Nhiều nước đóng cửa các trường học do dịch COVID-19

Nhiều nước đã tuyên bố đóng cửa trường học như một biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

 Một lớp học ở Labastida, xứ Basque, Tây Ban Nha. Ảnh: EPA

Một lớp học ở Labastida, xứ Basque, Tây Ban Nha. Ảnh: EPA

Nhiều thành phố lớn của Mỹ cấm tổ chức cũng như hủy bỏ các sự kiện hay các cuộc họp đông người. Các doanh nghiệp lớn cho phép nhân viên được làm việc tại nhà và một số trường học đã đóng cửa hoặc ngừng các lớp học trực tiếp, thay vào đó là các lớp học trực tuyến. Các biện pháp trên được đưa ra khi số ca có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng nhanh tại các thành phố và các bang của Mỹ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo với Thống đốc bang Ohio Mike DeWine, Giám đốc Sở Y tế Amy Acton cho biết virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng tại bang Ohio, đồng thời nhận định ít nhất 1% dân cư của bang này nhiễm, đồng nghĩa với việc hơn 100.000 người sẽ bị nhiễm trong tổng số 11,7 triệu người. Ngoài ra, theo quan chức trên, việc tiến hành xét nghiệm chậm trễ do không đủ bộ thử sẽ khiến bang này khó xác định chính xác số người nhiễm. Các nhà chức trách Ohio cho biết đang thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm làm chậm sự lây lan của virus, như đóng cửa các trường học trong 3 tuần và cấm các cuộc tụ họp từ 100 người trở nên.

Cùng với Ohio, bang Illinois cũng đã cấm tổ chức các sự kiện công cộng có sự tham gia của hơn 1.000 người trong vòng 30 ngày nhằm ngăn chặn dịch. Ngoài ra, tất cả các sự kiện thể thao lớn sẽ tạm ngừng cho đến ngày 1/5. Thống đốc bang cũng kêu gọi hủy bỏ những sự kiện công cộng có khoảng 250 người tham dự, khuyến khích cho nhân viên làm việc từ xa.

Trong khi đó, bang San Francisco thông báo đóng cửa tất cả các trường công lập trong 3 tuần, từ ngày 16/3 cho tới hết kỳ nghỉ Xuân vào ngày 3/4.

Theo thông tin cập nhật, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận nước này đã có tổng cộng 1.264 trường hợp nhiễm, số người tử vong lên tới 36 ca. Dịch đã lây lan tại 42 bang và thủ đô Washington.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa ngày 12/3 thông báo nước này sẽ đóng cửa tất cả các trường học từ thứ Hai tuần tới cho đến trước lễ Phục sinh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới hơn 1,6 triệu trẻ em và vị thành niên trên toàn quốc và sẽ có hiệu lực đến ngày 9/4. Bên cạnh đó, Thủ tướng Costa cũng công bố một số biện pháp "tạm thời" khác, bao gồm cả việc đóng cửa các câu lạc bộ đêm và hạn chế khách thăm các nhà dưỡng lão.

Cho đến nay, Bồ Đào Nha đã ghi nhận 78 ca nhiễm COVID-19. Nhà chức trách nước này đã ra lệnh hoãn các sự kiện tập trung hơn 1.000 người trong không gian kín và hơn 5.000 người tại các không gian mở trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tổng thống Pháp cho rằng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, virus SARS-CoV-2 có khả năng tấn công nhiều hơn đến những đối tượng trẻ tuổi. Vì vậy, Chính phủ Pháp quyết định đóng cửa toàn bộ các trường học trên toàn nước Pháp, kể từ ngày 16/3 tới và kêu gọi người dân hạn chế đi lại.

Sau quyết định của Chính phủ Pháp, khoảng 62.000 cơ sở giáo dục sẽ phải đóng cửa, khoảng 12 triệu học sinh, 1,6 triệu sinh viên, cùng khoảng hơn 1 triệu cán bộ, nhân viên hoạt động trong ngành giáo dục sẽ bị ảnh hưởng. Việc học tập và làm việc từ xa được Chính phủ Pháp khuyến khích triển khai rộng rãi.

Cùng trong ngày 12/3, Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar tuyên bố, nước này sẽ đóng cửa tất các trường học kể từ 18h ngày 12/3 đến hết ngày 29/3.

Ông Varadkar cho biết, các hoạt động tụ họp trên 100 người ở trong nhà và trên 500 người ở ngoài trời sẽ đều phải hủy bỏ, đồng thời khuyến cáo mọi người nên làm việc tại nhà nếu có thể. Các sân bay và cảng vẫn mở hoạt động bình thường.

Toàn bộ trường mẫu giáo, phổ thông và đại học tại Đan Mạch đóng cửa trong 2 tuần vì dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng nước này Mette Frederiksen tuyên bố ngày 11/3.

Học sinh, sinh viên sẽ nghỉ học từ ngày 13/3. Các trung tâm chăm sóc trẻ em đóng cửa từ ngày 16/3. Thủ tướng Frederiksen đánh giá quyết định trên có thể gây ra nhiều thiệt hại, nhưng nếu không làm vậy hậu quả sẽ càng tồi tệ hơn.

Thủ tướng Frederiksen cho hay các chương trình giáo dục thay thế sẽ được công bố trong thời gian tới.

Chính phủ Đan Mạch cũng ra lệnh cấm tổ chức các sự kiện có hơn 100 người tham gia, thay vì 1.000 người như thông báo trước. Đan Mạch ghi nhận 442 trường hợp dương tính mới với nCoV, nâng tổng số người mắc bệnh lên 514. Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke nhận xét "đây là sự gia tăng mạnh mẽ nhất ở châu Âu".

Chính phủ Tây Ban Nha và các nhà chức trách địa phương ở Madrid đã nhất trí đóng cửa tất cả các trường học ở thủ đô của nước này bắt đầu từ ngày 11/3 như một phần nỗ lực nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 sau khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng gấp đôi chỉ qua 1 đêm.

Các nhà chức trách ở Tây Ban Nha đang nỗ lực đối phó với dịch bệnh COVID-19 khi số ca nhiễm đột ngột tăng lên 1.204 trường hợp ngày 9/3 so với con số 589 ca ngày 8/3 với tâm điểm của dịch bệnh tập trung ở Madrid và xứ Basque.

"Chúng tôi đã nhất trí tạm dừng các lớp học từ mẫu giáo cho tới đại học", Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết. Chính phủ cũng khuyến cáo các công ty ở những vùng có dịch nên để nhân viên làm việc từ xa và linh động về thời gian làm việc.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 12/3 đã tuyên bố ngừng hoạt động đi lại bằng đường không, đường biển và đường bộ nội địa đến và đi từ thủ đô Manila, cũng như yêu cầu triển khai các biện pháp cách ly cộng đồng, mà ông gọi là "phong tỏa" thủ đô để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Ông Duterte đã thông qua sắc lệnh cho phép thực thi một loạt biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm tụ tập đông người, đóng cửa các trường học trong một tháng và cách ly các khu dân cư phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 cũng như ngừng hoạt động vào ra thủ đô Manila.

Động thái trên diễn ra sau khi Philippines hôm 7/3 công bố trường hợp SARS-CoV-2 đầu tiên lây nhiễm trong nước. Đến nay, nước này đã ghi nhận 2 ca tử vong do COVID-19 và 53 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Các trường đại học ở Thái Lan đã bắt đầu chuyển sang giảng dạy trực tuyến nhằm giúp hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Theo truyền thông sở tại, Đại học Chulalongkorn đã đề xuất các khoa rút ngắn các tiết học và bổ sung bài giảng trên lớp bằng những tiết học và bài tập trực tuyến. Trường cũng đề nghị đội ngũ giảng viên chuẩn bị các giáo án số như thuyết trình và ghi âm bài giảng cho sinh viên tiếp cận trực tuyến thông qua các nền tảng như Echo360, MyCourseVille và Microsoft Team. Các giảng viên của trường cũng được yêu cầu đưa giáo trình giảng dạy vào chương trình học tập dựa trên việc giao bài tập, theo đó không đòi hỏi sinh viên phải có mặt trên lớp.

Cùng với Đại học Chulalongkorn, các trường đại học Thammasat, Mahidol, Suan Sunandha Rajabhat và Walailak cũng đều công bố những biện pháp tương tự.

Tại Indonesia, một số trường quốc tế ở thủ đô Jakarta ngày 11/3 đã đóng cửa nhằm bảo vệ học sinh và giáo viên trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang lan rộng trên toàn cầu.

Một người phát ngôn của Trường Liên văn hóa Jakarta (JIS) tuyên bố sẽ đóng cửa các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trường đã quyết định triển khai học tập tại nhà và trực tuyến cho tất cả học sinh bắt đầu từ ngày 12-20/3. Quyết định cho học sinh nghỉ học được đưa ra sau khi ban giám hiệu nhà trường có các cuộc tham vấn sâu với quan chức tổ chức y tế quốc tế, chính quyền Indonesia, một số đại sứ quán ở Indonesia và các tổ chức khác có thẩm quyền về vấn đề này. Đến nay có ít nhất 8 trường quốc tế khác ở Jakarta đã đóng cửa vì dịch COVID-19.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/nhieu-nuoc-dong-cua-cac-truong-hoc-do-dich-covid19/389818.vgp