Nhiều người vẫn bị lừa đảo qua mạng

Dù thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh liên tục tuyên truyền, cảnh báo người dân nêu cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, song số nạn nhân mới 'sập bẫy' của loại tội phạm này không hề giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng.

Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) tuyên truyền tới người dân thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) về kỹ năng phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng.

Vẫn với các mánh khóe cũ, tội phạm công nghệ cao đã sử dụng nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn để lừa đảo “con mồi” dùng mạng xã hội nhẹ dạ, cả tin để chiếm đoạt tài sản. Điển hình là thủ đoạn giả danh cán bộ công an thông tin tới người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử giả mạo.

Ngày 22/02/2024, chị L.T.Y., sinh năm 1985, ở xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên), nhận được điện thoại của một nam giới tự xưng là cán bộ công an xã thông báo việc định danh điện tử mức độ 2 của chị bị lỗi phải cài lại. Tin tưởng, chị Y. lập tức làm theo hướng dẫn, tải ứng dụng “CỔNG DỊCH VỤ CÔNG BỘ CÔNG AN” về điện thoại. Sau khi cài đặt, ứng dụng yêu cầu chị thanh toán tiền phí 12 nghìn đồng nhưng chị thao tác không thành công. Để dụ chị “sập bẫy”, đối tượng tiếp tục hướng dẫn chị đồng bộ tài khoản ngân hàng vào ứng dụng mới tải về. Sau khi đồng bộ xong, chị Y. nhận được tin nhắn gửi mã OTP và đã ấn đồng ý. Nào ngờ, sau đó toàn bộ tiền trong các tài khoản ngân hàng của mình đều bị trừ, tổng số tiền là 125 triệu đồng.

Một trường hợp khác cũng ở TP. Thái Nguyên bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn xuất phát từ sự thiếu cảnh giác khi thực hiện các giao dịch tài chính trên mạng xã hội. Đó là trường hợp của anh V.D.H, sinh năm 1976, ở phường Trung Thành. Ngày 28/2/2024, anh H. nhắn tin với tài khoản facebook “Công ty Hồng Phước 5” để hỏi mua xe ô tô với giá 392 triệu đồng.

Sau đó, anh được hướng dẫn liên lạc với một số điện thoại và kết bạn với một tài khoản Messenger để được tư vấn làm thủ tục mua xe. Chủ tài khoản này yêu cầu anh H. xác thực tài khoản ngân hàng xem có đủ tiền hay không. Không hề nghi ngờ, anh H. làm theo hướng dẫn và cung cấp mã OTP cho đối tượng. Chính thao tác này của anh đã tạo cơ hội để đối tượng lừa đảo có cơ hội truy cập tài khoản và chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên 408 triệu đồng, nội dung thanh toán trực tuyến qua NAPAS và không hiện thông tin số tài khoản nhận tiền.

Gần đây nhất, ngày 6/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Lương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Nguyễn Đăng Đức, sinh năm 2002, hộ khẩu ở thôn Bình Định, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết quả điều tra: Đức ở trọ tại Hà Nội, làm công việc chạy phần mềm quảng cáo trên Facebook để cho người khác thuê bán hàng. Do đang cần tiền để đầu tư chơi tiền ảo nên khi biết người bạn quen qua mạng xã hội là anh L.V.T (sinh năm 1996, ở xã Yên Đổ, Phú Lương) nhờ “chạy án”, Đức nói dối mình quen biết cán bộ công an nên có thể lo được.

Nắm được anh T. bị người khác chuyển tiền lừa đảo vào tài khoản, bị công an Lào Cai triệu tập lên làm việc, Đức đã thông tin với anh T. rằng sau khi nhờ người kiểm tra hồ sơ liên quan, anh T. có thể lĩnh mức án từ 3-7 năm tù. Để tăng lòng tin, Đức còn thuê một người đàn ông chạy xe ôm đóng giả làm cán bộ công an đến gặp anh T. nói chuyện. Tin tưởng, anh T. đã chuyển tổng số tiền 402 triệu đồng cho Đức.

Đối tượng Lê Nguyên Giáp bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố tháng 12-2023 về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ảnh: Tư liệu.

Trước đó, tháng 12-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Nguyên Giáp, sinh năm 1993, trú tại quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, năm 2023, một công dân trên địa bàn tỉnh có tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo chiếm đoạt tiền. Sau đó, người này đã tham gia vào một số nhóm trên mạng xã hội để tìm cách lấy lại tiền. Khi đó, Giáp đã chủ động nhắn tin cho người này và cho biết mình cũng từng bị lừa đảo như vậy và có quen biết với một cán bộ làm ở Bộ Công an có thể giúp lấy lại tiền. Rồi Giáp gửi số điện thoại của mình, giả làm cán bộ công an và trao đổi với công dân trên. Sau đó, người này đã chuyển cho Giáp 3 lần với tổng số 100 triệu đồng để nhờ tiếp nhận đơn trình báo và điều tra lấy lại số tiền bị lừa.

Theo thống kê chưa đầy đủ của lực lượng Công an, trung bình mỗi tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ lừa đảo qua mạng. Bên cạnh một số người sau khi biết mình bị lừa đã đến cơ quan Công an trình báo, vẫn còn không ít người do e ngại người thân biết nên “ngậm đắng nuốt cay” giấu kín.

Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người hãy nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng khi thực hiện các giao dịch qua mạng, tránh bị chiếm đoạt tài sản.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202403/nhieu-nguoi-vanbi-lua-dao-qua-mang-3291605/