Nhiều thách thức đang chờ đón tân Tổng thống Lebanon

Tân Tổng thống Lebanon đã nhậm chức và kết thúc giai đoạn bỏ trống quyền lực tối cao kéo dài gần 30 tháng qua khiến Lebanon rơi vào khủng hoảng.

Ngày 31/10, Quốc hội Lebanon đã bầu cựu tướng quân đội nước này, ông Michel Aoun, 81 tuổi, làm Tổng thống. Đây được coi là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước Lebanon, bởi nó đã chính thức kết thúc giai đoạn bỏ trống quyền lực tối cao kéo dài gần 30 tháng qua và khiến cho hoạt động của Chính phủ Lebanon bị tê liệt hoàn toàn.

Hàng ngàn người dân Lebanon đã lập tức đổ xuống đường ăn mừng và chào đón tân Tổng thống, trong khi nhiều quốc gia khu vực và thế giới cũng đã lên tiếng chúc mừng.

Tân Tổng thống Lebanon, ông Michel Aoun, 81 tuổi. (ảnh: AP).

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc có Tổng thống mới không đồng nghĩa hoàn toàn với việc Lebanon đã chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị phức tạp, kéo dài và vẫn đang bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố bên ngoài. Thực tế, đang có khá nhiều thách thức không dễ vượt qua chờ đón tân Tổng thống Lebanon Michel Aoun ở phía trước.

Thách thức nghiêm trọng đầu tiên và trước mắt mà tân Tổng thống Lebanon Michel Aoun phải đối mặt là việc bổ nhiệm một Thủ tướng mới để thành lập một Chính phủ mới. Bước đi này là hết sức quan trọng bởi nó không chỉ nhằm hoàn thiện bộ máy chính quyền, mà còn là cơ sở để xây dựng Luật Bầu cử và tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội mới.

Hiện tại, ứng viên được đánh giá là có khả năng được chỉ định nhất là cựu Thủ tướng Saad Hariri, Thủ lĩnh Phong trào Tương lai trong Quốc hội Lebanon. Ông Hariri đã ủng hộ ông Aoun trở thành Tổng thống và đây được coi là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên chiến thắng của ông Aoun trong cuộc bầu cử tại Quốc hội.

Tuy nhiên, với điều kiện Thủ tướng được chỉ định phải nhận được sự ủng hộ của tất cả các lực lượng chính trị lớn trong nước, khiến cho nhiệm vụ trở thành người đứng đầu Chính phủ mới của ông Hariri là không hề đơn giản.

Bởi lẽ, ông Hariri không chỉ vấp phải sự cạnh tranh trực tiếp từ các chính khách trong các chính đảng khác, đứng đầu Phong trào Hồi giáo Hezbolla, một thế lực có ảnh hưởng đặc biệt trên chính trường và trong xã hội Lebanon, mà còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong chính nội bộ Phong trào Tương lai mà ông lãnh đạo.

Theo rất nhiều nguồn tin đáng tin cậy thì việc ông Hariri ủng hộ ông Aoun làm Tổng thống, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một bộ phận không nhỏ các lãnh đạo và thành viên của Phong trào Tương lai.

Rõ ràng, việc ông Hariri trở thành Thủ tướng mới của Lebanon, vẫn chưa được đảm bảo. Nhưng nếu không phải ông Hariri, bất kỳ một nhân vật nào khác được đề cử thành lập Nội các mới, thậm chí cơ hội thành công còn thấp hơn rất nhiều. Tức là, thách thức đối với Tổng thống Aoun sẽ càng lớn hơn.

Thách thức nghiêm trọng thứ hai mà Tổng thống Aoun sẽ phải đương đầu là việc xử lý mối quan hệ với Hezbolla, tổ chức Hồi giáo vũ trang vốn được coi là một “Nhà nước trong Nhà nước” tại Lebanon. Chỉ riêng trong thách thức này thôi, Tổng thống Aoun sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề liên quan đến quyền lực, vũ khí và sự can dự của Hezbolla vào các cuộc khủng hoảng ở Syria, Iraq và Yemen.

Hezbolla hiện có quan hệ rất gần gũi với Iran, quốc gia Hồi giáo dòng Shiite, trong khi nhiều lực lượng chính trị khác tại Lebanon, trong đó có Phong trào Tương lai của ông Hariri, lại chịu ảnh hưởng lớn từ các quốc gia Arab Hồi giáo dòng Sunni do Saudi Arabia đứng đầu. Do đó, xử lý quan hệ với Hezbolla tức là Tổng thống Aoun cũng phải đồng thời xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực liên quan đến Hezbolla.

Ngoài ra, tân Tổng thống Aoun cũng sẽ phải cầm trịch xử lý cuộc đấu tranh tranh giành quyền lực gay gắt giữa các phe phái chính trị trong nước, vốn là nguyên nhân cơ bản khiến Quốc hội Lebanon không thể bầu được Tổng thống mới kể từ tháng 5/2014. Đây được coi là một sứ mệnh khó khăn khi các phe phái vẫn bất đồng quan điểm sâu sắc về nhiều vấn đề trọng đại của đất nước, đứng đầu là vấn đề xử lý quan hệ với Hezbolla.

Rõ ràng, đang có nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước chờ đón tân Tổng thống Lebanon. Phần lớn các ý kiến đều lo ngại người đứng đầu quốc gia Arab bên bờ Địa Trung Hải khó lòng mà vượt qua được những thách thức đầy chông gai này, nhất là khi ông Aoun đã bước sang tuổi 81 và bối cảnh lịch sử khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, tác động bất lợi lên cả khu vực, trong đó có Lebanon.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến vẫn tin tưởng rằng, với kinh nghiệm và bản lĩnh của một cựu Tướng quân đội, tân Tổng thống Aoun sẽ biết phải làm sao để xử lý và dung hòa các mối quan hệ trong nước, khu vực và quốc tế, nhằm từng bước ổn định tình hình và khôi phục sự thịnh vượng của đất nước./.

Bá Thi-VOV/Cairo

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/nhieu-thach-thuc-dang-cho-don-tan-tong-thong-lebanon-565486.vov