Nhiều người bỏ triệu USD để mua vật phẩm ảo trên Internet

Nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền khổng lồ, thậm chí lên tới hàng triệu USD, để sở hữu các vật phẩm ảo trên sàn NFT.

Cuối tháng 2/2021, nghệ sĩ kỹ thuật số Mike Winkelmann, hay còn được biết đến với biệt danh Beeple, đã bán một đoạn video có thời lượng 10 giây với giá 6,6 triệu USD. Tương tự, đoạn video hoạt họa Nyan Cat nổi tiếng cũng đã được mua lại trên nền tảng Foundation với giá 587.000 USD hôm 18/2.

Tuy chỉ là những vật phẩm ảo tồn tại trên không gian Internet, nhiều nhà sưu tầm vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD để sở hữu chúng. Hiện nay, loại hình vật phẩm kỹ thuật số áp dụng công nghệ blockchain (NFT) đang trở thành trào lưu kinh doanh mới, đem lại nguồn doanh thu khổng lồ cho các công ty khởi nghiệp.

Đoạn video với hình ảnh ông Trump nằm gục trên mặt đất được bán với giá 6,6 triệu USD. Ảnh: Beeple.

NFT là gì?

Nói một cách dễ hiểu, NFT (Non Fungible Token) là một loại vật phẩm ảo. Thay vì sở hữu một tác phẩm nghệ thuật ngoài đời, bạn có thể sở hữu chúng trên Internet. Nhờ công nghệ blockchain, mỗi vật phẩm NFT được xác thực là duy nhất. Giá trị của NFT dựa vào sự hiếm có và độc đáo. Nhưng, không giống như hệ thống tiền điện tử, người dùng không thể đổi một NFT này lấy một NFT khác.

Ví dụ, bạn có thể đổi một Bitcoin lấy một Bitcoin khác, nhưng không thể trao đổi 2 bức tranh Mona Lisa khác nhau, đơn giản vì trên thế giới chỉ có duy nhất một bức tranh Mona Lisa.

Sự phát triển của Internet đồng nghĩa với việc bất kỳ ai cũng có thể xem hình ảnh, video hay nghe bài hát trực tuyến miễn phí. Tuy nhiên, công nghệ blockchain đang cho phép những người mua NFT quyền sở hữu vật phẩm ảo đó.

CryptoPunks là những bức ảnh nghệ thuật 24x24 pixel tạo ra bởi thuật toán. Mỗi bức hình đều độc nhất vô nhị và được định giá lên tới hàng triệu USD. Ảnh: Larva Labs.

Theo những người ủng hộ mô hình kinh doanh NFT, trào lưu này sẽ khắc phục được tình trạng nhiều nghệ sĩ không được trả tiền khi phân phối nội dung trực tuyến. Đối với một số nhà phê bình, NFT sẽ tạo ra cơn sốt đầu cơ hoàn toàn mới.

NBA Top Shot, một nền tảng kinh doanh NFT “ăn theo” giải đấu bóng rổ nhà nghề tại Mỹ, cho phép người dùng mua hoặc bán các đoạn video đặc biệt về một cầu thủ bóng rổ. Sau khi được NBA cấp phép, công ty khởi nghiệp chuyên số hóa các cảnh quay Dapper Labs đã tạo ra hàng loạt video tiêu điểm trong các trận đấu bóng rổ nhà nghề và bán chúng với số lượng hạn chế.

Theo CryptoSlam, doanh số NBA Top Shot đã đạt con số 280 triệu USD tính đến nay. Với mỗi giao dịch, Dapper Labs sẽ được chia hoa hồng còn NBA thu về tiền bản quyền.

Bóng rổ không phải môn thể thao duy nhất tham gia vào xu hướng kinh doanh NFT. Công ty khởi nghiệp của Pháp, Sorare, đã cho phép người dùng thu thập và sử dụng các tấm thẻ bóng đá được cấp phép trong một số trò chơi trực tuyến. Theo thống kê của NFT NonFungible, doanh số bán hàng của Sorare đã vượt qua con số 22 triệu USD.

Bên cạnh đó, Sorare cho biết công ty đã huy động được thêm 50 triệu USD từ các nhà đầu tư nổi tiếng như Accel (đồng sáng lập Benchmark) và Alexis Ohanian (đồng sáng lập Reddit).

“NFT đang trở thành ngành công nghiệp mới. Việc trao đổi thẻ bài hay đồ sưu tầm mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các nền tảng giao dịch”, Lars Rensing, CEO công ty blockchain Protokol, cho biết.

NFT không phải hiện tượng mới. Trước đó, CryptoKitties, trò chơi dựa trên công nghệ blockchain cho phép người dùng thu thập, sinh sản hay mua bán các loại mèo ảo, đã tạo ra cơn sốt khổng lồ trong cộng đồng người dùng. Theo NonFungible, tính đến nay, doanh thu của trò chơi này đã lên tới 40 triệu USD.

Điều gì tạo nên cơn sốt NFT?

Đại dịch Covid-19 đóng vai trò lớn trong sự bùng nổ của xu hướng kinh doanh vật phẩm ảo NFT. Các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại tại một số quốc gia trên thế giới khiến mọi người ở nhà và dành nhiều thời gian trên Internet.

Chủ nhân của meme nổi tiếng Nyan Cat Chris Torres. Ảnh: Deviant Art.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu L’Atelier thuộc hệ thống BNP và BNP Paribas, tổng giá trị các giao dịch NFT đã tăng gấp 4 lần lên 250 triệu USD chỉ riêng trong năm 2020.

Bên cạnh đó, việc giá trị của các đồng tiền điện tử như Bitcoin hay Ethererum tăng trưởng trở lại khiến người dùng chú ý đến công nghệ blockchain hơn.

“Chúng ta đang sống tại thời điểm mà phần lớn dân số trên thế giới dành 50% thời gian trên không gian Internet”, Whale Shark, người sở hữu bộ sưu tập NFT trị giá hơn 2,7 triệu USD, chia sẻ với CNBC.

Xu hướng kinh doanh NFT để lại nhiều hoài nghi

Ngoài thỏa mãn niềm đam mê, nhiều nhà đầu tư coi NFT là danh mục đầu cơ tiềm năng và giữ chúng một thời gian dài như món đồ sưu tầm.

“NFT xuất hiện từ năm 2017. Phần lớn người tìm đến chúng để đầu cơ. Tuy nhiên thị trường này đang dần trưởng thành trong năm 2020”, Nadya Ivanova, Giám đốc điều hành của L’Atelier, nói với CNBC.

Doanh thu từ hoạt động giao dịch vật phẩm NFT từ năm 2018-2021. Ảnh: Opensea.

NFT đã thu hút nhiều người nổi tiếng như Mark Cuban, Lindsay Lohan, Gary Vaynerchuk và nhiều thương hiệu lớn. Tuy nhiên, thị trường NFT đang vấp phải sự hoài nghi từ một số nghệ sĩ cũng như giới đầu tư.

Nhiều nhà phê bình cho rằng NFT sẽ sớm “chết yểu” tương tự các đợt phát hành tiền điện tử từ doanh nghiệp (ICO). Không có gì ngạc nhiên khi một số nền tảng kinh doanh NFT phản đối quan điểm này.

“Tôi nghĩ rằng 99% các dự án ngày nay không thể tồn tại quá 2-3 năm, tương tự sự bùng nổ của ICO”, Whale Shark nhận xét.

Nhiều vật phẩm NFT được định giá bằng Ether, token mã hóa của chuỗi khối Ethereum. Đồng tiền điện tử này đã nhanh chóng đạt giá trị kỷ lục hơn 2.000 USD vào tháng trước và sau đó giảm hơn 600 USD chỉ trong vài ngày. Đây là lời nhắc nhở gửi gắm các nhà đầu tư về sự biến động dữ dội từ các dự án tiền điện tử.

Ngọc Phương Linh

Theo CNBC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-nguoi-bo-trieu-usd-de-mua-vat-pham-ao-tren-internet-post1189518.html