Nhiều nơi dưới 5 độ C, các tỉnh miền núi Đông Bắc ứng phó rét đậm, rét hại

Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh miền núi Đông Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh đang chủ động các phương án đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ em, người già và bảo vệ cây trồng vật nuôi trong điều kiện thời tiết giá rét kéo dài.

Tại Bắc Kạn, nhiều khu vực núi cao có nền nhiệt ban đêm chỉ từ 2-3 độ C nên nhiều trường lùi thời gian học, bắt đầu lúc 8h30 và kết thúc lúc 16h. Cô giáo Hoàng Thị Hợp (giáo viên điểm trường mầm non Tà Han, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn) cho biết: "Các cô giáo cũng đang cố gắng rất nhiều. Phụ huynh nói rằng dù mưa rét nhưng các con vẫn cố gắng đi học vì đến lớp thì ấm hơn, nếu ở nhà trẻ chơi ở ngoài có thể sẽ bị ốm nhiều hơn. Đến lớp được các cô chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ nên phụ huynh rất yên tâm".

Điểm trường mầm non Tà Han, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn chăm sóc trẻ để đảm bảo sức khỏe trong thời tiết rét đậm

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bắc Kạn thông tin, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương, nhà trường phối hợp với gia đình chủ động các biện pháp chống rét cho học sinh từ mầm non đến các cấp phổ thông và sẵn sàng phương án cho học sinh nghỉ học nếu rét kéo dài. Hiện tại, cơ sở vật chất các trường học tại Bắc Kạn đã được đầu tư bổ sung, đáp ứng cho nhu cầu học tập và khả năng chống rét cho học sinh.

Tại Quảng Ninh, từ hôm qua (23/1) băng giá đã xuất hiện tại nhiều khu vực núi cao trên 1.000m như đỉnh Yên Tử (TP Uông Bí), Cao Ly (huyện Bình Liêu). Rạng sáng nay, băng tuyết tiếp tục duy trì khi nhiệt độ vẫn ở ngưỡng 0 độ C. Nhiều khu vực dân cư tại vùng cao Bình Liêu, Ba Chẽ, một số xã của TP Hạ Long… đều ở mức 5-7 độ C, trời rét buốt kèm mưa nhỏ rải rác. Huyện miền núi biên giới Bình Liêu đã cho khoảng 8.000 học sinh từ mầm non đến THPT nghỉ học để phòng tránh rét.

Ông Vi Tiến Vượng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu cho biết: "Sau khi theo dõi thời tiết thì chúng tôi đã thông tin đến phụ huynh và cơ bản là phụ huynh cũng đồng thuận, trong những ngày rét đậm như thế này thì để học sinh nghỉ học ở nhà, sẽ có kế hoạch để dạy bù vào những thời gian tới. Trong 1-2 ngày tới, nếu thời tiết ấm lên thì chúng tôi sẽ cho học sinh tới trường học bình thường".

Người dân chủ động che chắn chuồng trại và chuẩn bị thức ăn dự trữ cho vật nuôi

Ngành nông nghiệp Quảng Ninh cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cụ thể người chăn nuôi chủ động thức ăn dự trữ, cập nhật diễn biến thời tiết,…

Còn tại Cao Bằng, nền nhiệt ban đêm có nhiều nơi giảm xuống dưới 0 độ C, xuất hiện hiện tượng băng giá. Ông Nông Văn Nèng, người dân xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình cho biết: "Nhà tôi có 4 con trâu, mấy ngày trước cũng đã quây chuồng che bằng bạt rồi. Bây giờ trời lạnh không thả lên núi chăn được, phải nhốt trong chuồng rồi cho ăn cỏ".

Các đoàn kiểm tra sẽ đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi chống rét

Băng giá xuất hiện tại nhiều khu vực núi cao trong rạng sáng ngày 23 và 24/1

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cao Bằng đề nghị các địa phương chỉ đạo, yêu cầu hạn chế đưa trâu bò đi chăn thả trong những ngày rét đậm, dự trữ thức ăn, chủ động gia cố, che chắn chuồng trại, sử dụng bóng điện công suất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi hoặc đốt sưởi cho gia súc… chủ động công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

Nhóm PV/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-noi-duoi-5-do-c-cac-tinh-mien-nui-dong-bac-ung-pho-ret-dam-ret-hai-post1073682.vov