Nhiều nội dung mới mang tính đột phá

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7, sớm hơn 6 tháng so với quy định của luật. Nếu 2 luật mới, sửa đổi này đi vào cuộc sống sẽ mang nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và bổ sung một số quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức, DN, cá nhân tham gia phát triển nhà ở…

Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản:

Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có tính chi tiết, rõ ràng và nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bên tham gia vào thị trường bất động sản, đồng thời tăng cường tính minh bạch và công bằng của thị trường. Ảnh chụp tại khu vực quận Hoàng Mai, Hà Nội Ảnh: Nguyễn Vũ

Sửa đổi đi vào cuộc sống

Vừa qua, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Điều 82 Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15. Theo đó, Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ để xem xét, quyết định trình Quốc hội cho phép Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7, sớm hơn 6 tháng so với thời hiệu của hai luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 11/2023.

Theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở 2023 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nhà ở. Trong đó, Luật đã có các chính sách thuận lợi để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, quy định về đất dành phát triển nhà ở xã hội, điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, cơ chế ưu đãi chủ đầu tư làm nhà ở xã hội.

Đồng thời bổ sung 2 chính sách mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang. Bên cạnh việc được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội như hiện hành, đối tượng người lao động làm việc tại DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp còn được thuê nhà lưu trú công nhân. Đối tượng là lực lượng vũ trang được mua, thuê, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang. Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức, DN, cá nhân tham gia phát triển nhà ở. Bổ sung hành lang pháp lý đầy đủ cho việc cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ…

Trong khi đó, Luật Kinh doanh BĐS cũng có nhiều nội dung mới mang tính đột phá nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường BĐS.

Bộ Xây dựng cũng cho hay, tại Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 5/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm 3 luật này.

Bộ Xây dựng khẳng định đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, trình Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Xây dựng khẳng định việc hai luật có hiệu lực sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường BĐS. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững và vận hành thông suốt thị trường BĐS. Đảm bảo cho thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Luật Kinh doanh nhà ở (sửa đổi) đi vào cuộc sống sẽ có nhiều điểm mới đó là, cấp Sổ hồng cho căn hộ chung cư mini; ưu đãi cho nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội; mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội; không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư; yêu cầu cụ thể về phòng cháy chữa cháy và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; phát triển quỹ nhà ở xã hội và mở rộng lợi nhuận cho chủ đầu tư; xây nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp; thay đổi trong nguyên tắc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội…

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở

Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, Công ty Luật LEGALAM (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “chính sách mới trong Luật Nhà ở năm 2023 mang lại nhiều ưu điểm. Cụ thể, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: việc miễn tiền sử dụng đất, thuế giảm giá trị gia tăng, và hỗ trợ vay vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội giúp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Điều này giúp giải quyết vấn đề nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp và các nhóm dân cư khó khăn”.

Bên cạnh đó, Luật kinh doanh nhà ở sửa đổi mở rộng đối tượng được hưởng chính sách: “bổ sung các đối tượng mới được hỗ trợ mua nhà ở xã hội như học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động khu công nghiệp, giúp mở rộng phạm vi những người được hưởng lợi từ chính sách nhà ở xã hội. Không giới hạn thời hạn sở hữu nhà chung cư: quyết định không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư giúp tạo ra sự ổn định và tin cậy cho người dân sử dụng nhà chung cư. Một ưu điểm khác đó là khuyến khích đầu tư vào nhà ở xã hội: mở rộng biên lợi nhuận, miễn tiền sử dụng đất, thuế giảm giá trị gia tăng làm tăng sự hấp dẫn của việc đầu tư vào nhà ở xã hội”.

Về Luật Kinh doanh BĐS, luật sư Nguyễn Thanh Hoàng cho rằng: Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 có tính chi tiết, rõ ràng và nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bên tham gia vào thị trường BĐS, đồng thời tăng cường tính minh bạch và công bằng của thị trường. Mở rộng quyền kinh doanh cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài: điều này có thể thu hút vốn đầu tư từ người Việt Nam ở nước ngoài và thúc đẩy phát triển của thị trường BĐS. Bên cạnh đó, cụ thể hóa quy định về quyền sở hữu nhà ở và công trình xây dựng: Việc này giúp giảm thiểu tranh chấp phát sinh và bảo vệ quyền lợi của người mua BĐS.

Bên cạnh đó, quản lý thông tin và dữ liệu BĐS được tăng cường. Điều này giúp tạo cơ sở cho sự minh bạch và công bằng trên thị trường. Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của sàn giao dịch và môi giới BĐS: cải thiện pháp luật có thể tăng cường sự tin cậy vào thị trường và bảo vệ quyền lợi của người mua…

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhieu-noi-dung-moi-mang-tinh-dot-pha-379422.html