các con của mẹ đến ở cùng nơi này. Các em con vẫn phải sống sau khi cha mẹ chết đi, đó là điều không thể tưởng tượng được. Mẹ không muốn chúng phải sống cuộc sống không thể tưởng tượng được đó. Mẹ tin thượng đế nhân từ đại bi sẽ thương chúng ta.

Các em con sống trong môi trường nguyên thủy. Cho dù phải ngủ trên sàn nhà, cho dù không có gì ăn, từ trước đến giờ chúng cũng không bao giờ kêu ca hay khóc một tiếng nào. Những ngày ở dưới tầng hầm, chúng cũng không hoảng sợ. Đứa lớn an ủi đứa nhỏ. Chúng sẽ ở đây để mang hạnh phúc đến cho mọi người. Không cần nói về bất cứ điều gì khác, mỗi ngày chúng đều làm cho quốc trưởng vui vẻ.

Hôm qua, quốc trưởng tự tay đem huy chương của mình gắn lên người mẹ, làm cho mẹ cảm thấy hạnh phúc vô cùng, hy vọng thượng đế cho chúng ta sức mạnh để có thể hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng. Chỉ có một việc mà chúng ta đang theo đuổi hiện nay là: Thề trung thành với quốc trưởng cho đến chết, cùng ông chịu nạn.
Con thân yêu của mẹ, mong con hãy vì nước Đức mà tồn tại.

Mẹ của con”.

Ngày 28-4, bà Gốp -ben lại viết một bức thư khác gửi cho người con trai lớn này: “Chúng ta hiện nay đang bị mắc kẹt trong tầng hầm bên cạnh văn phòng của quốc trưởng, chiến đấu vì sự sinh tồn và vinh quang của chúng ta. Kết cục như thế nào thì chỉ có thượng đế mới biết. Nhưng mẹ hiểu rất rõ rằng chúng ta không thể ra đi, dù sống hay chết chúng ta cũng không thể ra đi. Mẹ nghĩ rằng chúng ta sẽ không thể gặp nhau được nữa. Bức thư này có thể là bức thư cuối cùng mà con nhận được. Nếu con may mắn sống sót, mẹ hy vọng con vẫn sẽ mãi tôn kính cha mẹ. Không nên vì chúng ta không còn sống mà không cứu tương lai nước Đức. Rất có thể con là người duy nhất sống sót để làm người kế tục truyền thống gia đình ta. Con cần phải làm tất cả vì danh tiếng của gia đình. Nước Đức không thể diệt vong, nó sẽ được phục hưng. Chúng ta sẽ xây dựng tấm gương sáng ngay dưới tầng hầm của quốc trưởng này.

Con nên tự hào vì mẹ của mình. Hôm qua quốc trưởng đã đem huân chương gắn cho mẹ. Chỉ có mẹ có đủ tư cách nhận được vinh dự này.

Con phải biết nhiệm vụ của mình xứng đáng với sự hy sinh mà chúng ta đã quyết tâm. Mẹ mong con không vì muôn vàn gian nan mà mất đi ý chí. Có một ngày, ảo tưởng sẽ sụp đổ, chân lý sẽ như mặt trời mọc, Đức sẽ phục hồi danh tiếng giống như đức tin thuần khiết của chúng ta.

Tạm biệt con của mẹ. Chỉ có Chúa mới biết chúng ta có thể tạm biệt nhau. Nếu như đây là vĩnh biệt thì con cũng có thể ngẩng cao đầu vì con là một thành viên trong gia đình ta. Gia đình chúng ta vĩnh viễn thuộc về quốc trưởng, trung thành với sự nghiệp thần thánh của ông cho đến chết. Từ tận đáy lòng, mẹ chúc phúc cho con.

Mẹ”

Ngày 28-4, trước khi chết, gia đình Gốp -ben còn viết những dòng về lòng trung thành với Hít -le như sau: “Quốc trưởng đã lệnh cho tôi, trong trường hợp Béc -lin sụp đổ, tôi phải nhanh chóng rời đi. Trong cuộc đời tôi, đây là lần đầu tiên tôi kiên quyết chống lại lệnh của quốc trưởng. Vợ con tôi cũng đồng tình với tôi. Bỏ rơi quốc trưởng vào giờ phút quan trọng nhất thực sự là điều mà một người trung thành không thể làm được. Hơn nữa, trong những năm tới thế giới sẽ thấy tôi là người phản bội đáng xấu hổ và thấp hèn. Tôi không chỉ mất đi sự tôn trọng của đồng bào mà còn mất đi lòng tự trọng của chính mình. Trong những ngày quốc trưởng bị cơn ác mộng ám ảnh không thể thiếu một người hy sinh vô điều kiện vì ông ta.

Vì vậy, tôi tin rằng mình đang làm một việc tốt nhất cho tiền đồ của nhân dân Đức. Trong những năm tháng gian khổ sau này, việc nêu gương cho thế hệ tương lai càng quan trọng hơn.

Vì lý do này, tôi, vợ tôi và những đứa con gái của chúng tôi (chúng còn quá nhỏ, chưa biết thể hiện ý kiến của mình. Nếu tuổi của chúng có lớn hơn hiện nay một chút cũng không có sự lựa chọn nào hoàn hảo hơn việc đồng ý với quyết định của chúng tôi) thể hiện quyết tâm một cách kiên định: Không muốn làm kẻ phản bội rời xa ông ta, trái lại muốn kết thúc cuộc sống của chúng tôi bên cạnh vị quốc trưởng này. Bởi vì nếu chúng tôi không thể sống bên cạnh và phục vụ ông thì cuộc sống đối với chúng tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Tối 1-5, gia đình Gốp -ben thực hiện kết hoạch mà họ đã định. ông gọi 6 đứa con lại, yêu cầu bác sĩ tiêm thuốc độc cho mỗi đứa. Sau đó, hai vợ chồng ra vườn hoa nhờ một người bắn vào sau đầu họ. Người này chấp hành mệnh lệnh, sau đó tưới xăng lên thi thể của họ rồi đem đốt thành tro bụi.

Gốp -ben cả đời luôn nói dối, đến mức trở thành “chuyên gia” nói dối nổi tiếng, nhưng có một điều ông ta không nói dối là: ông vĩnh viễn trung thành với Hít -le.

Hồng Nhung (Theo Sina)

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/77/77/77/183879/Default.aspx