Nhiều rào cản trong thúc đẩy điện toán đám mây tại Việt Nam

Đang có rất nhiều rào cản trong việc thúc đẩy công nghệ đám mây tại Việt Nam, trong đó một rào cản lớn chính là sự lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, các diễn giả cho biết trong Hội nghị Điện toán Đám mây Việt Nam 2017 với chủ đề “Việt Nam và cách mạng 4.0: Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây” diễn ra ngày 22-6 tại Hà Nội.

Hội nghị có sự góp mặt của gần 400 đại biểu với 2/3 là các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp ứng dụng CNTT và 1/3 là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nền tảng điện toán đám mây hàng đầu trong nước và quốc tế, nhằm mục tiêu góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường và nền tảng điện toán đám mây tại Việt Nam, thúc đẩy các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chuyển dịch, cung cấp dịch vụ trên nền tảng đám mây, sẵn sàng đón bắt cơ hội của làn sóng công nghiệp 4.0.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, điện toán đám mây là một xu thế công nghệ tất yếu và trở thành một công nghệ quan trọng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Phúc, hiện Bộ và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy cải cách hiện tại, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc lưu ý các doanh nghiệp, tổ chức cần nhận thức rõ ràng các thách thức mà điện toán đám mây mang lại. Đó là những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn về an toàn thông tin, tính riêng tư khi dữ liệu được thu thập và xử lý phân tán, tích hợp nhiều tầng dịch vụ với nhiều công nghệ khác nhau. Đó còn là sự thay đổi mô hình quản lý CNTT của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp từ vai trò của chủ đầu tư sang vai trò của bên đi thuê dịch vụ.

“Sự thay đổi mô hình quản lý CNTT này dẫn đến sự thay đổi lớn đối với các đơn vị chuyên trách CNTT, cả về tư duy, phương thức, quy trình lẫn nguồn nhân lực”, ông Phúc nói.

Báo cáo kết quả khảo sát về ứng dụng điện toán đám mây được thực hiện với hơn 500 doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam do PGS, TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu trình bày cũng chỉ ra những tiềm năng, cơ hội cho sự phát triển của thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam. Cụ thể, khảo sát cho thấy, trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42,5%).

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam còn rất thấp (1,7 USD/năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan và 1,3 lần so với Philippines.

Khảo sát của ông Vũ Minh Khương và khảo sát nhanh gần 200 đơn vị dự hội thảo cho thấy, chi phí đầu tư không phải là trở ngại, mà rào cản lớn nhất là việc dùng phần mềm không bản quyền còn phổ biến, sự thiếu hiểu biết về lợi ích của điện toán đám mây, lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, và chất lượng dịch vụ đám mây tại Việt Nam chưa thực sự bảo đảm.

Các diễn giả đề nghị Chính phủ cần có những chính sách định hướng cấp thiết, các doanh nghiệp, tổ chức cần có những chiến lược nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng cloud sớm để nâng cao hiệu quản sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam tiến nhanh, mạnh trong Cuộc cách mạng 4.0 này.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/congnghe/thong-tin-so/item/33235602-nhieu-rao-can-trong-thuc-day-dien-toan-dam-may-tai-viet-nam.html