Nhiều người 'đi làm như đi chơi' nhưng cứ đòi thưởng Tết cao

Những người có công việc nhẹ nhàng, tinh thần trách nhiệm chưa cao lại so bì, hơn thua chuyện thưởng Tết với tôi, điều này khiến tôi vô cùng khó nghĩ.

Tôi làm nhân viên kinh doanh ở một công ty thực phẩm tại TP.HCM. Sáng nào tôi cũng chạy xe máy hơn 10km từ TP Thủ Đức lên quận Tân Bình làm việc.

Sau khi “check-in” ở trụ sở công ty, tôi phải đi đến các quận, huyện khác trong thành phố để làm thị trường, mở rộng kênh phân phối và tìm đối tác mới cho công ty.

Sự nỗ lực, vất vả quanh năm của tôi được công ty ghi nhận và Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, tôi được thưởng 25 triệu đồng. Sau khi biết được mức thưởng Tết của tôi, nhiều đồng nghiệp ở công ty đã có thái độ sân si, nói bóng gió.

Chị nhân viên hành chính lâu lâu lại "mát mẻ" tôi một câu kiểu như: “Em năm nay ăn Tết lớn nhỉ” hay “Em thì ấm áp rồi, bọn chị khổ quá” hoặc “Năm nay coi như mất Tết, đâu ai được như em!”... và liên tục than vãn, tỏ ra bất mãn vì chỉ được thưởng Tết 6 triệu đồng.

Chị ấy không hề nhìn lại mình để nhớ rằng cả năm, chị liên tục đi làm muộn rồi xin về sớm đón con. Mỗi lần công ty có hoạt động từ thiện, đi dã ngoại, có công tác đoàn thể hay việc hiếu, việc hỷ, chị ấy đều vắng mặt với lý do gia đình bận việc.

Chị ấy thường xuyên đi ăn trưa từ rất sớm nhưng hết giờ nghỉ trưa vẫn lang thang cà phê với bạn bè ở đâu đó. Nhiều khi chúng tôi muốn liên hệ với chị để xử lý công việc mà chẳng thấy đâu. Vậy mà đến cuối năm, chị lại “mặt nặng mày nhẹ” với những người được thưởng Tết cao hơn.

Nhiều người ít kinh nghiệm, chưa cống hiến nhiều cho công ty nhưng luôn đòi lương cao, thưởng nhiều. (Ảnh minh họa)

Mấy hôm nay, chị ấy và vài đồng nghiệp nữa cứ tụm năm, tụm ba rồi nói bóng gió những người được thưởng cao, chê bai công ty không công bằng rồi gây khó dễ với chúng tôi trong công việc.

Bà chị làm tạp vụ cũng “hùa” theo nói này nói nọ vị chỉ được thưởng Tết 4 triệu đồng. Tuy nhiên, công việc của chị ấy không quá vất vả, ít áp lực. Mỗi sáng, chị ấy chỉ lau nhà, dọn dẹp, mang ly chén đi rửa. Sau đó, chị ngồi bấm điện thoại, xem phim đến trưa rồi xuống sảnh lấy cơm giúp mọi người.

Thực tế mỗi ngày chị ấy chỉ làm khoảng 2 tiếng buổi sáng và 2 tiếng buổi chiều. Chỉ hôm nào công ty có tiệc tùng, liên hoan thì chị ấy mới vất vả hơn một chút.

Chị không phải chịu cảnh sếp "gầm thét" vì doanh số hay dự án. Nửa đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, chị không phải ôm máy tính chong đèn "cày" deadline, không phải giật mình thon thót khi nhận điện thoại, tin nhắn, email của sếp thúc giục, vặn vẹo, mắng mỏ... như chúng tôi.

Nhưng chị không so công việc, chỉ so mức tiền nhận được, liên tục kể nghèo, kể khổ và nói về sự chênh lệch thu nhập, đãi ngộ, cứ như thể những người nhận thưởng Tết cao như tôi có lỗi và làm chị thiệt thòi. Nhiều lần đi ngang qua, tôi còn nghe thấy chị nói xấu tôi.

Từ chỗ vui vì được thưởng Tết xứng với công sức bỏ ra, tôi và một số anh chị em hơi buồn vì chuyện này ảnh hưởng đến tình đoàn kết, gắn bó trong công ty. Giá như mọi người đều hiểu rằng, sự chênh lệch về thu nhập, đãi ngộ giữa các nhân viên chính là sự công bằng mà bất cứ công ty nào cũng phải có. Cào bằng mới là bất công.

Sự tưởng thưởng phải đi đôi với đóng góp. Nếu chưa cống hiến nhiều thì sao có thể đòi thưởng Tết cao? Nếu ai cũng nhận được như ai thì liệu có còn động lực để phấn đấu, vươn lên trong tập thể nữa hay không? Chắc chắn là không.

Thậm chí tôi còn cho rằng, các công ty phải thể hiện rõ hơn nữa sự khác biệt về đãi ngộ giữa những người có mức cống hiến khác nhau, đó mới là môi trường làm việc chuyên nghiệp và có thể phát triển bền vững.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

BẢO LINH

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhieu-nguoi-di-lam-nhu-di-choi-nhung-cu-doi-thuong-tet-cao-ar854176.html