Nhiều nước đối mặt mùa Giáng sinh lạnh bất thường

Nhiều nước từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... đang đối mặt với đợt lạnh dị thường trong kỳ Giáng sinh 2023.

Nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt với đợt khí lạnh vô cùng khắc nghiệt trước ngày Giáng sinh. Cư dân nhiều bang ở Mỹ thậm chí phải chống chọi với cái lạnh -45,5 độ C, hay Hàn Quốc ghi nhận nhiều vụ tai nạn do tuyết rơi cản tầm nhìn.

Giáng sinh lạnh bất thường

Theo đài CNN, Mỹ đang đối mặt với đợt khí lạnh khắc nghiệt khiến gần như tất cả tiểu bang chìm trong băng giá. Nhiều vùng ở Mỹ phải đối mặt với các trận bão tuyết lớn khiến tầm nhìn rơi xuống gần như bằng 0. Các trận bão tuyết lớn, kèm theo mưa đá đang tàn phá nước Mỹ khi nhiệt độ giảm mạnh từ bờ Đông sang bờ Tây, khiến hàng loạt thống đốc các bang phải lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp trước ngày Giáng sinh cuối tuần này.

Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas nhấn mạnh biến đổi khí hậu tiếp tục làm tăng nhiệt độ toàn cầu và góp phần gây ra nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, bao gồm La Nina.

Tình trạng trên cũng khiến du lịch bị đình trệ, nhiều tuyến đường bị đóng, hàng loạt chuyến bay bị hủy và con số này đang ngày càng tăng nhanh. Đáng chú ý, nhiều vùng của các bang Montana, South Dakota và Wyoming đã chứng kiến gió lạnh -50 độ F (tương đương khoảng -45,5 độ C) trong hai ngày qua. Theo trang poweroutage.us, hơn 80.000 người ở bang Texas hiện không có điện và con số đó đang tăng nhanh chóng. Theo trang này, hàng chục ngàn cư dân trên khắp các bang Missouri, Arkansas, Louisiana, Mississippi và Tennessee cũng bị mất điện.

“Cơn bão tuyết lớn đang diễn ra sẽ tiếp tục tạo ra những đợt tuyết dày, gió mạnh và buốt, đe dọa đến tính mạng con người cho đến hết ngày 24-12” - Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết hôm 22-12. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh rằng tình trạng thời tiết này “không phải là một ngày tuyết rơi như khi bạn còn nhỏ, đây là chuyện nghiêm trọng” - hãng Reuters đưa tin.

Trong khi đó, nhiều khu vực miền Bắc và miền Tây nước Anh cũng chứng kiến thời tiết bất ổn với những đợt gió lạnh cùng các đợt mưa rào. Phó Giám đốc Cơ quan Khí tượng quốc gia Anh (Met Office) David Oliver cho biết: “Một kỳ nghỉ Giáng sinh bất ổn đang đến gần. Người dân miền Bắc và miền Tây đang chứng kiến những trận mưa rào thường xuyên và nặng hạt nhất. Gió mạnh sẽ ảnh hưởng đến một số bờ biển cho đến cuối tuần, đặc biệt là phía bắc và phía tây”.

Ông cũng cho biết miền Bắc thâm chí còn có thể phải hứng chịu một đợt khí lạnh hơn, dẫn đến xuất hiện các trận mưa tuyết ở phía tây bắc Scotland vào cuối ngày Giáng sinh. Nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng trên có thể gây trở ngại cho việc đi lại và cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông. Theo Reuters, số lượng người mua sắm ở Anh cũng có xu hướng giảm trong mùa này do ảnh hưởng từ tuyết rơi, giảm 0,9% so với năm ngoái và giảm hơn 20% so với năm 2019. Số người bán cũng giảm 10,2% mỗi tuần.

Nhiều nước châu Á cũng đối mặt với đợt khí lạnh khắc nghiệt, đặc biệt là Đông Bắc Á. Theo tờ Korea Joongang Daily, nhiều tỉnh ở Hàn Quốc chứng kiến đợt lạnh sâu, khi nhiệt độ rơi xuống tới -14 độ C, trong khi đó thủ đô Seoul cũng đón đợt gió lạnh tới -20 độ C. Theo Cơ quan khí tượng Hàn Quốc (KMA), đợt lạnh có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 26-12.

Bão tuyết tại TP Hazleton (bang Pennsylvania, Mỹ) vào ngày 22-12. Ảnh: AP

Theo KMA, tuyết rơi dày ở một số khu vực trong những ngày gần đây đã gây gián đoạn giao thông đường bộ và đường hàng không. Ít nhất 14 chuyến bay đã bị hủy trên cả nước và các chuyến phà chở khách nối đảo Baengnyeong và Incheon (phía tây Seoul) cũng tạm ngưng hoạt động. Các nhà chức trách đã báo cáo ít nhất 26 vụ tai nạn xe cộ liên quan đến tuyết và hơn 200 trường học trên cả nước đã chuyển sang hình thức học từ xa hoặc giảm thiểu thời gian mở cửa. Tình trạng gió giật mạnh cũng có thể gây nhiều rủi ro cho nhiều khu vực dân cư, nhiều vùng có thể sẽ bị mất điện, theo KMA.

Thời tiết lạnh cũng bao trùm Nhật những ngày này khiến chính phủ ban bố khẩn cấp kêu gọi người dân cẩn trọng. Mật độ tuyết nhiều khu vực dự kiến có thể dày tới 90 cm. Do đợt lạnh ảnh hưởng lớn tới đi lại nên chính phủ dự kiến đóng một số đường cũng như cao tốc, tờ The Yomiuri Shimbun đưa tin. Theo Cơ quan khí tượng Nhật (JMA), nhiệt độ đang trở nên lạnh hơn ở miền Bắc nước này, khi nhiệt độ nhiều nơi có thể xuống tới -10 độ C. Trong khi đó, có 40% khả năng miền Đông và miền Tây nước này sẽ có nhiệt độ dưới mức bình thường kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2.

Nguyên nhân là gì?

Theo Met Office, nguyên nhân khiến mùa đông của Anh trở nên lạnh giá là do các luồng không khí lạnh từ Bắc cực tràn xuống. Cụ thể, cơ quan này cho biết Anh chịu tác động của ba luồng khí lạnh chính từ Greenland, Iceland và từ Nga. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các luồng khí lạnh này là không lớn nên thời tiết ở Anh vẫn chưa tới mức giá rét khắc nghiệt.

Khi giải thích về nguyên nhân của mùa đông khắc nghiệt tại Mỹ, cơ quan NWS cho biết nó có mối liên hệ với hiện tượng biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu. Cụ thể, dưới tác động của biến đổi khí hậu, các luồng khí lạnh phía từ Bắc cực được đẩy sâu xuống lục địa Bắc Mỹ với tốc độ nhanh chóng, khiến nền nhiệt bị đẩy xuống dưới mức đóng băng. Ngoài ra, theo NWS, biến đổi khí hậu làm tăng sự ảnh hưởng của các dòng tia (các luồng gió chuyển động nhanh, hẹp và ở độ cao lớn) khiến nhiệt độ mùa đông ở Mỹ giảm rất nhanh.

Các dòng tia này tạo nên các thảm họa thời tiết, theo NWS. Các dòng tia này có thể khiến thời tiết nóng hoặc lạnh một cách bất thường. Nó từng xuất hiện tại Mỹ trong mùa hè năm 2021 và biến mùa hè đó trở thành một trong những mùa hè nóng nhất nước Mỹ. Nay nó lại xuất hiện trong mùa đông, điều này cho thấy khả năng cao mùa đông 2022 sẽ trở thành một trong những mùa đông khắc nghiệt nhất, NWS dự báo.

Về diễn biến đợt lạnh ở châu Á, hãng Bloomberg đưa tin rằng đợt giá lạnh bất thường ở khu vực Đông Bắc Á chính là do hiện tượng La Nina kéo dài ba năm liên tiếp gây ra. La Nina là hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi dị thường. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), hiện tượng La Nina kéo dài ba năm liên tiếp là điều hiếm thấy.

Các nhà khoa học cho biết hiện tượng La Nina khiến Úc, Indonesia và các khu vực khác của châu Á hứng chịu lượng mưa lớn, gây ra nhiều đợt sấm sét ở vịnh Mexico và dọc theo bờ biển vùng Vịnh, đồng thời làm tăng số lượng các cơn bão và lốc xoáy nhiệt đới ở khu vực này. Ngoài ra, hạn hán ngày càng trầm trọng ở vùng Sừng châu Phi và phần phía nam của Nam Mỹ cũng là do ảnh hưởng của La Nina.

Nhu cầu năng lượng nhiều nơi tăng mạnh trước thềm Giáng sinh

Thời tiết lạnh giá đang đổ bộ tại nhiều nước phương Tây và khu vực châu Á, song theo các chuyên gia thuộc Công ty phân tích thị trường ICIS (Anh), nhu cầu về năng lượng trong mùa đông của các nước Đông - Tây là không quá khác biệt.

Dù đã lấp đầy kho dự trữ năng lượng từ hồi cuối tháng 10, song nhiều nước châu Âu vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu năng lượng và khiến người dân có thể đối mặt với nguy cơ mất điện trong mùa đông. Chính phủ các nước Anh, Pháp và Tây Ban Nha khuyến khích người dân hạn chế sử dụng điện, đồng thời cảnh báo có thể cắt điện 1-3 giờ trong mùa đông này, nhằm tiết kiệm năng lượng. Trước tình hình đó, người dân các nước châu Âu ráo riết tìm mua máy phát điện và đồ giữ ấm.

Trong khi đó, thời tiết lạnh giá cũng bắt đầu đổ bộ tại nhiều nước ở vùng Đông Á. Theo đó, nhu cầu sử dụng năng lượng cho sưởi ấm trước việc thời tiết mùa đông có khả năng ngày càng khắc nghiệt tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật cũng tăng cao. Ở các khu vực Đông Nam Á và Tây Nam Á, nhu cầu về năng lượng trong mùa đông này hầu như là không quá cấp thiết, do các nước này hầu như không chịu nhiều ảnh hưởng từ các đợt khí lạnh phương Bắc.

DƯƠNG KHANG - CHÍ THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-nuoc-doi-mat-mua-giang-sinh-lanh-bat-thuong-post713564.html