Nhiều nhà băng có tiềm lực sẵn sàng 'gánh vác', vì sao việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém vẫn chậm trễ?

Mặc dù 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, song đến nay vẫn chưa có trường hợp nào cơ cấu thành công.

Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém đang được Chính phủ đốc thúc. Nhiều nhà băng có tiềm lực mạnh sẵn sàng gánh vác lộ trình phục hồi các ngân hàng yếu kém. Song, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ quan này đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.

Ngân hàng Nhà nước cho biết có nhiều khó khăn trong thực hiện tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.

NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và NHNN đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.

Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, NHNN đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền; đồng thời, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB và Ban kiểm soát đặc biệt SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.

Theo lý giải của NHNN, sở dĩ việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém kéo dài là do một số khó khăn, vướng mắc như: Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Cùng với đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongABank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.

Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ. Trong khi đó, năng lực một số cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém).

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các TCTD yếu kém.

Trước đó, việc xử lý các hàng yếu kém tưởng chừng như đã có bước tiến lớn khi OceanBank được MB và CBBank được Vietcombank đón nhận để thực hiện tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo; còn DongABank được HDBank và GPBank được VPBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ.

Theo đó, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém theo hình thức M&A theo mô hình công ty con (mô hình mẹ - con), nghĩa là ngân hàng TNHH một thành viên do ngân hàng nhận chuyển giao là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trước đó, các bên tách ra để tập trung giải quyết khoản lỗ và độc lập tài chính rồi mới tính đến chuyện sáp nhập. Cách tính các chỉ số an toàn vốn, chính sách về cổ tức, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ… cũng độc lập giữa ngân hàng con và ngân hàng mẹ.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/nhieu-nha-bang-co-tiem-luc-san-sang-apos-ganh-vac-apos-vi-sao-viec-tai-co-cau-ngan-hang-yeu-kem-van-cham-tre-1095936.html